Ngành sản xuất tại Mỹ: Phục hưng?

03/04/2013 20:06 PM |

Hàng loạt các công ty lớn của Mỹ đã trở lại quê hương để mở rộng sản xuất khiến báo chí Mỹ vui mừng loan tin về một sự "phục hưng" của ngành sản xuất nước này.

Những sản phẩm biểu tượng của nền công nghệ Mỹ là iPad, Mac, iPhone đều được sản xuất ở Trung Quốc vì một trong những lý do chính là lao động ở TQ rẻ hơn nhiều so với tại Mỹ.

Vậy làm thế nào để thuyết phục một công ty lớn của Mỹ đưa việc sản xuất quay lại Mỹ? Cách đây nhiều năm, câu hỏi này dường như không thể trả lời.

Tuy nhiên, đến nay thì những người đặt câu hỏi đã phần nào thấy được đáp án khi giá lao động nước ngoài và vận chuyển ngày càng tăng khiến cho các công ty của Mỹ quay lại sản xuất trong nước.

Hiện tượng này mạnh mẽ đến mức báo chí Mỹ đã nói đến cụm từ "thời kỳ phục hưng nền sản xuất Mỹ”. Mở màn bằng việc hàng loạt công ty Mỹ quay trở lại... Mỹ để mở rộng sản xuất.

Chẳng hạn, Công ty Collegiate có trụ sở ở Michigan từ chối mở xưởng sản xuất ở TQ và vẫn tiếp tục sản xuất ở Mỹ. Công ty Whirlpool sản xuất KitchenAid ở Mỹ thay vì ở TQ...

Hiệu ứng này cũng bắt nguồn từ các chính sách ưu đãi do Tổng thống Barack Obama hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước nhằm nhanh chóng giảm tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ.

Với ưu đãi về thuế, đất và nhân công, các công ty Mỹ nhận thấy đặt nhà máy tại Mỹ hiện nay cạnh tranh hơn nhiều so với việc gia công bên ngòai.

Năm ngoái, ông Jeff Immelt, Tổng giám đốc của General Electric, tuyên bố rằng, gia công thuê ngoài đã thành mô hình kinh doanh lỗi thời. Hiện tập đoàn này đang mở một dây chuyền sản xuất mới ở Louisville, Kentucky chuyên sản xuất đồ điện tử gia dụng nhằm tạo việc làm cho thị trường trong nước thay vì ở TQ hay Mexico.

Bên cạnh đó, vị thế sản xuất tại Mỹ còn được tăng cường bởi sức mạnh cải tiến công nghệ của Mỹ. Theo khảo sát quản lý tại 30.000 doanh nghiệp sản xuất của Mỹ mới công bố, doanh nghiệp Mỹ nhìn chung quản lý tốt hơn các đối thủ nước ngoài.

Khảo sát chỉ ra, các nhà sản xuất của Mỹ tiếp tục hoàn thiện tốt hơn đặc biệt trong việc thu thập và phân tích dữ liệu trên mọi khía cạnh từ hành vi khách hàng đến hiệu suất dây chuyền sản xuất. Đối với mỗi 1 USD sản lượng sản xuất trong nước có thể tạo ra 1,48 USD của cải vật chất cho nước Mỹ.

Ngân hàng Goldman Sachs gần đây đã phát hành một báo cáo cho rằng "sản xuất Mỹ phục hưng là theo chu kỳ, chứ không phải cấu trúc". Báo cáo này chỉ ra rằng sức mạnh trong sản lượng sản xuất của Mỹ phản ánh sự yếu kém tương đối của châu Âu và Nhật Bản, hơn là một sự thay đổi tích cực dài hạn ở Mỹ.

Tuy nhiên, trong nhiều ngành, thực tế vẫn cho thấy, lao động tại Mỹ hiện nay có thể cạnh tranh với lao động ngay tại TQ khi lạm phát khiến giá nhân công đại lục tăng vọt.

Trong thập kỷ qua, lương của người lao động ở Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng từ 10-20%, trong khi lương ở Mỹ và châu Âu bắt đầu bị các nước bắt kịp. Nếu Chính phủ TQ thực hiện đúng lộ trình từng bước nâng giá đồng Nhân dân tệ so với USD, chi phí sản xuất tại TQ chắc chắn còn tăng nữa.

Trong khi đó, một cuộc điều tra hoạt động quản lý của 30.000 cơ sở sản xuất của Mỹ do Viện McKinsey Global thực hiện cho thấy, các công ty Mỹ quản lý tốt hơn so với các đối thủ nước ngoài.

Một kết luận nổi bật của nghiên cứu là nhà sản xuất Mỹ tiếp tục nhận được đánh giá tốt hơn từ phía khách hàng cũng như đối với sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành sản xuất tại Mỹ đang hồi sinh nhờ công nghệ tự động tiên tiến, cho phép các công ty cạnh tranh về giá với doanh nghiệp TQ.

Chẳng hạn, mới đây, Công ty Altierre Digital Retail đã chuyển hoạt động sản xuất từ TQ về Mỹ. Công ty này ứng dụng các trạm kiểm tra điện tử mới, năng suất của công ty đã tăng gấp hai lần, có thể cạnh tranh về giá với các công ty TQ.

Earthbound Farm, một trong số những nhà sản xuất thức ăn hữu cơ lớn nhất tại Mỹ, cũng đang ứng dụng công nghệ để tăng năng suất. Trong thời gian gần đây, công ty đã triển khai robot tự động hóa vào khâu thu hoạch sản phẩm. Mỗi con robot làm việc tương đương với bốn công nhân...

Nhiều công ty nổi danh như Google, General Electric, Caterpillar và Ford đang chuyển dần hoạt động sản xuất trở về nước Mỹ hoặc cho xây mới thêm nhà máy ở Mỹ để đảm bảo yếu tố đổi mới và nghiên cứu công nghệ.

Tháng 12 năm ngoái, hãng Apple cũng cho biết sẽ bắt đầu xây dựng một dây chuyền sản xuất máy tính Mac tại Mỹ vào cuối năm 2013. 

Theo Thụy Kha

duchai

Cùng chuyên mục
XEM