Người dân Quảng Ngãi lại hối hả trồng dưa hấu

11/05/2015 08:47 AM |

Sau khi gần 2.000 tấn dưa đã được “giải cứu”, hiện nay ở Quảng Ngãi, người dân đã chuẩn bị cho mùa dưa mới, hàng chục hécta dưa bắt đầu đâm chồi.

Có mặt tại khu vực đất bãi bồi bên sông Trà Khúc thuộc địa phận xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi, nhiều hộ dân đang trồng vụ dưa thứ 2.

Với tâm niệm “thua keo này bày keo khác”, anh Phạm Văn Đạt cho biết: "Cứ tới vụ là làm thôi, cũng hi vọng gỡ lại chút ít vụ trước nhưng giá cả thì giống như đánh bạc với trời". 

Gia đình anh Đạt và người bạn cùng quê (ở Bình Chương, Bình Sơn) phải vào tận thành phố để thuê đất trồng dưa với giá 1 triệu đồng/sào.

Trong mùa vụ vừa rồi, gia đình anh Đạt lỗ gần 20 triệu đồng. Với hi vọng vụ mùa thứ 2 sẽ được giá hơn nên anh tiếp tục vay mượn tiền để trồng thêm 22 sào dưa (1 sào bằng 500 m2).

Cũng giống anh Đạt, anh Trần Văn Boon ở huyện Bình Sơn cũng quyết tâm vay mượn tiền của bạn bè, bà con để xuống giống vụ 2 trên mảnh ruộng 15 sào với mong muốn đắp đổi vụ trước.

Đưa tay chỉ những cây dưa đang đâm chồi, anh Boon tâm sự: "Mình đã trồng dưa nhiều năm, vẫn biết thị trường đầu ra còn quá phụ thuộc nước ngoài, năm được năm mất nhưng vẫn tiếp tục trồng và mong rằng lúc nào trúng mùa, trúng giá sẽ bù lại".

Theo nhiều người trồng dưa, nếu giá cả thị trường ổn định, với năng suất trung bình 40 tấn/ha, chỉ sau từ 55 đến 90 ngày trồng và chăm sóc người dân có thể thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Với lợi nhuận như vậy nên khi đã trồng dưa thì rất dễ ham dẫu cho thị trường có bấp bênh hay bị thương lái ép giá.

Theo thống kê sơ bộ, hiện đã có ít nhất trên 100 ha dưa hấu đang được các hộ trồng mới; trong đó tập trung tại các bãi bồi ven sông Trà Khúc của địa bàn thành phố Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh.

Ông Võ Tấn Hồng, Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh cho biết, những năm gần đây, cây dưa bấp bênh, nông dân thua lỗ liên tục. Địa phương đã tổ chức các cuộc họp tuyên truyền vận động không nên trồng dưa nhiều bởi vì phụ thuộc xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo ông Hồng, vấn đề nan giải nhất chính là đầu ra cho dưa hấu. Các tổ chức, cá nhân từ thiện có thể "giải cứu" mua giúp dưa cho nông dân tạm thời một, hai vụ. Nhưng nếu cứ tiếp tục tình trạng này không biết họ có thể giúp được nữa không?

>> Ùn tắc ngàn tấn dưa hấu sang Trung Quốc: Bất lực kéo dài

Theo Sỹ Thắng

Cùng chuyên mục
XEM