Nguy cơ Hàn Quốc dừng nhận lao động Việt Nam

19/12/2015 09:57 AM |

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, nếu tới tháng 3/2016, Việt Nam không thể giảm số lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc xuống dưới 30%, có thể Hàn Quốc sẽ không ký lại hiệp định tiếp nhận lao động Việt Nam.

Sáng 18/12, trao đổi với báo chí, ông Diệp cho biết, hiện lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc chiếm 32,3% số người được đưa sang. Đứng đầu danh sách 15 quốc gia có lao động đang làm việc tại Hàn Quốc (tỷ lệ này với các nước khác là 15-17%). Tới tháng 4/2016, hiệp định lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hết hiệu lực. “Hàn Quốc ra điều kiện để đàm phán tiếp là Việt Nam phải giảm số lao động bỏ trốn xuống dưới 30%, sau đó có lộ trình giảm dần hằng năm. Hiện ta và họ chưa đàm phán lại, nhưng họ chỉ ra điều kiện đó thôi. Nếu từ giờ tới tháng 3 năm sau không giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống, tháng 4/2016 sẽ rất khó ký lại hiệp định với họ”, ông Diệp nói.

Theo ông Diệp, hiện lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan cũng rất đáng lo ngại, khi tỷ lệ bỏ trốn lên 17%. Với Nhật Bản, con số này cũng ở mức cảnh báo, khi đã ở mức 4%. Tuy vậy, Nhật Bản yêu cầu nếu lao động Việt Nam bỏ trốn quá 5% sẽ dừng tiếp nhận.

Về giải pháp, ông Diệp cho biết, ông đã làm việc với một số tỉnh có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao để yêu cầu họ tuyên truyền, vận động người thân kêu gọi người nhà về nước. Ngoài ra, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu trình Chính phủ giải pháp: Tỉnh thành nào có số lao động bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại nước lao động tới làm việc sẽ không cho thêm lao động sang nước đó nữa. “Giải pháp này nhằm tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương với người lao động tỉnh mình. Qua đó cũng tạo sức ép từ cộng đồng, những lao động chưa được đi để mọi người tuân thủ luật pháp”, ông Diệp nói. Cùng với đó là các giải pháp về giảm chi phí lao động phải bỏ ra để được đi làm việc ở nước ngoài…

Sáng cùng ngày, Hiệp hội Xuất khẩu Lao động (VAMAS) tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Bộ quy tắc ứng xử cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Sau 3 năm thực hiện, có 66/207 doanh nghiệp xuất khẩu lao động tham gia đánh giá theo bộ quy tắc này. Trong đó, có 39 doanh nghiệp được đánh giá 5 sao, 55 doanh nghiệp ở mức 4 sao và 6 doanh nghiệp được đánh giá 3 sao (chất lượng được đánh giá theo số sao tăng dần). Các đánh giá được thực hiện như: Chất lượng đào tạo cho lao động trước khi đi; đánh giá của lao động; đánh giá của Sở LĐ-TB&XH các địa phương; việc chấp hành quy định nhà nước…

Cùng chuyên mục
XEM