Người nước ngoài hãy nhớ: Pháp luật Nhật chỉ bảo vệ cho người Nhật

02/03/2016 15:48 PM |

Dù có cố gắng đến đâu đi nữa, bạn vẫn chỉ là "công dân hạng hai" trên đất Nhật.

Ai sống ở nơi nào cũng yêu quý và tôn trọng pháp luật của đất nước mình đang sống, nhưng đáng tiếc là dù có cố gắng đến đâu đi nữa, bạn vẫn chỉ là "công dân hạng hai" trên đất Nhật.

Chắc chắn rằng trong cuộc sống này sẽ có nhiều thời điểm chúng ta không thể làm việc bởi ốm đau hoặc bị tai nạn. Trong khi đó các ông chủ Nhật rất khắt khe với điều này. Ở các công ty Nhật có một luật bất thành văn về việc nếu bạn ốm muốn nghỉ việc bạn phải có giấy của bác sỹ.

Còn nếu bạn ốm không đủ đến mức bác sỹ chứng nhận cho bạn hay bạn quá mệt, hoặc vì bất kỳ lý do gì đó không thể đến được bác sỹ để làm giấy chứng nhận, thì việc bạn xin nghỉ không lý do sẽ được coi như một lý do để trừ lương, giảm thưởng của tháng đó và cả cuối năm nữa.

Và cũng có những thời điểm bạn không thể làm việc được khi bản thân không còn đủ sức khỏe, sức dẻo dai nữa và buộc phải xin nghỉ việc. Khi đó, thông thường nếu giống như ở các nước phát triển châu Âu hay Mỹ khác, bạn sẽ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và rồi sau đó sống nhờ vào hỗ trợ của Chính phủ.

Tại các nước đó, hệ thống phúc lợi xã hội sẽ đảm bảo tối thiểu về chi phí cuộc sống hàng ngày, chi phí y tế, nhà ở, giáo dục. Điều 25 Hiến pháp Nhật cũng đã quy định rõ về việc này: “Tất cả người dân đều có quyền được đảm bảo mức sống tổi thiểu.”

Hiến pháp quy định rõ ràng không chỉ về quyền được tồn tại mà là quyền được sống của người dân. Trên thực tế, không phải người Nhật mà chính là người Mỹ đã mang đến điều này cho nước Nhật. Khi vào chiếm đóng Nhật sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, người Mỹ đã muốn mang vào nước Nhật một nền dân chủ mới với tham vọng sau này khi họ rời đi, người Nhật sẽ có nhiều quyền tự do hơn.

Từ đó đến nay, Hiến pháp cũng có nhiều thay đổi nhưng điều 25 về căn bản vẫn được giữ nguyên, chỉ có một điều khác. Trên thực tế, nó chỉ được áp dụng để bảo vệ cho người mang quốc tịch Nhật, còn đối với người nước ngoài sống tại Nhật, rất ít trong số họ được hưởng lợi từ quy định này.

Ngày 2/3/1989, Tòa án Tối cao của Nhật cũng đã khẳng định rõ ràng rằng điều 25 Hiến pháp chỉ có hiệu lực đối với người Nhật chứ không dành cho người nước ngoài bất kể người đó sống ở Nhật bao nhiêu năm đi chăng nữa.

Vì thế, trên thực tế đã có không ít trường hợp người nước ngoài sẽ chịu thiệt thòi khi sinh sống tại Nhật Bản.

Hayun Shiomi là một công dân Hàn Quốc đến Nhật từ khi còn rất nhỏ. Thật không may khi cha mẹ mới đến Nhật, cô đã bị tai nạn dẫn đến mù lòa. Cô đã nộp đơn xin trợ cấp thương tật nhưng bị từ chối với lý do cô không phải người Nhật. Cô đâm đơn kiện nhưng tòa xử thua bởi họ tuyên bố điều 14 và điều 25 Hiến pháp chỉ áp dụng cho người mang quốc tịch Nhật.

Và Tòa án lại đưa ra một phán quyết chắc chắn khiến không ít người nước ngoài bất bình: “Việc quyết định một ai đó nhận được trợ cấp thương tật hay không là thuộc về thẩm quyền của chính phủ. Họ sẽ tùy vào trường hợp để đưa ra đánh giá rằng người đó liệu có đáng được nhận. Với nguồn tài chính hạn hẹp, việc người Nhật được ưu tiên hơn người nước ngoài là hoàn toàn có thể chấp nhận được.”

Câu chuyện trên xảy ra từ thập niên 1970. Đến thập niên 1980, Nhật đã điều chỉnh quy định của pháp luật để nó trông có vẻ như bảo vệ nhiều hơn cho quyền lợi của người nước ngoài, quy định về quốc tịch đã chính thức không còn được áp dụng cho chế độ hưu trí và bảo hiểm y tế. Thế nhưng trên thực tế người nước ngoài vẫn không được đối xử bình đẳng.

Câu chuyện của một người phụ nữ Trung Quốc dưới đây sẽ khiến không ít người bất bình. Người phụ nữ tên Lin Yuzhu được sinh ra tại Nhật, lấy chồng Nhật và có tư cách lưu trú vĩnh viễn. Bà cũng hoàn toàn không hề nói tiếng Trung Quốc thế nhưng khi bà nộp đơn xin hưởng trợ cấp xã hội, bà bị từ chối thẳng thừng. Bà đã kiện ra tòa với lý do bị đối xử không công bằng nhưng thất bại. Bà gần như tay trắng.

Lin Yuzhu sinh ra tại Nhật vào năm 1932 khi bố mẹ bà di cư đến đây từ Trung Quốc. Khi lớn lên bà lấy chồng người Nhật, hai vợ chồng mở một nhà hàng nhỏ và sống cùng nhau. Đến khi ngoài 50 tuổi ông qua đời để lại cho bà căn nhà cùng một cuốn sổ tiết kiệm.

Tuy nhiên anh trai của chồng đã đến chiếm căn nhà bà đang ở, đuổi bà ra đường và cướp luôn cả cuốn sổ tiết kiệm. Không còn cách nào khác, bà đến bệnh viện ở nhờ và nộp xin trợ cấp xã hội mà không được chấp nhận bởi cơ quan phụ trách địa phương khẳng định bà và chồng bà có 2 triệu yên trong tài khoản và thu nhập mỗi tháng khoảng 500 nghìn yên. Vì thế bà không cần khoản tiền đó.

Bà không có giấy tờ hay bằng chứng nào để chứng minh rằng bà đã bị anh trai chồng đánh đập và đuổi khỏi nhà. Lin Yuzhu lâm vào cảnh vô gia cư ở thời điểm tuổi già và không còn khả năng tự kiếm sống nuôi thân. Dù được sinh ra ở Nhật và lấy chồng Nhật nhưng pháp luật Nhật vẫn coi bà là người nước ngoài. Lin Yuzhu không được pháp luật Nhật bảo vệ.

Vụ việc này đã gây ra tranh cãi trên toàn nước Nhật, phía những người Nhật ghét người Hàn và người Trung Quốc được một dịp vô cùng hả hê. Trong khi phía những nhà hoạt động xã hội lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ quyết định của tòa án các cấp của Nhật vì những hành vi đối xử không công bằng với người nước ngoài.

Vậy thực tế thì sao? Theo chia sẻ của những người nước ngoài đã sống lâu năm tại Nhật, để được hưởng trợ cấp xã hội tại Nhật, người nước ngoài phải có số năm đóng bảo hiểm đủ dài, không được có bất kỳ sai sót nào và họ hoàn toàn có thể nhận được nó. Tuy nhiên, nếu bạn có thuộc một trường hợp nào đó đặc biệt hơn và vướng phải tranh chấp với người Nhật, hãy nhớ: pháp luật Nhật chỉ đứng về phía người Nhật.

Và như vậy, hơn 2 triệu người nước ngoài đang sống và làm việc tại Nhật, sẽ luôn đứng ở thế bất lợi.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM