Nielsen: Tăng trưởng ngành FMCG "dậm chân tại chỗ", cơ hội từ thị trường nông thôn

18/09/2015 14:00 PM |

Trong quý 2 năm 2015, ngành hàng tiêu dùng (FMCG) có tốc độ tăng trưởng ở mức 0,9% so với năm trước, chủ yếu đến từ việc tăng giá, trong khi đó tăng trưởng khối lượng tiêu thụ“dậm chân tại chỗ” với mức 0%.

Thông tin trên được đưa ra từ nghiên cứu Cập nhật thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh Qúy 2 do Nielsen thực hiện.

Các nhóm sản phẩm chính như đồ uống (bao gồm cả bia), thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc lá và sản phẩm chăm sóc em bé... đều có bức tranh tăng trưởng khác nhau.

Nhóm sản phẩm đồ uống tiếp tục là ngôi sao sáng với 38% đóng góp vào tổng doanh số bán hàng của toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh và đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất với mức 6.7% trong quý 2, mặc dù đã giảm nhẹ so với tốc độ tăng trưởng 9.7% trong quý 1. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của nhóm sản phẩm đồ uống chủ yếu do tăng trưởng khối lượng.

Sự phát triển của sản phẩm đồ uống chủ yếu đến từ bia, nước uống tăng lực và nước uống thể thao. Ngược lại với nhóm sản phẩm đồ uống, thị trường tiêu thụ cho các nhóm sản phẩm chính còn lại vẫn còn phải đương đầu với nhiều thách thức.

Trong khi tỷ lệ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 6 thành phố chính dường như bị bão hòa trong thời gian gần đây, thì thị trường nông thôn nổi lên như là một nguồn tăng trưởng mới cho nhiều nhà sản xuất. Câu chuyện này một lần nữa được nhìn thấy rất rõ trong nửa đầu năm 2015.

Các cộng đồng nông thôn ở Việt Nam chiếm 68% của 90 triệu dân và hiện nay chỉ có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến từ nông thôn. Hơn nữa, cư dân nông thôn hiện nay đang ưu tiên đầu tư vào giáo dục, và đang có sự tăng trưởng thu nhập vào khoảng 44% trong 3 năm qua.

"Từ thực tế trên cho thấy thị trường nông thôn tiềm ẩn rất nhiều cơ hội nhưng vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp biết đến." , ông Alex Jeater, Quản lý cao cấp phụ trách Dịch vụ đo lường bán lẻ của công ty Nielsen Việt Nam nhận định.

Theo báo cáo của Nielsen, tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh ở thị trường nông thôn tốt hơn so với thành thị trong 2 quý vừa qua. Trong khi thành thị chỉ đạt mức tăng trưởngvào khoản 1,6% vào quý 2, thì thị trường nông thôn phát triển ở mức 2,7%, chủ yếu do tăng trưởng khối lượng tiêu thụ.

Ngoài ra, khi các nhóm sản phẩm chính vẫn đang gặp nhiều thách thức trong 6 thành phố trọng điểm, thì 11 trong 18 nhóm sản phẩm chính này đang có tốc độ tăng trưởng tích cực ở thị trường nông thôn, cho thấy cơ hội rất lớn cho các nhà sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ.

5 nhóm sản phẩm dẫn đầu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong thị trường nông thôn là nước uống năng lượng, nước rửa chén, sữa uống đóng chai/đóng hộp, nước uống đóng chai và nước giải khát.

Theo Ashwin Sukumaran, Trưởng bộ phận Tư Vấn và Phân tích Chuyên Sâu của Nielsen Việt Nam nhấn mạnh: "Việc mở rộng đến thị trường nông thôn ở Việt Nam mang theo những thách thức giống như những thách thức mà chúng tôi đã nhìn thấy tại các nước châu Á lớn khác như chi phí cao để phục vụ các thị trấn, thị xã nằm phân tán ở nhiều khu vực khác nhau.

Do đó, ông Sukumaran khuyến nghị: "Cũng giống như ở Ấn Độ và Trung Quốc, giờ đây điều quan trọng đối vớicác nhà sản xuất ở Việt Nam là phải có kế hoạch tập trung đầu tư thích hợp vào các vùng nông thôn ưu tiên của họ. Một số vùng nhất định của nông thôn có triển vọng cao hơn so với những vùng khác; việc xác định được những vùng trọng điểm đầu tư trở nên rất quan trọng để đảm bảo tối đa hiệu quả kinh doanh."

Khi nói đến các yếu tố ảnh hưởng đến việc mua hàng của người tiêu dùng nông thôn, ngoài việc chịu ảnh hưởng từ các giới thiệu của gia đình và bạn bè, người tiêu dùng ở nông thôn Việt Nam cũng có những phản ứng tích cực từ các khuyến nghị của các nhà bán lẻ.

9 trong 10 (90%) nhà bán lẻ giới thiệu sản phẩm cho người mua hàng, và trung bình đạt được tỷ lệ gần 1 trong 3 người mua sản phẩm được đề nghị bởi các nhà bán lẻ (31% khách hàng mua sản được đề nghị bởi các nhà bán lẻ). Với khoảng 27,5 triệu người mua sắm thường xuyên ghé các cửa hàng bán lẻ mỗi ngày, khuyến nghị của nhà bán lẻ có thể là một hình thức quan trọngnhằm nâng sức mạnh của một thương hiệu.

"Sự kết hợp những thách thức và cơ hội ở thị trường nông thôn đòi hỏi nhà sản xuất phải có sự hiểu biết thấu đáo về người tiêu dùng nông thôn và có các lộ trình thích hợp để giành lấy thị trường tiềm năng này. Đặc biệt, kết nối và “giữ lại”những người ủng hộ cho thương hiệu của bạn để tận dụng sức mạnh của lời nói, các nhà bán lẻ trở thành đòn bẩy làm đại sứ thương hiệu khá quan trọng. Và các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ cũng nên dựa vào sức mạnh của truyền hình đại chúng trong khi vẫn tập trung vào kênh truyền thông kỹ thuật số để kết nối với người tiêu dùng trẻ tuổi." nhấn mạnh Alex.

Dự báo cuối năm tăng trưởng về sản lượng FMCG so với cùng kỳ năm trước sẽ vẫn còn khó khăn. Với mức dự báo cao nhất, thị trường lạc quan khi tăng trưởng mạnh về dòng vốn FDI, thị trường ngoại hối vững chắc, tăng mạnh về chỉ số lạc quan của người tiêu dùng.

Mức dự báo thấp nhất có thể xảy ra khi tăng trưởng GDP giảm, thuế tăng đột ngột như thuế hàng hóa, dịch vụ, thuế trên giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, Nielsen cho rằng mức dự báo trung bình là trường hợp có thể xảy ra nhất.

Theo An Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM