Người bán nhiều hơn khách mua

17/11/2014 09:00 AM |

Dù đang bước vào cuộc chạy đua cho mùa vụ quan trọng nhất trong năm - vụ Tết, nhưng các chợ và siêu thị đều rơi vào cảnh ế ẩm, người bán nhiều hơn khách mua.

Đang ngồi say sưa “buôn” điện thoại với người thân, thấy có người đi qua, chị Thủy - tiểu thương sạp đồ khô tại chợ Tân Trụ (Q.Tân Bình, TP.HCM) - đon đả mời chào nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu khẽ khàng của khách.

Ở một góc khác, ba tiểu thương sạp vải và quần áo may sẵn đang chúi đầu vào máy tính bảng để xem hài kịch. Cả khu vực kinh doanh quần áo hầu như toàn người bán, không thấy khách nào qua.

Theo nhiều tiểu thương, dù đang vào mùa mua sắm cuối năm nhưng các chợ đều ế ẩm, thậm chí cả ngày cũng không bán được món nào. “Buôn bán ế ẩm lắm. Người ta chỉ đi mua miếng thịt, con cá chứ rất ít người hỏi mua quần áo “ - bà Ngọc, sạp quần áo, nói.

Tại chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), bà Năm Hương ngồi giữa hai bao tải đường cát lớn, bắt đầu chia ra từng bịch nilông nhỏ xíu để sẵn bán cho khách. “Rảnh nên ngồi làm sẵn, mỗi bịch vài ngàn, khách đến đỡ tốn công lọ mọ đi cân đong từng bịch” - bà Năm nói.

Không chỉ có đường mà muối, mắm, dầu ăn cũng được chia nhỏ để bán với giá từ vài ngàn đến chục ngàn đồng một bịch, loại nào cũng có, đáp ứng nhu cầu người đi chợ.

Dạo quanh một lượt những sạp quần áo, giày dép tại chợ này chỉ thấy tiểu thương mỗi người một góc ôm điện thoại hoặc máy tính, người nói chuyện, người chơi game, do vắng khách.

“Mấy năm rồi không còn gom hàng bán Tết, dân không còn đổ xô đi mua sắm như trước nữa, năm nay chắc cũng không khá hơn” - một tiểu thương chợ Tân Bình nói.

11g trưa, bước chân vào một cửa hàng thời trang trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7), chúng tôi được cô nhân viên nhanh nhẹn đón khách. Cửa hàng này nằm ngay vị trí đẹp, gần nhiều nhà máy, xí nghiệp có nhiều công nhân, giá bán chỉ 120.000-200.000 đồng/sản phẩm nhưng tiêu thụ vẫn khó khăn.

“Cuối tuần khách thường đông, nhưng chủ yếu đi xem chứ mua không đáng kể. Có ngày chỉ bán vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng tiền hàng, ngày cuối tuần cao nhất cũng chỉ 5-7 triệu” - nhân viên này nói.

Hơn 9g tối, dạo quanh khu vực có hàng trăm cửa hiệu thời trang trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp), phần lớn các cửa hàng không có bóng dáng bất kỳ người khách nào, các nhân viên tụm lại một chỗ cười đùa hoặc chơi trò chơi trên điện thoại.

Anh Ngô Huy Tùng, chủ cửa hàng Mizen (Quang Trung, Gò Vấp), cho biết đã đóng cửa hàng từ cách đây nửa tháng.

Sale 60-70% để xả hàng mà không bán được gì, ngán quá, đóng cửa để đó đã” - anh Tùng nói. Chỉ trong vòng hơn một năm, anh Tùng đã đổi hướng kinh doanh tới hai lần. Lúc đầu mở ra kinh doanh giày dép giá rẻ cho công nhân, sau thấy ế quá nên chuyển sang kinh doanh quần áo thời trang, nhưng ế vẫn tiếp tục ế.

Vì hợp đồng thuê nhà còn đến tháng 4 năm sau, mỗi tháng tiền thuê mặt bằng, chi phí cũng ngót cả 10 triệu đồng nên đành lao theo.

“Đang nghĩ cách mở quán ăn vặt hay quán nhậu lề đường, chứ thời trang là thua chắc rồi” - anh Tùng ngao ngán nói.

>> 5 ngôi chợ không ngủ ở Sài Gòn

Theo Dũng Tuấn

Cùng chuyên mục
XEM