NewYork Times: Vào TPP, Việt Nam cần làm gì?

09/04/2015 08:57 AM |

Theo báo NewYork Times của Mỹ, việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam có thể hội nhập sâu hơn với các nền kinh tế khác trên thế giới, cũng như triển vọng phát triển lớn hơn ngay trên sân nhà.

Nội dung nổi bật:

- Bài báo trên NewYork Times cho rằng, Việt Nam cần gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một kế hoạch thương mại do Hoa Kỳ hậu thuẫn.

- Năm 2007, Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại quan trọng. Năm 2013, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo và cà phê lớn thứ 2 thế giới.

- Thỏa thuận TPP sẽ giảm đáng kể thuế suất nhập khẩu áp dụng cho mặt hàng dệt may Việt Nam vào thị trường các quốc gia thành viên TPP, qua đó làm tăng tính cạnh tranh với hàng hóa tương tự từ các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan.


Bài báo NewYork Times cho rằng, Việt Nam cần gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một kế hoạch thương mại do Hoa Kỳ hậu thuẫn. NewYork Times nhận định, thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam có thể hội nhập sâu hơn với các nền kinh tế khác trên thế giới, cũng như triển vọng phát triển lớn hơn ngay trên sân nhà.

Việt Nam có đường bờ biển dài 3.500 km, một vị thế chiến lược trong giao dịch thương mại quốc tế. Theo số liệu thống kê năm 2013, gần 1/3 lượng dầu thô thế giới và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng tự nhiên được chuyên chở qua khu vực này. Đây cũng là tuyến đường ngắn nhất từ Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.

Bài báo cho rằng, Việt Nam chỉ có thể tận dụng tốt vai trò địa chính quan trọng này khi đã hoàn toàn phát triển về kinh tế. Việc gia nhập TPP với các điều kiện giao dịch thương mại tự do hơn, giảm sự tham gia của nhà nước trong nền kinh tế, giúp minh bạch hơn sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng thực hiện được mục tiêu này.

Sau nhiều năm đóng cửa nền kinh tế, Việt Nam đã có những tiến bộ kể từ năm 1986, sau khi mở cửa thị trường. Giai đoạn 1990-2010, Việt Nam ghi dấu ấn với mức tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Năm 2007, Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại quan trọng. Năm 2013, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo và cà phê lớn thứ 2 thế giới. Năm 2014, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu khu vực ASEAN sang Hoa Kỳ, vượt cả Malaysia và Thái Lan.

Song, đây mới chỉ là giai đoạn đầu của quá trình phát triển bởi nền kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc quá nhiều vào vào các ngành xuất khẩu, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp. Việt Nam có nguy cơ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP bắt đầu chậm lại. Việt Nam hiện đang đứng cuối về trình độ phát triển kinh tế trong số các nền kinh tế tham gia TPP, với GDP đầu người khoảng 1.910 USD, thấp hơn so với 6.660 USD của nước thấp thứ 2 là Peru.

Hiệp định TPP tạo ra một lộ trình mới cho giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội tiếp theo của Việt Nam. Trong một bài phát biểu vào tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết “Các thỏa thuận thương mại trong thời gian tới đòi hỏi chúng ta phải cởi mở hơn. Vì vậy, thị trường của chúng ta phải trở nên năng động và hiệu quả hơn”.

Bên cạnh đó, thỏa thuận TPP sẽ giảm đáng kể thuế suất nhập khẩu áp dụng cho mặt hàng dệt may Việt Nam vào thị trường các quốc gia thành viên TPP, qua đó làm tăng tính cạnh tranh với hàng hóa tương tự từ các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan.

Tuy nhiên, TPP cũng quy định rất nghiêm ngặt về yêu cầu đối với xuất xứ nguyên phụ liệu từ Việt Nam. Đây sẽ là một yêu cầu bắt buộc thúc đẩy chúng ta phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, mở rộng quy mô sản xuất, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc – quốc gia đang cung cấp phần lớn nguyên phụ liệu dệt may cho Việt Nam.

TPP cũng đòi hỏi các quốc gia thành viên thực hiện quyền lao động tự do, quyền sở hữu trí tuệ, tính minh bạch trong luật pháp, quy định và việc thực thi quy định. Điều quan trọng nhất đối với Việt Nam lúc này chính là kỳ vọng Chính phủ các nước tham gia TPP không thực hiện bảo hộ doanh nghiệp trong nước, tạo nên bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ khá cao trong nền kinh tế Việt Nam, như trong ngành ngân hàng, năng lượng và giao thông vận tải. Công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp này làm ăn không hiệu quả. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam vẫn đang nỗ lực và quyết tâm thực hiện công cuộc tái cơ cấu này.

Như vậy, những rào cản đối với Việt Nam khi gia nhập TPP không quá lớn. Việt Nam đã đồng ý cho các công đoàn được hoạt động độc lập tại các nhà máy, gia tăng quyền lợi cho người công nhân, Việt Nam cũng tăng cường thực hiện quy định sở hữu trí tuệ với những chiến dịch rà soát của cơ quan chức năng đối với các doanh nghiệp vi phạm điều luật này

Trên tất cả các phương diện về kinh tế, chính trị cũng như chiến lược, Việt Nam gần như chắc chắn sẽ gia nhập TPP. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu, cũng như nhận được sự hỗ trợ từ các nền kinh tế đứng đầu thế giới.

>> Gia nhập TPP, ngành chăn nuôi sẽ "tối như đêm 30"?

Nguyệt Quế

Cùng chuyên mục
XEM