Nợ xấu ngân hàng qua trường hợp của Vietcombank

20/05/2015 08:42 AM |

Từ trường hợp của Vietcombank có thể nhìn rộng ra tình hình nợ xấu của hệ thống các ngân hàng thương mại hiện nay...

Nội dung nổi bật:

- Báo cáo tài chính Quý 1/2015 thể hiện rõ, một trong những điểm nổi bật tác động đến quy mô tổng tài sản của Vietcombank quý vừa qua là từ kênh liên ngân hàng. Điều này không bất ngờ.

- Nợ xấu của Vietcombank đã bật lại khá mạnh, tăng từ 2,3% cuối 2014 lên 2,97%.

- Vietcombank chưa bán lại một đồng nào nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nói cách khác, nợ xấu được cô đặc mà không “pha loãng” đi chỗ khác.


Quý 1/2015, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có những chỉ tiêu kinh doanh thoạt nhìn kém khả quan. Riêng chỉ tiêu nợ xấu, có những yếu tố có thể xem là điển hình xét chung cho hệ thống hiện nay.

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, tổng tài sản của ngân hàng lớn này “bốc hơi” hơn 37.000 tỷ đồng chỉ sau ba tháng đầu năm; lợi nhuận giảm 3% so với cùng kỳ 2014; đặc biệt, nợ xấu đã bật mạnh trở lại từ 2,3% cuối 2014 lên 2,97%.

Hai mặt ảnh hưởng

Báo cáo tài chính cũng thể hiện rõ, một trong những điểm nổi bật tác động đến quy mô tổng tài sản của Vietcombank quý vừa qua là từ kênh liên ngân hàng. Điều này không bất ngờ.

Từ 1/9/2012, Thông tư số 21 của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu vào cuộc chấn chỉnh trật tự trên thị trường liên ngân hàng. Đây là chính sách có tác động sâu sắc, hạn chế một cách rõ nét ngay sau khi có hiệu lực về tình trạng “bật tường” vốn trên liên ngân hàng dẫn đến “bong bóng” tổng tài sản của các tổ chức tín dụng tăng nóng trước đây.

Cho đến nay, tác động từ Thông tư 21 vẫn nguyên giá trị. Thêm nữa, với thanh khoản tốt và thậm chí dư thừa vốn trong hệ thống thể hiện thời gian qua, các con thoi kinh doanh vốn trên liên ngân hàng tiếp tục hạn chế vận động và thể hiện ở quy mô tổng tài sản nói chung, trong đó có Vietcombank.

Mặt khác, với riêng “ông lớn” quốc doanh này, việc cơ cấu lại nguồn vốn với sự dịch chuyển cơ cấu có chi phí huy động thấp thể hiện rõ trong khoảng một năm trở lại đây. Trong khi đó, hệ số sử dụng vốn lại duy trì ở mức thấp so với khối quốc doanh (chỉ khoảng 70% so với bình quân khối từ 90 - 95% tùy thời điểm, hay bình quân khoảng 83 - 85% toàn hệ thống).

Vietcombank có thể tự hào khi là thành viên đầu tiên trong khối có thu từ dịch vụ đạt trên 30% cơ cấu, nhưng rõ ràng hệ số sử dụng vốn khá thấp đó ảnh hưởng đến hiệu quả, điều này phản ánh ở diễn biến tổng tài sản và lợi nhuận.

Cái gì cũng có thể có hai mặt. Hạn chế từ hệ số sử dụng vốn khiêm tốn lại có thể “đổi lại” cho các chỉ số an toàn tốt hơn, điển hình như hệ số an toàn vốn (CAR). Cũng lưu ý rằng, Vietcombank vừa mới trải qua những năm chật vật 2010 - 2012 về đảm bảo CAR tối thiểu 9%.

Hay một liên hệ khác, từ hệ số sử dụng vốn thấp, ngân hàng này cũng có lý do để tự tin về vấn đề thanh khoản. Rõ hơn, đây là thành viên liên tục đi đầu trong hạ lãi suất huy động hơn một năm qua. Chi phí đầu vào tốt hơn tạo thêm điều kiện để cạnh tranh cho vay đầu ra tốt hơn, lãi suất cho vay dễ chịu hơn…

Nợ xấu Vietcombank như thế nào?

Báo cáo tài chính quý 1/2015 cho thấy nợ xấu của Vietcombank đã bật lại khá mạnh, tăng từ 2,3% cuối 2014 lên 2,97%.

Thoạt nhìn, quan ngại là có thực. Nợ xấu không những không giảm được mà lại tăng lên khá mạnh như vậy. Đây cũng là tình hình chung của hệ thống những tháng đầu năm nay.

Song, trường hợp của Vietcombank cũng có những yếu tố điển hình để nhìn vào tình hình chung đó.

Theo báo cáo tài chính, trong quý công bố, Vietcombank chưa bán lại một đồng nào nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nói cách khác, nợ xấu được cô đặc mà không “pha loãng” đi chỗ khác. Nhìn rộng ra, với bất kỳ ngân hàng thương mại nào, mức độ bán cho VAMC càng lớn thì nợ xấu trên sổ sách báo cáo còn lại càng “đẹp”.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về đợt cao điểm bán lại nợ xấu cho VAMC trong quý 2/2015, dự kiến Vietcombank sẽ “phải” bán lại khoảng 1.000 tỷ đồng.

Quy mô đó nhỏ hơn nhiều so với một số “ông lớn” khác dự tính đăng ký bán tới 4.000 - 8.000 tỷ đồng năm nay. Nhưng chỉ cần bán lại chừng đó, cộng với việc sử dụng nguồn trích lập dự phòng để tự xử lý, nếu muốn, Vietcombank hoàn toàn giảm được nhanh tỷ lệ nợ xấu ngay trong quý 2 này.

“Nếu muốn”, nói vậy để thấy việc xử lý nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu công bố hiện nay, liên quan trực tiếp là con số lợi nhuận, chịu ảnh hưởng nhất định từ ý chí chủ quan của mỗi nhà băng. Điều này cũng đã phảng phất qua tình huống “chạy trần trong tuyết” ở Eximbank quý 4/2014 vừa qua .

Ngoài việc chưa bán lại đồng nào cho VAMC, chưa dùng nguồn dự phòng để tự xử lý, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng mạnh trở lại còn gắn với khẩu vị rủi ro của họ.

Theo quy định tại Thông tư 02, một khách hàng có một khoản nợ xấu thì các khoản vay khác của họ cũng buộc phải phân loại cùng nhóm. Nợ xấu các ngân hàng nói chung tăng lên một phần chính từ quy định mới này, hay nó trở nên sát thực hơn trước.

Ngoài phân loại theo định lượng, những năm qua Vietcombank còn thực hiện theo phương pháp định tính, gắn với cơ chế xếp hạng tín nhiệm nội bộ đối với khách hàng.

Với cơ chế đó, chỉ cần khách hàng có dấu hiệu dòng tiền chậm, hoặc vẫn trả nợ đều đặn nhưng kết quả kinh doanh lỗ, hay có biểu hiện nào đó mà hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ nhận thấy rủi ro…, thì nợ có thể phải xem xét chuyển nhóm để chủ động phòng xa.

Chính cơ chế trên cũng góp phần lý giải vì sao Vietcombank dồn lượng trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng gần bằng con số tuyệt đối của nợ xấu: 8.292 tỷ đồng so với 8.830 tỷ đồng.

Hay nói một cách cảm tính đơn giản, nếu muốn xóa sạch nợ xấu thì Vietcombank đã có sẵn nguồn xử lý gần đủ (dĩ nhiên là có mượn phần dự phòng của các khoản vay tốt hoặc chưa phải là nợ xấu, theo quy định phải trích lập 0,75% dự phòng chung).

Với cân đối trên, việc xử lý nợ xấu nếu xét theo hướng chỉ dựa vào nội lực của riêng các ngân hàng thì tại Vietcombank hiện khá ổn. Tiếc rằng điều này chưa thực sự mở rộng được trong hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, dù ba năm qua đã có một lượng lớn nợ xấu được họ tự xử lý bằng nguồn lực dự phòng, khi quan điểm đã chốt là không dùng tiền ngân sách.

Theo Minh Đức

Cùng chuyên mục
XEM