Những ai đang 'lo ngay ngáy' nếu kinh tế Nga sụp đổ?

17/12/2014 15:59 PM |

Không ai được lợi nếu nền kinh tế Nga sụp đổ.

Theo thông tin từ Reuter, tỷ giá đồng Rúp Nga so với đồng USD sụt thêm 11% trong phiên giao dịch hôm qua (16/12), cú giảm mạnh nhất trong 1 ngày kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tại nước ngày vào năm 1998. Đồng tiền của Nga nói riêng và nền kinh tế nước này nói chung đang chịu sức ép lớn từ sự giảm giá mạnh của dầu thô và các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Moscow liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Những đối tác thương mại bao gồm các quốc gia, các công ty đang theo dõi chặt chẽ những động thái giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc tại nước này.

Đồng rúp rơi tự do không chỉ tác động đến riêng kinh tế Nga mà còn gây tổn thất đến túi tiền của những công ty toàn cầu hoạt động tại quốc gia này. Sau đây là một trong số những nạn nhân lớn nhất khi nền kinh tế Nga đi xuống:

Đức: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này giao dịch nhiều nhất với Nga. Năm ngoái, quan hệ thương mại của Đức với Nga trị giá hơn 76 tỷ Euro (tương đương 95,4 tỷ USD). Những hành động trừng phạt kinh tế của phương Tây đã tiêu diệt một phần xuất khẩu và nhiều công ty buộc phải dừng những khoản đầu tư vào quốc gia này.

Tháng trước Đức cho biết "các cuộc khủng hoảng địa chính trị" đã góp phần làm giảm mạnh dự báo tăng trưởng của nước này cho năm nay và năm sau.

Phần còn lại của châu Âu: Nga mua rất nhiều hàng hóa từ các nước châu Âu khác.

Moscow trả đũa lại lệnh trừng phạt của phương Tây vào tháng 8 bằng cách cấm nhập khẩu trái cây, rau, thịt, cá, sữa và các sản phẩm sữa từ châu Âu cũng như Hoa Kỳ, Australia và Canada.

Đây là một tin không được mong đợi đối với các nhà sản xuất châu Âu, những đối tác vốn đang xuất khẩu lượng lớn trái cây, phô mai và thịt lợn sang Nga. Khoảng 10% lượng thực phẩm xuất khẩu của EU, trị giá khoảng 15 tỷ USD được chuyển tới Nga trong năm ngoái, khiến nước này trở thành khách hàng lớn thứ hai của châu Âu.

Châu Âu đã phải dành ra khoảng 156 triệu USD để đền bù cho những nhà sản xuất.

Các công ty năng lượng: Việc đồng Rúp yếu đi đã thổi bay túi tiền của những công ty kinh doanh năng lượng tại Nga. Hãng dầu khí BP đã cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn sẽ gây tổn thương cho tập đoàn này. BP hiện sở hữu cổ phần lớn tại Rosneft, công ty dầu khí lớn nhất của Nga hiện đang bị tổn thất bởi việc thu hẹp thương mại với Mỹ. Cổ phiếu của công ty đã giảm 25% trong năm nay do giá dầu lao dốc ăn mòn vào lợi nhuận.

Hãng Total của Pháp cũng đã bỏ ngỏ những kế hoạch về việc liên doanh thăm dò đá phiến với hãng Lukoil của Nga do những lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng như điều chỉnh lại thu nhập tiềm năng trong tương lại đối với công ty. Những công ty năng lượng khác như Exxon Mobil hiện cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Nga.

Các nhà sản xuất ô tô: Tập đoàn ô tô khổng lồ Ford của Mỹ là một trong những nhà sản xuất ôtô lớn nhất tại Nga và đã lên tiếng cảnh báo rằng việc đồng Rúp suy yếu đang làm doanh thu của hãng bị tổn thất. Trong khi đó Volkswagen đổ lỗi cho những căng thẳng chính trị làm doanh thu bán hàng tại Nga giảm 8% trong 6 tháng đầu năm nay. Giá cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô Đức này đã giảm hơn 12% trong năm nay.

Renault của Pháp cũng cho biết doanh thu tại Nga đang bị tổn thất lớn trong khi Peugeot Citroen đã cảnh báo hồi tháng 10 vừa qua rằng đồng Rúp biến động đang làm tổn thương công ty này.

Các ngân hàng: Lợi nhuận quý II của chi nhanh Société Générale tại Nga đã giảm 36%. Các ngân hàng khác cũng bị đặt vào vòng nguy hiểm lớn là ngân hàng Rabobank của Hà Lan và Unicredit của Ý.

McDonald, Adidas và các thương hiệu khác: Mối quan hệ đóng băng giữa Mỹ và Nga được cho là đứng sau chiến dịch truy quét McDonald’s tại nước này. Những cơ quan quản lý Nga buộc đóng cửa tạm thời 12 nhà hàng do các cáo buộc về vi phạm vệ sinh. Nhưng động thái này được cho là xuất phát từ động cơ chính trị.

Hãng sản xuất đồ thể thao Adidas của Đức cũng đang đóng cửa và thu hẹp quy mô tại Nga trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực giáng đòn mạnh vào việc chi tiêu của khách hàng cũng như sự suy giảm của đồng Rúp khiến lợi nhuận bị sứt mẻ. Adidas đã cắt giảm dự báo doanh thu từ 30% xuống 20% năm 2014, một phần nguyên nhân đến từ Nga.

Carlsberg, nhà sản xuất bia Đan Mạch đã ban hành 2 cảnh báo về lợi nhuận năm nay khi nhu cầu từ Nga đang chậm lại.

Coca-Cola cũng đã đang hứng chịu tổn thất. Giá cổ phiếu của Coca-Cola HBC, công ty chuyên đóng chai và phân phối sản phẩm đồ uống của hãng tại Nga đã bốc hơi 30% trong năm nay.

>> Apple ngừng bán sản phẩm tại Nga vì đồng rúp rớt thê thảm

Thảo Nguyên

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM