Ngành sản xuất Việt Nam vừa rơi xuống ngưỡng nguy hiểm!

01/12/2015 11:23 AM |

Chỉ số tổng hợp về tình trạng ngành sản xuất - PMI của Việt Nam đã rớt xuống mức dưới 50 điểm. Điều này chứng tỏ hoạt động sản xuất trong nước đang bị thu hẹp lại.

Theo số liệu mới nhất do Nikkei công bố, các điều kiện kinh doanh tại các công ty sản xuất của Việt Nam bị suy giảm nhẹ.

Theo đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (Purchasing Managers’ Index - PMI ) toàn phần lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam của Nikkei – một chỉ số tổng hợp về tình trạng ngành sản xuất - đã giảm từ mức 50,1 điểm của tháng 10 xuống dưới ngưỡng không thay đổi 50 điểm và đạt 49,4 điểm trong tháng 11.

Số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 11 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, mặc dù chỉ là giảm nhẹ do nhu cầu khách hàng giảm.

Tương tự, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm tháng thứ sáu liên tiếp.

Các công ty duy trì sản lượng không đổi trong tháng sau khi đã tăng nhẹ trong tháng 10. Trong khi một số thành viên nhóm khảo sát đã nâng cao sản lượng để đáp ứng mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới, những thành viên khác lại cho biết số lượng đơn đặt hàng mới giảm dẫn đến giảm sản lượng.


Chỉ số Ngành sản xuất Việt Nam vẫn quanh quẩn ngưỡng 50 điểm

Chỉ số Ngành sản xuất Việt Nam vẫn "quanh quẩn" ngưỡng 50 điểm

Việc giảm số lượng đơn đặt hàng mới đã dẫn đến giảm việc làm lần đầu tiên kể từ tháng 3. Trong khi các công ty sản xuất hàng hoá đầu tư cơ bản tiếp tục tăng số lượng nhân công thì các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian đã giảm việc làm.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, tại Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói: “Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam hiện đang trải qua một thời kỳ đình trệ, khi các công ty khó bảo đảm nhận được các hợp đồng mới."

Tình trạng suy giảm mới đây đã ảnh hưởng lên thị trường lao động, với lượng việc làm tháng 11 giảm lần đầu tiên trong tám tháng.

Với các điều kiện kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn, có vẻ như các công ty Việt Nam sẽ phải đợi để chứng kiến sự trở lại của tốc độ tăng trưởng mạnh được ghi nhận trong thời gian đầu năm 2015.

“Trong khi đó, giá giảm trên các thị trường hàng hóa toàn cầu tiếp tục gây áp lực giảm phát cho lĩnh vực sản xuất, với cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra cùng giảm mạnh trở lại.”

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM