Ngành bán lẻ Mỹ đang chết dần chết mòn

18/06/2015 10:15 AM |

Ngành bán lẻ Mỹ chứng kiến hơn 20 trung tâm mua sắm đã đóng cửa trong vòng 4 năm qua và 60 trung tâm mua sắm khác đang trên bờ vực bị “khai tử”.

Gap từng là thương hiệu “thống trị” thế giới bán lẻ, nhưng ngày nay nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ này phải đang đóng 1/4 số cửa hàng của mình và sa thải hàng trăm nhân viên sau những doanh số đáng thất vọng.

Và đây cũng là dấu hiệu của một xu hướng lớn hơn trong ngành bán lẻ Mỹ.

Các thương hiệu quần áo lớn đang phải vật lộn giữ chân khách hàng vì càng ngày họ càng muốn mua quần áo “hàng hiệu” giảm giá. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu vì người Mỹ hiện đang chi rất nhiều tiền cho những “món hàng” như iPhone và Netflix nên họ càng không sẵn lòng trả đúng giá cho những chiếc áo len hay những chiếc quần jeans như xưa.

Hậu quả là danh sách nhà bán lẻ đóng cửa ngày càng nối dài: J. Crew vừa mới sa thải 10% lượng nhân viên của mình tại trụ sở chính vì doanh số và lợi nhuận của công ty này tiếp tục giảm.

Thị trường quần áo dành cho giới teen cũng đang phải vất vả để tồn tại, với hàng loạt những tên tuổi lớn như Abercrombie & Fitch và Aeropostale liên tục thông báo đóng bớt cửa hiệu của mình.

Wet Seal, một tên tuổi lớn khác trong giới bán lẻ, đã đột ngột đóng cửa gần như tất cả các cửa hiệu của họ. Sears, Macy's, và JCPenney cũng đóng cửa hàng trăm địa điểm trong những năm gần đây.

Những vụ đóng cửa trên đang tạo ra hiệu ứng domino cho các trung tâm mua sắm.“Một khi các trung tâm mua sắm đã đóng cửa thì có thể sẽ rất khó cho người chủ tiệm tìm được người thuê thay thế,” Howard Davidowitz, chủ tịch của Davidowitz & Associates, một công ty tư vấn bán lẻ quốc gia cho biết.

Theo tờ New York Times, hơn 20 trung tâm mua sắm đã đóng cửa trong vòng 4 năm qua và 60 trung tâm mua sắm khác đang trên bờ vực bị “khai tử”.

“Tất cả những nhà bán lẻ dành cho giới teen đều gặp thất bại và các trung tâm mua sắm hạng trung này đang giết chết họ,” Davidowitz nói.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại đang được hưởng lợi từ xu hướng đóng cửa của các trung tâm mua sắm trên. Những nhà bán lẻ giảm giá như T.J. Maxx và Ross đang có doanh số tăng vọt. Thậm chí những trung tâm sơ cứu như City Practice Group và Concentra cũng đang tăng trưởng khoảng 20%/năm.

Nhiều công ty, chủ yếu là các công ty công nghệ như Tesla, Microsoft, và Apple, cũng tận dụng cơ hội bỏ trống này tại những trung tâm mua sắm để thuê mặt bằng mở thêm cửa hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ người tiêu dùng.

 

Doanh số của họ cũng tăng mạnh vì so với quần áo, công nghệ luôn đắt hơn, khiến các cửa hiệu này dễ kiếm lợi nhuận hơn.

Khách hàng cũng ngày càng tăng chi tiêu dành cho mặt hàng này nhiều hơn các hàng hóa truyền thống như đồ trang trí nhà cửa hay quần áo.

Các cửa hiệu công nghệ cũng cần ít nhân viên hơn và không gian nhỏ hơn những cửa hàng bách hóa nên tổng chi phí của họ cũng ít hơn.

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM