Những nút thắt còn lại của TPP

27/07/2015 12:05 PM |

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng có thể hoàn tất vào cuối tuần tới.

Đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cấp trưởng đoàn chính thức khởi động từ ngày 24/6 với kỳ vọng có thể hoàn tất thỏa thuận tại đàm phán cấp bộ trưởng vào ngày 28-31/7 tới.

Tuy nhiên, theo nguồn thân cận với vòng đàm phán, còn quá sớm để nói các nhà đàm phán sẽ đạt được tiến triển đáng kể tại vòng trưởng đoàn để hoàn tất vào cuối tuần tới.

Hai nguồn tin khác cho rằng, các bộ trưởng đàm phán TPP sẽ khó đạt được thỏa thuận cuối cùng, thay vào đó có thể sẽ chỉ tuyên bố đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc, do đó, các vấn đề còn tồn đọng sẽ được giải quyết về sau.

Điều này vẫn cho phép chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo về thỏa thuận cho Quốc hội, Quốc hội sẽ có thời gian 90 ngày xem xét trước khi ký thông qua theo quy định của đạo luật đàm phán nhanh.

Hiện các vấn đề còn gây bất đồng trong đàm phán TPP bao gồm từ vấn đề sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường đến lao động, đầu tư, …

Sở hữu trí tuệ

Vấn đề nan giải nhất trong chương đàm phán về sở hữu trí tuệ liên quan đến sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm. Mỹ đòi hỏi bảo hộ 12 năm đối với thuốc gốc theo luật của Mỹ. Yêu cầu này vấp phải sự phản đối của nhiều nước vì cho rằng quy định sẽ khiến giá thuốc trở nên đắt đỏ.

Theo nguồn thạo tin, sau đàm phán, thời gian bảo hộ có thể sẽ giảm xuống 7 năm. Một số nước như Chile đã bắt đầu đàm phán song phương thông qua văn bản về một số vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ với Mỹ.

Một vấn đề khác liên quan đến sở hữu trí tuệ đó là phụ chương về tính minh bạch hóa. Mỹ muốn đưa ra các quy tắc đối với cơ quan chính phủ đưa ra quyết định về việc hoàn lại thuốc và các thiết bị y tế theo các chương trình y tế cộng đồng. Vấn đề mấu chốt là liệu New Zealand có nhất trí với những quy tắc này, và việc họ có chấp thuận hay không lại phụ thuộc vào những nhượng bộ về vấn đề sữa.

Một vấn đề khác nữa liên quan đến sở hữu trí tuệ đó là về chỉ dẫn địa lý. Mỹ, Úc, New Zealand ủng hộ các quy tắc yêu cầu các nước tham gia TPP có thể từ chối hoặc hủy cơ chế bảo hộ trong những trường hợp nhất định.

Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa có được sự đồng thuận về việc liệu các thỏa thuận quốc tế giữa các nước tham gia TPP với các bên khác như EU có phải áp dụng cơ chế này hay không, và nếu có thì phạm vi ngoại lệ sẽ như thế nào.

Tiếp cận thị trường

Tiếp cận thị trường là vấn đề gây khá nhiều tranh cãi và liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp như tranh cãi vấn đề tiếp cận thị trường sữa giữa Mỹ, Canada, Nhật Bản và New Zealand.

Trở ngại lớn duy nhất giữa đàm phán Nhật Bản – Mỹ liên quan đến tiếp cận thị trường nông nghiệp đó chính là gạo. Nhiều tháng qua, 2 bên đã thảo luận đưa ra các đề xuất để mở cửa hơn nữa thị trường gạo Nhật cho các nhà sản xuất Mỹ, nâng hạn ngạch từ 50.000 tấn lên 175.000 tấn.

Mỹ cũng hối thúc cải thiện chất lượng tiếp cận, nghĩa là các nhà sản xuất của Mỹ có thể bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng của Nhật Bản thay vì theo yêu cầu hiện tại họ phải bán thông qua các cơ quan chính phủ Nhật Bản.

Tuy nhiên, hiện tại, hai bên dường như đã vạch sẵn các nhượng bộ về tiếp cận thị trường gạo cũng như thị trường ô tô và chỉ còn chờ các nước khác trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Một câu hỏi lớn dành cho các nước tham gia đàm phán TPP đó là liệu rằng và như thế nào các cam kết của Nhật Bản với Mỹ về các sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm sẽ được mở rộng cho các bên khác.

Một vấn đề tồn đọng nữa là việc Australia muốn tiếp cận hơn nữa thị trường đường bảo hộ của Mỹ. Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman đã phát tín hiệu rằng Mỹ sẵn sàng cho phép các nước TPP tiếp cận hơn nữa thị trường đường. Điều các bên đàm phán quan tâm là Mỹ có thể mở room bao nhiêu.

Về các hàng hóa công nghiệp, Mỹ đang chịu sức ép từ phía Việt Nam buộc phải hạ thuế quan đối với hàng dệt may và da giày. Tranh cãi tập trung vào quy tắc xuất xứ. Mỹ đã đề xuất xóa thuế quan trong vòng 12 năm đối với các sản phẩm giày thể thao, giảm 50% mức thuế ban đầu trong 6 năm đầu tiên và xóa bỏ hoàn toàn vào cuối năm thứ 12. Nguồn thạo tin cho biết, đề xuất này có thể sẽ được chấp nhận.

Vấn đề ô tô với Nhật Bản

Ngoài vấn đề tiếp cận thị trường nông nghiệp, mậu dịch ô tô và linh kiện ô tô là vấn đề gây tranh cãi giữa Mỹ và Nhật Bản, cụ thể là quy chế giải quyết tranh chấp, quy tắc xuất xứ, thuế quan.

Mỹ đề xuất hoãn thuế quan cho phép trừng phạt Nhật Bản nếu Tokyo hoãn xóa thuế quan đối với xe hơi và xe tải sản xuất tại Mỹ bằng cách đưa ra rào cản mới đối với linh kiện ô tô Mỹ.

Nhật Bản hiện không áp thuế quan đối với các loại xe khách, do đó tìm cách nâng thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp Mỹ nếu Mỹ đặt ra rào cản đối với ô tô Nhật Bản.

Quy tắc xuất xứ

Một điểm mấu chốt của quy tắc xuất xứ hàng dệt may. Mỹ, Mexico và Peru đang vận động cho quy tắc “từ sợi trở đi” (yarn-forward rule) đối với hàng may mặc, điều này nghĩa là sản phẩm dệt may hoàn thiện chỉ được miễn, giảm thuế quan khi nguyên liệu, phụ kiện, bắt đầu tư sợi, phải có nguồn gốc từ các nước tham gia TPP.

Tuy nhiên, quy tắc này đang vấp phải sự phản đối của Việt Nam bởi hiện Việt Nam hiện nhập khẩu sợi và vải từ các nước không tham gia đàm phán TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Mỹ và các đồng minh đang tìm cách đưa ra các ngoại lệ hạn chế ở mức nhất định đối với quy tắc từ sợi trở đi này. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu Mỹ có sẵn sàng coi Việt Nam là ngoại lệ bổ sung theo quy tắc yarn-forward như đã từng làm với các đối tác trong các hiệp định thương mại tự do khác.

Các nước tham gia đàm phán TPP đang chạy đua để hoàn tất hàng trăm quy tắc về xuất xứ cho từng sản phẩm nhất định, những sản phẩm này sẽ được miễn trừ tuân thủ quy tắc nguồn gốc xuất xứ chung.

Một vấn đề gây tranh cãi khác là quy tắc xuất xứ liên quan đến xuất xứ lũy kế.

Các nước TPP dường như đã nhất trí về nguyên tắc xuất xứ lũy kế cho toàn bộ sản phẩm, nghĩa là cho phép một nước sử dụng nguyên phụ kiện từ một quốc gia khác trong TPP để tạo ra sản phẩm hoàn thiện, sản phẩm này vẫn được coi là xuất xứ từ nước đó.

Tuy nhiên, các nhà đàm phán vẫn bất đồng về cách giải quyết vấn đề nếu một quốc gia TPP áp mức thuế quan khác nhau đối với cùng một sản phẩm cho các nước khác nhau.

Doanh nghiệp nhà nước

Các nước TPP dường như đã nhất trí về các điều khoản liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là những quy tắc nhằm đảm bảo các doanh nghiệp nhà nước được nhận ưu đãi (không công bằng với doanh nghiệp tư nhân) từ chính phủ.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn tranh cãi về việc miễn trừ đối với những doanh nghiệp cụ thể. Hiện Mỹ đang nỗ lực để được một số miễn trừ mặc dù vấn đề này về vơ bản tập trung vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác – nơi mà các doanh nghiệp nhà nước chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế. VÍ dụ, Singapore muốn được điều khoản miễn trừ đối với Temasek.

Đầu tư

Vấn đề gây tranh cãi trong chương về đầu tư gần như không có tiến triển kể từ tháng 1/2015 sau khi được WikiLeaks tiết lộ.

Các nhà đầu tư đạt được đồng thuận đối với gần như toàn bộ các điều khoản trong chương này trừ điều khoản về phạm vi cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ cũng như việc áp kiểm soát vốn để hạn chế ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính.

Lao động

Chương về lao động gần như đã hoàn tất và được cho là sẽ phản ánh cái gọi là “quy tắc ngày 10/5”, yêu cầu đạo luật về lao động của các nước bảo vệ quyền lợi của người lao động theo tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Nhưng khúc mắc lớn nhất là các nước không đáp ứng được các quy tắc về lao động nà sẽ tuân thủ các nghĩa vụ trong TPP như thế nào.

Lách quy tắc về đầu tư và dịch vụ

Doanh nghiệp Mỹ từ lâu lo ngại rằng nếu TPP đưa ra các điều khoản nghiêm ngặt buộc các nước mở của thị trường dịch vụ và dỡ bỏ hạn chế đầu tư, thì các nước này sẽ tìm cách tạo ra những ngoại lệ (hay gọi là “biện pháp lách quy tắc”).

Mỹ tìm cách hạn chế các nước thay vì áp dụng cho toàn ngành thì chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp, đạo luật nhất định.

Đây sẽ là thách thức lớn cho một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia – những nước chưa từng đàm phán trước đó về các điều khoản dịch vụ và đầu tư.

Thuốc lá

Câu hỏi đặt ra là nếu TPP bao gồm các quy định cấm thuốc lá thì sẽ theo hướng nào. Mỹ và Malaysia đã đưa ra những đề xuất về vấn đề này tháng 8/2013 nhưng đến nay chưa có nhiều tiến triển. Các nước đàm phán đang chờ tín hiệu từ Mỹ về vấn đề trên.

Theo Minh Phương

Cùng chuyên mục
XEM