Người dân Brazil hoảng sợ trước khủng hoảng kinh tế: "Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến điều gì tồi tệ thế này"

04/03/2016 13:44 PM |

“Cha mẹ tôi đã từng kể cho tôi nghe về những thời kỳ khó khăn trước đây, nhưng tình hình hiện nay còn khó khăn hơn nhiều. Giá cả các loại hàng hóa tăng lên từng ngày”, anh Alves nói.

Cách đây 3 năm, chị Barbara Araujo và anh Allan Alves kết hôn với nhau và họ có nhiều kế hoạch cho tương lai, như mở doanh nghiệp, mua nhà hay sinh con.

Tuy nhiên, tất cả những kế hoạch trên dần trở nên xa với khi nền kinh tế Brazil rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn 20 năm qua.

Nền kinh tế quốc gia này đã suy giảm 3,8% trong năm 2015, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1900 và đây cũng là đợt suy thoái kéo dài nhất tại Brazil kể từ thập niên 30.

“Tôi chưa bao giờ thấy điều gì tương tự như vây. Cha mẹ tôi đã từng kể cho tôi nghe về những thời kỳ khó khăn trước đây, nhưng tình hình hiện nay còn khó khăn hơn nhiều. Giá cả các loại hàng hóa tăng lên từng ngày”, anh Alves nói.

Năm 2011, quốc gia Châu Mỹ Latinh này còn là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, thậm chí vượt qua cả Anh. Tài nguyên dầu mỏ khổng lồ đã thu hút nhiều nhà đầu tư cũng như nguồn vốn quốc tế đổ về đây.


Vợ chồng anh Alves

Vợ chồng anh Alves

Trong khoảng thời gian này, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chính của Brazil và các nhà đầu tư Châu Á có hứng thú vô cùng lớn với nhiều dự án tại Châu Mỹ Latinh.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Brazil đã dần nổi lên như một nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh chóng.

Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim của Brazil đã qua khi tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, niềm tin người tiêu dùng giảm sâu và đồng nội tệ Real mất giá tới 24% so với đồng USD trong 1 năm qua.

Những hàng hóa chủ lực của Brazil như dầu mỏ, đường và cà phê đều giảm giá trong 2 năm trở lại đây, khiến nền kinh tế nước này chịu thiệt hại nặng.

Hơn nữa, vụ bê bối tham nhũng tại tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras cũng khiến nước này chìm sâu vào suy thoái khi niềm tin của người dân vào chính phủ và nền kinh tế đất nước bị xói mòn.

Vụ bê bối trên đã khiến nhiều quan chức cũng như doanh nhân bị bắt với tổng giá trị tài sản bị tịch thu lên đến hàng tỷ USD. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Tổng thống Dilma Rousseff bị nghị viện chất vấn vào năm trước.

Trong tình hình suy thoái, những người dân thuộc tầng lớp trung lưu như anh chị Alves là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cặp vợ chồng này vừa mới mất việc vào năm trước. Sau một quãng thời gian khó khăn, cả 2 quyết định bán bánh chocolate cho khu vực dân cư trong vùng. Trong vài tháng đầu, họ bán được khoảng 200 chiếc bánh mỗi ngày và công việc kinh doanh diễn ra khá tốt.

Dẫu vậy, do lạm phát tăng mạnh lên mức cao nhất trong 13 năm qua, giá mọi loại hàng hóa đều tăng và những người dân trong vùng không đủ khả năng chi tiền mua bánh của vợ chồng anh Alves nữa. Điều này khiến cặp vợ chồng trẻ phải đi tìm kiếm những khách hàng mới ngoài vùng họ đang sinh sống.


Khu vực sinh sống của vợ chồng anh Alves

Khu vực sinh sống của vợ chồng anh Alves

Vợ chồng anh Alves đã từng có ý định mở một cửa hàng bánh và mua một chiếc máy pha bột, nhưng tất cả đều bị hoãn lại trước tình hình kinh doanh ngày một khó khăn.

Cả 2 vợ chồng có 1 chiếc xe máy giao hàng mua bằng tín dụng trả góp ngân hàng, nhưng việc thanh toán định kỳ hàng tháng đang dần trở nên khó khăn khi lãi suất tại Brazil liên tục leo thang.

“Tất cả mọi người đều vô cùng lo lắng khi lãi suất liên tục tăng, đẩy giá thực phẩm, điện nước và các mặt hàng khác tăng theo. Không có một ai dự đoán được liệu họ sẽ phải thanh toán để mua những vật phẩm này bằng cách này”, anh Alves nói.

Hiện trong vùng mà vợ chồng anh Alves sinh sống có khoảng 200.000 hộ dân hưởng lợi từ chương trình trợ giá mua nhà và cho vay của chính phủ. Trên toàn Brazil, hàng triệu hộ dân đã thoát nghèo nhờ vào các nguồn trợ cấp và cho vay ưu đãi của chính phủ.

Tuy nhiên, với tình hình lãi suất tăng mạnh như hiện này, nhiều gia đình tầng lớp thu nhập thấp đang chịu ảnh hưởng nặng nề.

Rất nhiều cửa hàng và các doanh nghiệp tại thành phố Rio de Janeiro đã phải đóng cửa dù nơi đây đang chuẩn bị đón hàng triệu du khách trên toàn thế giới cho Thế vận hội Olympic 2016.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy có hơn 1.200 cửa hàng tại Rio de Janeiro đã buộc phải đóng cửa do doanh số giảm sút và chi phí hoạt động tăng cao.

Bất chấp điều đó, những người dân như vợ chống anh Alves vẫn hy vọng vào tương lai.

“Có quá nhiều bất ổn trên thị trường hiện nay...Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là tiết kiệm. Dẫu vậy, tôi vẫn hy vọng rằng mình đủ sức tạo ra thêm cơ hội phát triển cho những đứa con của tôi sau này”, anh Alves nói.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM