Nhà máy cồn ethanol Đại Tân (Quảng Nam) nợ hàng trăm tỷ đồng, lãnh đạo “mất tích”

20/12/2012 08:22 AM |

Gần 1 tháng qua, hàng chục người dân ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) và tỉnh Kon Tum đã dùng ô tô tải vây lấy cổng Nhà máy cồn ethanol Đại Tân của Công ty CP Đồng Xanh (tại xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để đòi nợ hàng chục tỷ đồng khi lãnh đạo công ty này bỗng dưng “mất tích”. 

Hai ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng cử cán bộ đến “bảo vệ” nhà máy.

Người dân cho biết, công ty này nợ người dân tiền thu mua nguyên liệu, bốc vác và ăn uống lên đến 21 tỷ đồng. Trong đó, nợ thấp nhất là anh Mai Văn Chì (1982, trú thôn Nam Phước, xã Đại Tân) với 380 triệu đồng tiền nấu ăn cho công nhân nhà máy, còn bà Phạm Thị Ngọc Thanh bị nợ lên đến gần 4,5 tỷ đồng tiền cung ứng nguyên liệu.

Gần đây, người dân nghe tin số sản phẩm (cồn) còn lại tương đương 30 tỷ đồng trong nhà máy sắp bị Techcombank chi nhánh Đà Nẵng mang đi bán để thu nợ nên đã dùng 7 xe tải thay phiên nhau chặn trước cổng chính và phụ của nhà máy để không cho bất cứ ai đưa tài sản ra khỏi nhà máy (ảnh).

Bà Phạm Thị Ngọc Thanh (55 tuổi, trú số 8 Lê Hồng Phong, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cung cấp sắn (củ mì) nguyên liệu cho Công ty cổ phần Đồng Xanh bức xúc: “Việc thanh lý cồn của nhà máy phải được sự thống nhất của các chủ nợ liên quan. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền, Công an tỉnh Quảng Nam vào cuộc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân”.

Ngày 19-12, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đặng Hùng Trận, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết: Vừa qua, UBND huyện đã làm việc với Công ty Đồng Xanh và được ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch HĐQT thông báo là công ty không có khả năng trả nợ.
Ông Thái cho biết, công ty vay của BIDV Quảng Nam 540 tỷ đồng, Techcombank còn 120 tỷ đồng (vay 400 tỷ đồng), người dân hơn 20 tỷ đồng và 7 tỷ đồng nợ lương, bảo hiểm của công nhân. Hiện nay, nhà máy đã bị các ngân hàng chủ nợ phong tỏa.
Tại buổi làm việc này, UBND huyện Đại Lộc đề nghị Công ty Đồng Xanh cũng như các ngân hàng ưu tiên trả nợ trước cho người dân sau khi thanh lý tài sản bởi tiền của người dân tuy ít so với các khoảng nợ của ngân hàng (gần 700 tỷ đồng) nhưng là tiền của người lao động.
Người dân đã làm đơn gửi các cấp, các ngành đề nghị được bảo vệ quyền lợi hợp pháp nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra chủ trì giải quyết cũng như chống tẩu tán tài sản. Trong khi, khả năng xảy ra mâu thuẫn phức tạp giữa các chủ nợ là rất lớn.

Theo Ng.Khôi
SGGP

duchai

Cùng chuyên mục
XEM