Ngân sách Nhà nước: Thu 860 nghìn tỷ, chi hơn 1 triệu tỷ đồng

04/12/2015 19:00 PM |

1.015.000 – 860.000 = 155.000 tỷ đồng tiền bội chi ngân sách (đã làm tròn). Tức, cho dù có truy thu được khoản thuế nợ đọng 34.000 tỷ đồng (theo kịch bản tốt nhất) + 10.000 tỷ đồng thu về từ việc bán cổ phần Nhà nước cũng không bù đắp được số lẻ của khoản bội chi.

Theo thông báo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 11 ước đạt 78,7 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế 11 tháng, tổng thu đạt hơn 860 nghìn tỷ đồng, bằng 94,4% dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong khi đó, chi ngân sách Nhà nước tháng 11 ước đạt 97,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 11 tháng đạt 1.015,7 nghìn tỷ đồng, bằng 88,5% dự toán, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, chi trả nợ và viện trợ hết 142 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2014.

Lũy kế 11 tháng, bội chi ngân sách đạt xấp xỉ 155,6 nghìn tỷ đồng.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 12 của Bộ Tài chính là đảm bảo cân đối ngân sách trung ương năm 2015, hạn chế đến đến mức ít nhất việc sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước để bù đắp cho số giảm thu từ ngân sách trung ương.

Bình luận về mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo mới đây cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2015 thâm hụt ngân sách ước khoảng 4,9% GDP theo cách tính của Bộ Tài chính và được bù đắp chủ yếu bởi các khoản vay trong nước.

Cần lưu ý rằng con số này không bao gồm các khoản đầu tư ngoài ngân sách. Như vậy có nghĩa là tổng thâm hụt ngân sách trên thực tế còn cao hơn.


Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đang gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu kho bạc. Trong 9 tháng đầu năm Kho bạc nhà nước chỉ phát hành được tổng cộng 127 nghìn tỉ đồng (khoảng 51% kế hoạch năm), giảm 39% so với cùng kì năm ngoái. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi trong ngắn hạn, Bộ Tài chính đã phải vay Ngân hàng Nhà nước 30 nghìn tỉ đồng.

“Tình trạng mất cân đối tài khoá đã tích tụ từ nhiều năm trước cần được giải quyết thì mới có thể đảm bảo bền vững tài chính công”, WB khuyến nghị.

WB cũng cho biết chính phủ đang tìm cách tăng cường kỉ luật tài khoá, tăng cường quản lí thuế và mở rộng diện thu thuế. Ngoài ra chính phủ cũng cố gắng kiểm soát chi thường xuyên và thắt chặt kiểm soát các khoản đầu tư công mới. Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi sẽ góp phần tăng cường quản lí tài khoá.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM