Ngân hàng Việt đi ra thế giới...

03/09/2015 08:30 AM |

30 năm dấu ấn của công cuộc đổi mới, từ sự ra đời của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước ban đầu (năm 1988) nay hệ thống ngân hàng Việt Nam đã phát triển lớn mạnh lên tới hơn 40 NHTM. Ngày càng có nhiều nhà băng lớn có tên tuổi táo bạo vượt “địa phận” làm ăn ra khỏi dải đất hình chữ S, viết tên thương hiệu Việt trên bản đồ khu vực, thậm chí vươn xa hơn!

Đưa thương hiệu ra ngoài lãnh thổ

BIDV là ngân hàng Việt Nam đầu tiên có văn phòng đại diện và hoạt động tại thị trường Myanmar, cũng là ngân hàng Việt đầu tiên theo đuổi kế hoạch thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại thị trường này. Chia sẻ mới đây, ông Trần Bắc Hà Chủ tịch BIDV tỏ ý hy vọng ngân hàng sẽ sớm được Myanmar cấp phép.

“Chúng tôi đã đệ trình đơn lên Tổng thống Myanmar về việc đăng ký xin thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài của BIDV tại Myanmar. Trong đợt đầu (năm 2014), chính phủ Myanmar đã cấp phép cho 8 đơn vị trong đó không có ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, trong các cuộc gặp cấp cao khi các nhà lãnh đạo Việt Nam thăm chính thức Myanmar, họ đều khẳng định rằng trong đợt hai sẽ cấp phép cho BIDV”- ông Hà nói.

6 tháng đầu năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 47 dự án đầu tư sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh của nhà đầu tư Việt Nam là 155,4 triệu USD. Về số lượng, các dự án tập trung chủ yếu vào thị trường Myanmar với 8 dự án cấp mới. Hoa Kỳ có 7 dự án cấp mới. Về lĩnh vực đầu tư, ngoài hai nhóm ngành đứng đầu như khai khoáng, bán buôn và bán lẻ, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đã góp mặt ở vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký 29,5 triệu USD (chiếm 19% tổng vốn đầu tư đăng ký).

Còn tại Lào, VietinBank vừa chính thức trở thành ngân hàng Việt đầu tiên có ngân hàng con 100% vốn do Vietinbank cấp tại Lào (50 triệu USD). Với sự kiện khai trương VietinBank Lào ngày 8/8/2015 tại thủ đô Viêng Chăn, Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ không giấu được niềm vui bởi dẫu “sinh sau, đẻ muộn” mãi đến năm 2012 mới mở chi nhánh, nhưng VietinBank ở Lào đã phát triển thần tốc.

“Dư nợ VietinBank ở Lào hiện tại đã lên đến 1 tỷ USD, lợi nhuận tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và đầu tư mạnh mẽ để ngân hàng “con” không chỉ là cầu nối giao thương với doanh nghiệp Việt làm ăn ở Lào mà còn cả với bà con kiều bào cũng như doanh nghiệp của chính nước bạn,” ông Thọ cho biết. Đồng thời bật mí: VietinBank đang thu xếp để tiến quân vào thị trường Myanmar trong một tương lai không xa.

Theo chân các đàn anh đi “mở cõi”, hai ngân hàng thuộc khối cổ phần là Quân đội (MB) và Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng gặt hái được vô số thành công. Được biết, Sacombank hiện đang sở hữu hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài (ở Lào và Campuchia), cùng 9 chi nhánh khác tại hai nước này.

Còn MB, ngoài được cấp phép ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Lào, hiện còn rất “ăn nên làm ra” tại Campuchia. Ngày 12/8, MB đã long trọng khai trương trụ sở mới của chi nhánh Phnom Penh. Trụ sở mới nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, hai mặt tiền rộng và ở cạnh các cơ quan, tổ chức chính phủ, quốc tế đóng tại Campuchia. “Campuchia đóng vai trò quan trọng trong chiến lược mở rộng mạng lưới trên cơ sở mang lại sự thuận tiện trong giao dịch cho khách hàng cũng như tăng cường quản trị rủi ro và quản trị kinh doanh hiệu quả. Đầu tư trụ sở mới tại thủ đô Phnom Penh, MB cam kết đầu tư lâu dài, bền vững cũng như sự đồng hành, gắn bó với khách hàng tại Campuchia”- đại diện lãnh đạo MB khẳng định.

 - ảnh 1
 

Nhập gia tùy tục

Vươn xa hơn, cách đây vài năm VietinBank từng gây sửng sốt cho cả khối nhà băng ngoại khi bất ngờ làm cú hích mở chi nhánh tại Frankfurt. Với chi nhánh tại Frankfurt, lẽ tất yếu VietinBank phải tuân thủ chặt chẽ tất cả các quy định của luật pháp nước này. “Chúng tôi phải tuyển tỷ lệ người lao động có quốc tịch Đức, phải đảm bảo việc trả lương, đóng bảo hiểm, phúc lợi và an sinh xã hội và hoạt động theo đúng quy định nước sở tại”- ông Thọ cho biết.

Còn với để hòa nhập với nếp sống và sinh hoạt của người dân đất nước Triệu Voi, ngay khi ở Việt Nam ban lãnh đạo VietinBank đã phải xác định ý thức “nhập gia tùy tục”. Một đại diện VietinBank kể: Với nhân viên ở Lào là người Việt do ngân hàng cử sang, về cơ bản họ đều tuân thủ nền nếp, giờ giấc và cách làm việc như ở nhà; còn với nhân viên người Lào, VietinBank không thể o ép mà buộc phải đặc biệt tôn trọng nếp sinh hoạt “sống chậm” của các bạn nước sở tại. “Tại ngân hàng VietinBank ở Lào, nhân viên người Việt bao giờ cũng đến sớm hơn nhân viên nước bạn 30 phút đồng hồ, và buổi chiều, có thể về muộn hơn, dù mức thu nhập được xét trên một bình diện như nhau”- đại diện này nói.

Nhìn nhận về chiến lược mở rộng tên tuổi và thị phần của các NHTM Việt Nam ra nước ngoài, nói với Tiền Phong, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN (vừa được cử sang và được bầu làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đông Á) cho rằng nên khuyến khích các ý tưởng và chiến lược mở rộng thị trường ra ngoài biên giới một cách vững chắc, nhất là với một số ngân hàng đủ điều kiện và thích hợp. “Sự phát triển của các ngân hàng này, được coi là tiền đề cho sự phát triển mở rộng mạng lưới tại thị trường quốc tế, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của ngân hàng Việt trên thế giới”- ông Tuấn nhận xét tuy nhiên cũng lưu ý để thành công, ngân hàng phải rất tuân thủ chặt chẽ luật pháp nước sở tại.

Còn ông Trần Bắc Hà, khi nói đến việc thành lập ngân hàng tại Myanmar từng bật mí: “Trong bộ hồ sơ xin cấp phép cho ngân hàng tại Myanmar chúng tôi được Ủy ban Giám sát tài chính nhà nước của chính phủ bạn đánh giá là bộ hồ sơ nằm trong top chuẩn nhất”. Có lẽ chính vì vậy mà tại buổi làm việc mới đây (tháng 8/2015) giữa Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình với ông Kyaw Kyaw Maung, Thống đốc NHTW Myanmar đã ghi nhận những nỗ lực của các NHTM Việt Nam như BIDV trong việc thâm nhập vào thị trường Myanmar, Thống đốc NHTW Myanmar cho biết sẽ xem xét tích cực để BIDV sớm được cấp phép mở chi nhánh tại Myanmar.

Ngoài các ngân hàng BIDV, VietinBank, MB, Sacombank, hai thị trường truyền thống là Lào, Campuchia còn có thêm sự góp mặt của các ngân hàng Việt khác như Agribank, SHB. Còn trên bản đồ khu vực tại Singapore và Hong Kong, dấu ấn ngân hàng Việt còn ghi lại bởi sự thâm nhập mở văn phòng đại diện của “ông lớn” Vietcombank từ rất lâu. Vì sao Vietcombank không mở chi nhánh hay thậm chí mở ngân hàng “con” như các nhà băng khác. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank chỉ dí dỏm khi trả lời câu hỏi: “Thế mới là Vietcombank”. Tuy nhiên, phân tích của một chuyên gia trong lĩnh vực này cho thấy, rất có thể Vietcombank đã có những bước đi toan tính, khôn ngoan khác.

Theo Khánh Huyền

Cùng chuyên mục
XEM