Ngân hàng Việt Nam chưa xin được giấy phép ở Myanmar

01/10/2014 16:15 PM |

9 ngân hàng nước ngoài vừa được cấp giấy phép hoạt động ở Myanmar, nhưng không có ngân hàng Việt Nam.

Hãng tin Bloomberg cho biết, 9 ngân hàng nước ngoài vừa được cấp giấy phép hoạt động ở Myanmar, nhưng không có ngân hàng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên các ngân hàng ngoại được đặt chân vào Myanmar sau hàng thập kỷ nền kinh tế này đóng cửa.

Các ngân hàng được Myanmar cấp phép bao gồm ANZ của Australia; ba ngân hàng lớn nhất Nhật Bản là Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Sumitomo Mitsui, và Mizuho; Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC); Bankok Bank của Thái Lan; Malayan Banking Bhd. của Malaysia; và hai ngân hàng của Singapore là Oversea-Chinese Banking Corp. và United Overseas Bank.

Đã có 25 ngân hàng nước ngoài xin cấp phép hoạt động ở Myanmar, trong đó có Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tuy vậy, BIDV không nằm trong danh sách các nhà băng nước ngoài được Myanmar cấp phép theo như bản danh sách mà Ủy ban Cấp phép ngân hàng nước ngoài của Myanmar vừa công bố đầu giờ chiều 1/10.

Các ngân hàng nói trên gia nhập hàng ngũ các công ty nước ngoài tìm kiếm một chỗ đứng tại thị trường Myanmar khi quốc gia này mở cửa kinh tế trở lại sau khoảng 5 thập niên nằm dưới sự lãnh đạo của quân đội.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng 7,8% trong năm nay, cao hơn mức tăng trưởng dự báo 4,8% dành cho các nền kinh tế đang phát triển nói chung.

Giấy phép mà Myanmar cấp cho 9 ngân hàng nước ngoài nói trên là giấy phép tạm thời, có giá trị trong 12 tháng. Trong khoảng thời gian đó, các ngân hàng được cấp phép sẽ phải thỏa mãn các cam kết mà họ đưa ra trong đơn xin giấy phép, chứng tỏ được hoạt động hiệu quả và tuân thủ các yêu cầu khác của Ngân hàng Trung ương Myanmar - theo Ủy ban Cấp phép ngân hàng nước ngoài của nước này.

Nếu ngân hàng nước ngoài đáp ứng được các yêu cầu này, Ngân hàng Trung ương Myanmar sau đó mới giấy phép chính thức.

Myanmar nằm dưới quyền lãnh đạo của quân đội từ thập niên 60. Trong khoảng thời gian đó, ngành ngân hàng của nước này bị quốc hữu hóa và chỉ mở cửa cho sở hữu tư nhân từ thập niên 90. Myanmar hiện có 4 ngân hàng quốc doanh, 22 ngân hàng tư nhân và 42 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài.

Năm 2012, Myanmar thông qua một đạo luật đầu tư nước ngoài để thu hút các công ty khắp thế giới. Cũng trong năm đó, Mỹ bắt đầu nới lệnh cấm vận đối với Myanmar sau khi Tổng thống nước này Thein Sein bắt đầu một quy trình dân chủ trong đó bầu lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi vào Quốc hội sau 15 nữ chính trị gia này bị quản thúc tại gia.

>> Nhà giàu mới nổi ở Myanmar

Theo Diệp Vũ

Cùng chuyên mục
XEM