Người Việt uống bia nhiều hay ít?

01/11/2014 12:00 PM |

Một số liệu gần đây gây “sốc” đối với thị trường là người tiêu dùng VN tiêu thụ bia với tỷ lệ nhất bảng khu vực. Thực tế có đúng như vậy?

Số liệu dẫn đến kết luận VN đang là quán quân uống bia của khu vực Asean được dẫn từ một thống kê của tổ chức nghiên cứu độc lập. Theo tổ chức này, năm 2013, VN tiêu thụ 3 tỉ lít bia, tương đương giá trị 3 tỉ USD, trở thành “quán quân” uống bia ở khu vực ASEAN và thứ 3 Châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Những con số thực

Tuy nhiên, một số liệu khác nhìn tổng quan hơn xét ở góc độ tiêu thụ thì trên bản đồ quốc tế, bình quân mức độ tiêu thụ cồn nguyên chất/ đầu người của VN chỉ ở 5 -7,4 lít/ năm, tức chỉ ở mức trung bình so với một số khu vực đã đạt mức 10 -12,4, thậm chí >12,5 lít/năm ở Châu Âu, Bắc Mỹ  (nguồn: WHO 2014). Ngay trong khu vực Châu Á, tỷ lệ này của VN cũng đứng sau Hàn Quốc, Lào, Nhật, Thái Lan và chỉ cao hơn Capuchia. Còn theo Hiệp hội Bia Rượu - Nước giải khát VN (VBA), dẫn theo S.S Steiner – Chỉ dẫn mua hoa bia 2013, xét ở góc độ sản xuất, VN đứng thứ 52 về lượng bia sản xuất bình quân chia đầu người (lít) ở mức 34,3, rất thấp so với quốc gia đứng số 1 là Dominica đạt mức 5.049,6l/ người, hay so với quốc gia đông dân nhất thế giới và đứng thứ 49, Trung Quốc là 37,3 l/ người.

Sẽ có người đặt câu hỏi rằng nếu xét ở hai góc độ nói trên, rất khó phản ánh đúng thực trạng tiêu thụbia với khối lượng “siêu khủng” như tổ chức nghiên cứu độc lập đã nêu, bởi hai góc độ này không bao hàm lượng bia nhập ngoại 100% được tiêu thụ tại thị trường Việt! Vấn đề là nhìn trên thị trường, gần như 100% hãng bia lớn, đa quốc gia, có thị phần chính tại VN và cả các hãng bia nội có tiếng như Habeco, Sabeco… thực tế lại cũng đều đã có nhà máy sản xuất tại VN. Lượng bia nhập ngoại hoàn toàn không nhiều, tất nhiên không tính lượng trôi nổi, bia “lậu” và nhái.

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Bộ Tài chính cũng dẫn một số liệu từ Tổng cục Thống kê và VBA cho biết, năm 2013, mức tiêu thụ bia ở VN là 32 lít/người. Các nước có chỉ số tiêu thụ bia bình quân lớn trên thế giới bao gồm Cộng hoà Séc (159 lít/người), Ai-len (131 lít/người), Đức (110 lít/người). Một số nước ở châu Á cũng có chỉ số tiêu thụ bia trung bình lớn như Nhật (44 lít/người), Trung Quốc (40 lít/người), Hàn Quốc (38 lít/người) và Thái Lan (34 lít/người). Số liệu này gần đồng nhất với số liệu vừa được công bố mới đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp Bộ Công thương, cho biết người  Việt chỉ mới đạt mức tiêu thụ 30 lít/người/năm. Như vậy, nói VN có tỷ lệ tiêu thụ bia quán quân khu vực Asean là chưa hoàn toàn chính xác, nếu không nói theo khẳng định của ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA, là đang ở mức thấp so với rất nhiều quốc gia.

Kì vọng thực

Cần nhận định đúng thực trạng của ngành bia, để các DN trong ngành tự tin và nỗ lực hơn khi xây dựng các chiến lược cạnh tranh, khai thác thị trường.

Thực tế, nếu như cách đây khoảng hơn chục năm, thị trường bia VN vẫn còn “lơ ngơ” và người tiêu dùng vẫn còn dùng hàng không xuất xứ, rẻ tiền thì ngày nay, cũng như ở các quốc gia trên thế giới, bia xứng đáng là một loại đồ uống được người Việt ưa chuộng. Theo đó, tiêu thụ bia cũng là một nhu cầu chính đáng của xã hội, và nhu cầu này có xu hướng tăng. Sử dụng bia hợp lý, vừa phải thực tế có tác động tích cực đối với sức khoẻ con người. Kinh tế xã hội phát triển, thu nhập của người dân tăng lên cùng với sự tăng dân số, nhu cầu sử dụng bia cũng tăng lên. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước tích cực tham gia vào thị trường này để đón và phục vụ như cầu sử dụng đó, chính là đánh giá cao khả năng tăng trưởng của kinh tế xã hội, của thu nhập người dân và một mặt khác, việc tiêu thụ bia cũng phản ánh mức độ lạc quan, “chỉ số hạnh phúc” của người dân trong cuộc sống.

Hẳn không phải ngẫu nhiên mà mới đây, Hà Nội đã xếp bia vào 1 trong 32 ngành hàng công nghiệp chủ lực của thủ đô. Làm sao để ngành bia tiếp tục phát triển được các thành tựu của mình, phục vụ tốt cho nhu cầu thị trường và xuất khẩu, quan trọng hơn nữa là giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và đóng góp tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách Nhà nước, là chuyện rất đáng bàn.

Sẽ đáng bàn hơn nếu ngay lúc này, chúng ta trả về đúng nhận định thực trạng cho sự phát triển của ngành bia, để các DN trong ngành tự tin và nỗ lực hơn khi xây dựng các chiến lược cạnh tranh, khai thác thị trường. Và để các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ có những chính sách phù hợp tạo động lực cho ngành bia phát triển !

>> Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động

Theo My Lê

Cùng chuyên mục
XEM