Những điều hoài nghi về TPP

06/10/2015 17:57 PM |

Sản phẩm của 5 năm tích cực đàm phán là chiến thắng quan trọng của Tổng thống Mỹ Barack Obama – người đang thúc đẩy chiến lược “xoay trục châu Á”. Tuy nhiên, giờ đây TPP phải đối mặt với những chia rẽ chính trị sâu sắc ở đồi Capitol.

TPP – thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử - sẽ tạo ra bối cảnh hoàn toàn mới cho hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa Mỹ và 11 quốc gia khác ở khu vực Thái Bình Dương. Nhóm 12 quốc gia này có tổng GDP lên tới gần 28.000 tỷ USD, đóng góp gần 40% GDP toàn cầu và hơn 30% giao dịch thương mại trên toàn thế giới.

Hồi tháng 6, ông Obama đã vượt qua được những tiếng nói phản đối từ đảng Dân chủ để giành được quyền đàm phán nhanh, thứ quyền lực cho phép ông đàm phán những thỏa thuận thương mại mà Quốc hội Mỹ không thể sửa đổi. Giờ đây nhiệm vụ của ông là phải thuyết phục Quốc hội – đặc biệt là các nghị sĩ cùng ở đảng Dân chủ - thông qua thỏa thuận này. Các nhà làm luật có 90 ngày để đánh giá lại các điều khoản chi tiết của TPP và mọi “ngóc ngách” của TPP sẽ được “soi” rất kỹ.

Vì sao TPP gây tranh cãi đến vậy?

Những người ủng hộ TPP cho rằng đây là một cú hích lớn cho tất cả các quốc gia thành viên. TPP sẽ “mở khóa mọi cơ hội” và “giải quyết những vấn đề quan trọng nhất đối với kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21”. TPP được viết theo cách mà sẽ có nhiều nước – kể cả Trung Quốc – sẽ tham gia trong tương lai.

Trái lại, những người phản đối lập luận hiệp định này chỉ có lợi cho các doanh nghiệp, “xuất khẩu” việc làm của Mỹ sang các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn, đồng thời khiến giá thuốc và những sản phẩm có giá trị thặng dư cao sau khi những tiêu chuẩn về bảo vệ bản quyền của Mỹ được áp dụng với cả những nước khác. Trong TPP cũng có một điều khoản mà nhiều người cho rằng các Chính phủ sẽ phải nhượng bộ trước các tập đoàn đa quốc gia.

Tại sao lại là thời điểm này?

TPP là yếu tố quan trọng trong chiến lược xoay trục châu Á của ông Obama. Đây được coi là một cách để kéo các đối tác thương mại ở Thái Bình Dương đến gần hơn với Mỹ, đồng thời tạo nên thách thức đối với Trung Quốc – quốc gia không nằm trong TPP nhưng có tầm ảnh hưởng rất lớn ở châu Á.

TPP cũng được coi là phương tiện để giải quyết nhiều vấn đề đang trở thành rào cản trong bối cảnh thương mại quốc tế đang gia tăng. Các vấn đề này bao gồm thương mại điện tử, dịch vụ tài chính và Internet xuyên quốc gia.

Trong TPP còn có cả những vấn đề thương mại truyền thống. Mỹ háo hức thành lập thỏa thuận thương mại chính thức với 5 quốc gia Nhật Bản, Malaysia, Brunei, New Zealand và Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh NAFTA (thỏa thuận có Canada và Mexico tham gia).

Trong bối cảnh những nỗ lực toàn cầu hóa khác đang gặp nhiều rắc rối (ví dụ như vòng đàm phán Doha của WTO), TPP được coi là “một cấu trúc cởi mở” và là hình mẫu cho các sáng kiến khác vẫn chưa hoàn thành như TTIP.

Tại sao Trung Quốc không tham gia?

Trung Quốc chưa bao giờ tỏ ra quan tâm đến việc tham gia vào TPP, nhưng trong quá khứ đã từng coi TPP là một mối lo ngại tiềm ẩn vì thông qua đây Mỹ sẽ thắt chặt mối quan hệ với các đối tác ở châu Á.

Tuy nhiên gần đây các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã phát tín hiệu nước này có thể tham gia ở một điểm nào đó. Cùng lúc, Trung Quốc cũng đang theo đuổi hiệp định riêng của họ ở châu Á – hiệp định được ví von là một con đường tơ lụa mới ở Trung Á.

Mặc dù các quan chức Mỹ luôn thể hiện rằng TPP là một phần trong nỗ lực giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc, họ vẫn mong Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ tham gia.

Cái bóng của NAFTA và cuộc tranh cãi ở Washington

Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã được cựu Tổng thống Bill Clinton ký vào năm 1993, giúp thương mại giữa Mỹ, Mexico và Canada bùng nổ. Cả 3 nước đều xuất khẩu nhiều hơn hàng hóa và dịch vụ đến hai nước còn lại, vốn đầu tư xuyên quốc gia tăng cao và nền kinh tế Mỹ có thêm hàng triệu việc làm. Tuy nhiên, không phải tất cả những hiệu ứng tích cực này chỉ đến từ NAFTA và lợi ích mà các quốc gia đạt được không cân bằng với nhau. Mỹ có thặng dư thương mại ở mức thấp với Mexcico khi hiệp định được ký kết, nhưng cán cân đã nhanh chóng chuyển sang tình trạng thâm hụt ở mức hơn 50 tỷ USD mỗi năm.

Những người chỉ trích NAFTA cũng cho rằng tăng trưởng việc làm ở Mỹ không thể bù đắp những việc làm đã rơi vào tay Mexico và Canada.

NAFTA là chiến thắng vang dội dành cho ông Clinton sau một cuộc chiến cam go với Quốc hội Mỹ. Ông đã giành được vừa đủ số phiếu từ các đồng minh ở đảng Dân chủ. Trong khi đó Tổng thống Obama khó mà đạt được kết quả này.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM