Nhộn nhịp thị trường hàng chuẩn bị cho lễ tiễn Táo quân

10/02/2015 19:52 PM |

Khác hẳn với không khí trầm lắng vài ngày trước, cận ngày ông Táo chầu trời (23 tháng Chạp âm lịch), các gia đình ở Hà Nội nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ tiễn Táo quân với mong ước về một năm mới với nhiều may mắn, hạnh phúc.

Năm nay, các mặt hàng vàng, mã đắt tiền đã không còn được tiêu thụ mạnh như mọi năm, thay vào đó người tiêu dùng lựa chọn những mặt hàng rẻ tiền.

Lựa chọn đồ ít tiền

Trưa ngày 10/2 (tức 22 tháng Chạp), khung cảnh mua bán đồ mã, lễ lạt, cá chép ở các phố phường Thủ đô sôi động hơn hẳn. Nhộn nhịp nhất là các cửa hàng bán đồ vàng, mã trên phố Hàng Lược, Hàng Mã (Hoàn Kiếm), chợ Nguyễn Cao (Hai Bà Trưng)... Những đồ dùng trong dịp này được bày bán la liệt như quần áo, mũ, hài, cá chép, tiền, vàng thoi, hương...

Những bộ mã Táo quân gồm nhiều loại với nhiều mức giá phụ thuộc vào kích cỡ và chất giấy khác nhau. Loại nhỏ có giá trung bình 20.000 đồng/bộ, loại to giá khoảng 50.000 đồng/bộ. Các loại tiền vàng dao động quanh mức từ 10.000-12.000 đồng/1 chục. Cá chép vàng thật bày bán ở các chợ dao động từ 10.000 đến 50.000 đồng/con (tùy kích cỡ).

Tại chợ Nguyễn Cao, tay xách bộ đồ lễ gồm ngựa, vàng mã, quần áo, chị Trang (30 tuổi, nhà tại phố Nguyễn Công Trứ) cho hay, cả nhà đều là công chức Nhà nước nên rất bận. Tranh thủ trưa nay, chị đi chợ mua bộ vàng mã cỡ nhỏ để cúng ông Táo. Chị nói: "Cá chép sẽ mua sớm mai, còn đồ lễ này mua trước. Các cụ bảo phải tiễn ông Táo trước giờ ngọ (12 giờ trưa) nên để đến ngày 23 thì cập rập quá."

Theo chia sẻ của chị Trang, gia đình chị có lệ cứ đến Tết ông Táo là làm một mâm cỗ mặn, vàng mã, hương hoa cùng một đĩa cá chép kho rồi bày biện lên bàn thờ. "Đó là truyền thống mang nét tâm linh hướng về đạo lý uống nước nhớ nguồn chứ ý nghĩa sâu xa như thế nào nữa thì tôi cũng... chịu," Chị Trang chia sẻ.

Đứng xếp hàng mua đồ lễ ở phố Hàng Mã, chị Ngô Huyền Thu (38 tuổi) cho biết Tết Táo quân năm nay, gia đình chị chọn bộ vàng mã cỡ vừa khá đẹp, mua thêm ít tờ tiền, vài bộ quần áo, đôi ngựa giấy tổng cộng khoảng gần 100.000 đồng. “Những thứ này để cúng ông Táo và gửi biếu ông bà tổ tiên một ít tiền, quần áo để dùng trong những ngày Tết. Lòng thành là chính nên cũng chỉ là mua vừa vừa thôi chứ cứ trần sao, âm vậy thì biết làm sao cho đủ đầy," chị Thu nói.

Trò chuyện với bà Mùi, chủ một cửa hàng vàng mã ở chợ Nguyễn Cao, người phụ nữ 60 tuổi này cho hay, để thuận tiện cho khách hàng, từ cách đây hơn nửa tháng khi nhập hàng về, bà cùng nhân viên đã xếp tiền vàng theo từng lễ và có kèm theo bài văn khấn để khách hàng về chỉ việc đặt lên ban thờ và khấn theo văn khấn là được.

Một bộ lễ tiền vàng để dùng từ ngày 23 tháng Chạp cho tới khi hết Tết, gồm năm lễ: một lễ dành cúng “ông Công, ông Táo”; một bộ cúng tất niên; hai bộ cúng đêm giao thừa (một bộ cúng tổ tiên trong nhà, một bộ cúng ngoài trời); còn lại một bộ để trên ban thờ, dành đến ngày hóa vàng, để các cụ có tiền trở về “nhà mình” sau khi ăn Tết với con cháu. Mỗi bộ lễ như vậy, bà Mùi bán với giá 100.000 đồng.

Đồ đắt tiền ế ẩm

Khảo sát một vòng những nơi được coi là “thủ phủ” của đồ vàng mã như Hàng Mã, Hàng Lược, thì thấy trái ngược với những năm trước, trong lúc các mặt hàng vàng mã truyền thống bán khá chạy thì các chủng loại hàng đắt tiền dường như bị người tiêu dùng quay lưng.

Một số người kinh doanh đồ cho “người cõi âm” ở phố Hàng Mã cho hay, những Tết ông Táo trước, các mặt hàng “thời thượng” như Iphone, Ipad, xe máy tay ga SH, “xế hộp”, nhà lầu, máy bay trực thăng... bán khá đều tay dù giá mỗi sản phẩm như vậy ít nhất cũng từ 150.000 đồng cho tới cả triệu đồng. Còn năm nay, những mặt hàng như vậy họ vẫn nhập về, hoặc tự sản xuất và không tăng giá, song không nhiều người mua. Đa số khách hàng lựa chọn những đồ mã thông thường, truyền thống.

Theo lời kể của bà Hòa, chủ một hàng kinh doanh đồ mã ở phố Hàng Mã, dịp này năm ngoái, có mấy người chủ thầu xây dựng đặt đồ mã nhà bà với số tiền lên tới gần chục triệu đồng, còn những người đặt đồ trên một triệu là quá bình thường. “Hôm nay đã là 22 âm lịch, những người đặt mua hàng trăm ngàn đồng cho đồ cúng vị thần bếp gia đình mình là rất ít chứ nào nói đến những khách mua hàng triệu đồng như trước. Mấy món đồ đắt tiền cả ngày không có người hỏi, nên lôi ra rồi lại cất vào kho," bà Hòa nói.

Chị Phạm Hiền (40 tuổi, nhân viên một đại lý bán vé máy bay ở phố Hàng Da) đứng mua đồ vàng mã ở cửa hàng bà Hòa góp chuyện, mọi năm vào tầm này, chị thấy mọi người rầm rập đi sắm đồ cúng ông Táo, thậm chí, còn biết có người “đầu tư” cả 7-8 triệu đồng cho tiền lễ, mua đủ thứ nhà lầu, xe hơi, điện thoại, máy tính, cho đến cả hình nộm người giúp việc. Nhưng năm nay, dường như tình trạng đó đã rất hiếm hoi.

Theo chị Hiền, có thể do kinh tế khó khăn hơn nên người tiêu dùng trở nên… thông thái hơn, việc vung tiền mua đồ cúng lễ xa xỉ đã hạn chế đáng kể. Hoặc cũng có thể sau một thời gian theo trào lưu, các gia đình đã trở lại với phong tục truyền thống, mua sắm những thứ cần thiết, đủ lễ lạt chứ không lãng phí. "Bản thân tôi và nhiều nhân viên trong công ty dặn nhau chi tiêu hợp lý cho Tết ông Táo và Tết âm lịch sắp”", chị Hiền nói.

Tại chợ Nguyễn An Ninh (Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều tiểu thương cũng than thở, không rõ vì giai đoạn kinh tế khó khăn hay do nghe tuyên truyền của đài báo mà năm nay những mặt hàng vàng mã đắt tiền chậm, khó bán. Tuy nhiên, họ đều cho rằng, ví lý do nào đi nữa thì đó cũng là hạn chế sự lãng phí tiền của do đốt nhiều đồ mã. Đấy là điều đáng hoan nghênh trước thềm năm mới Ất Mùi này.

>> Sự khác biệt Bắc – Nam trong dịp cúng Táo Quân

Theo Anh Tùng

Cùng chuyên mục
XEM