Ngân sách cạn có phải vì vung tay quá trán?

31/10/2013 08:20 AM |

Thực tế, Chính phủ đã phải cắt giảm chi tiêu tối đa hơn 110.000 tỷ đồng.

Nội dung nổi bật:

- Thâm hụt ngân sách xảy ra khi số chi nhiều hơn số thu. Chính phủ vừa đề nghị nâng trần bôi chi thêm 0,5% GDP. Vậy sự thực là Chính phủ đã chi quá nhiều hay thu quá ít?

- Thực tế, chính phủ đã phải chi ít hơn dự toán hơn 110.000 tỷ đồng. Tuy vậy, do số hụt thu quá lớn nên bôi chi ngân sách vẫn tăng.


Sau khi Chính Phủ đã đề xuất Quốc hội nâng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP, có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, trong đó có cả ý kiến ủng hộ cần nâng trần bội chi để lấy tiền đầu tư cơ sở hạ tầng lẫn ý kiến phản đối cho rằng phải giữ nguyên kỷ luật ngân sách.

Vậy sự thực là gì? Theo kinh tế học: Bội chi ngân sách = Tổng chi ngân sách - Tổng thu ngân sách

Như vậy bội chi tăng lên cao hơn so với dự toán đầu năm có thể do hai nguyên do. Một là chính phủ vung tay quá trán, chi tiêu vượt định mức khiến tổng chi ngân sách quá cao. Hai là thu ngân sách giảm mạnh.

Nếu là do nguyên nhân đầu tiên, Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nên xem lại cách làm việc của mình trước khi ra Quốc hội xin thêm tiền. Trong trường hợp đó, tốt nhất Quốc hội nên phủ quyết đề xuất nâng trần bội chi. 

Ngược lại, nếu bội chi xuất phát từ nguyên nhân thứ hai, thì Quốc hội không nên làm khó dễ Chính phủ và phê duyệt đề xuất nâng mức trần thâm hụt.

Trên blog cá nhân, Tiến sỹ Lê Hồng Giang cho rằng thực tế Chính phủ không những chi tiêu không vượt dự toán, mà còn tiết giảm chi tiêu hàng chục nghìn tỷ đồng so với dự toán chi ngân sách đầu năm, nhưng vì tổng thu giảm quá mạnh nên mới tạo ra thâm hụt ngân sách vượt dự toán. Do đó, theo TS. Giang, "Quốc hội không nên làm khó dễ Chính phủ".

Trong tính toán của mình, TS. Giang đã đưa ra một con số giật mình: năm nay Chính phủ sẽ phải cắt giảm tổng chi đã được duyệt tới gần 93.000 tỷ đồng.

Theo dự toán ngân sách năm 2013 do Quốc hội thông qua vào cuối năm ngoái, mức bội chi là 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP. Do đó, nếu đề nghị nâng trần bội chi thêm 0,5% GDP nữa (lên 5,3% GDP), tức Chính phủ muốn tăng bội chi thêm gần 17.000 tỷ đồng.

Năm nay, tổng thu ngân sách dự tính là 816.000 tỷ đồng. Sau 9 tháng, ngân sách mới thu được 66,6% dự toán trong khi mọi năm đã hoàn thành được khoảng 80% kế hoạch thu ngân sách. Từ đó, TS. Giang giả định hai trường hợp:

Trường hợp "lạc quan nhẹ" là trong 3 tháng cuối năm ngân sách thu được 20% tổng dự toán (như thông lệ hàng năm), thì năm 2013 tổng thu chỉ đạt 86,6% dự toán, tức hụt hơn 109.000 tỷ VNĐ.

Trường hợp "phơi phới" là trong 03 tháng cuối năm, tổng thu gấp đôi xu hướng hàng năm, đạt 30% dự toán thu (cho dù con số này không dễ gì đạt được), thì tổng thu vẫn hụt 3,4% tương ứng với gần 28.000 tỷ VNĐ.

Bản thân người viết cho rằng, cũng không thể bỏ qua Trường hợp thông thường là trong quý cuối cùng, xu hướng hụt thu vẫn y hệt như ba quý trước đó. Như vậy, tổng thu sẽ chỉ đạt 83% dự toán, tức hụt thu tới gần 137.000 tỷ VNĐ.

So sánh và Kết luận

Lấy con số hụt thu so với dự kiến  trừ đi số bội chi tăng thêm mà Chính phủ đang xin Quốc hội (gần 17.000 tỷ VNĐ) sẽ ra con số chi tiêu đã và sẽ tiết giảm so với dự toán.

Như vậy, năm nay chính phủ đã, đang và sẽ phải thắt lưng buộc bụng, tiêu ít hơn số đầu năm đã được duyệt, từ gần 11.000 tỷ VNĐ (theo kịch bản "phơi phới") tới tối đa 110.000 tỷ đồng (theo kịch bản thông thường). 

Xem ra, Chính phủ cũng đã biết trước tình hình mà thắt lưng buộc bụng từ đầu năm chứ chẳng phải phóng tay chi bừa rồi hết tiền mới đi xin "nâng trần".

Thùy Đỗ

thuydtt

Cùng chuyên mục
XEM