Ngành thép 6 tháng đầu năm: Khu vực sản xuất vẫn có 'lối thoát' an toàn?

05/08/2013 09:53 AM |

Tái cơ cấu sản phẩm, dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động ổn định đã giúp cho DN thép có biên lợi nhuận gộp cải thiện, cũng như đạt được kết quả kinh doanh khả quan so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù chưa có đầy đủ số liệu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành thép niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, nhưng với số liệu thống kê của khoảng 50% số doanh nghiệp ngành niêm yết (DNNY) cho thấy có sự phân hóa khá mạnh giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại dịch vụ. 

Trong khi doanh nghiệp thương mại, tỷ trọng thương mại cao có biên lợi nhuận gộp khoảng 3,75%; các doanh nghiệp sản xuất có tỷ lệ này thấp nhất 4,02%, chủ yếu ở mức 8-8,7% tính chung 6 tháng đầu năm 2013
DNNY ngành thép 6 tháng đầu 2013: Khu vực sản xuất vẫn có “lối thoát” an toàn ? (1)

Thêm vào đó, biên lợi nhuận gộp trong 6 tháng đầu năm 2013 của các doanh nghiệp thương mại bị sụt giảm; các doanh nghiệp sản xuất lại tăng.

Theo CTCP Kim khí Tp. Hồ Chí Minh (MCK: HMC) và CTCP Đầu tư Thương mại SMC (MCK: SMC) – 2 đơn vị có biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu 2013 giảm cũng như lợi nhuận trước thuế sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, 6 tháng đầu 2013 giá bán tiếp tục giảm sâu, xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua. Nguyên nhân được cho là do sản lượng thép sản xuất trong nước thừa và lượng thép nhập khẩu tăng cao gây ảnh hưởng đến thị trường nội địa. 

Ngoài ra, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, sản xuất cơ khí trì trệ làm sức tiêu thụ thép tiếp tục giảm sút. Ngành thép đứng trước cạnh tranh kép từ áp lực dư thừa trong nước và thép nhập khẩu giá rẻ - từ Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh giá bán nhằm giải phóng hàng tồn kho, quay vòng vốn để mua vào với giá rẻ hơn. 

Theo thống kê của Hải Quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu 3,5 tỷ USD sắt thép các loại, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 36%.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, CTCP Thép Nam Kim (MCK: NKG) có biên lợi nhuận gộp cải thiện khá mạnh từ mức 6,11% tính chung 6 tháng đầu 2012 lên 8,25% cho bình quân 6 tháng đầu 2013. Đồng thời NKG có lợi nhuận trước thuế 6 tháng 2013 đạt hơn 43 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm trước.  
DNNY ngành thép 6 tháng đầu 2013: Khu vực sản xuất vẫn có “lối thoát” an toàn ? (2)
NKG cho biết, lợi nhuận tăng do doanh thu chủ yếu từ sản xuất - các mặt hàng có tỷ lệ lãi gộp tốt và doanh thu thương mại chiếm tỷ lệ rất thấp. Dây chuyền mới đầu tư đã đi vào ổn định sản xuất tạo các sản phẩm có giá trị cạnh tranh. 

Trong khi đó, CTCP Ống Thép Việt Đức VG PIPE (MCK: VGS) để có được lợi nhuận tăng, cải thiện biên lợi nhuận gộp, công ty đã tìm nguồn nguyên liệu giá tốt, theo dõi, quản lý các chỉ tiêu tiêu hao nguyên vật liệu nên chi phí sản xuất giảm, giá thành hạ. 

VGS cho biết thêm, mặc dù thị trường thép đang gặp nhiều khó khăn nhưng công ty đã tính toán và đưa ra chiến lược cụ thể: cơ cấu cấu lại chủng hàng, tiết giảm chi phí vì thế đã đem lại hiệu quả trong kinh doanh.

Điều này cho thấy, mặc dù thị trường thép trong nước vẫn còn khó khăn, nhưng không phải bế tắc đầu ra. Tái cơ cấu chủng loại hàng, đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ mới tiết giảm chi phí vẫn có thể giúp doanh nghiệp trụ vững với thị trường. 

Đồng thời, với những nỗ lực cải cách nhằm giúp thị trường bất động sản vượt qua khó khăn có thể kỳ vọng một chu kỳ phát triển mới cho ngành trong tương lai gần khi mà thép nhập khẩu không còn chiếm ưu thế về giá - kết thúc chu kỳ gia tăng nhập khẩu. 

DNNY ngành thép 6 tháng đầu 2013: Khu vực sản xuất vẫn có “lối thoát” an toàn ? (3)
Biểu đồ nhập khẩu sắt thép các loại cho thấy xu hướng nhập khẩu thép tăng từ quý III/2012 đến nay và tăng liên tục như giai đoạn cuối năm 2008 đến hết quý III/2009. Giai đoạn mới bắt đầu từ quý IV/2009.

Nguồn số liệu: Báo cáo tài chính quý II/2013 các doanh nghiệp và Thống kê Tổng Cục Hải quan Việt Nam.
Q. Nguyễn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM