"Nền kinh tế đã thoát đáy và đang vật vã để đi lên"

28/09/2014 09:13 AM |

Nhưng đây là cách tăng trưởng không hiệu quả!

Gần 3 quý của năm 2014 đã đi qua, mặc dù còn nhiều khó khăn và vướng mắc nhưng đa số các chuyên gia đều nhận định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã ổn định.

“Nền kinh tế đã thoát đáy và đang vật vã để đi lên" – đó là nhận xét của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương).

Với những vấn đề chưa được giải quyết như nợ xấu, tắc tín dụng, tái cơ cấu chậm chạp... ông Trương Đình Tuyển cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 khó đạt mức 5,8% như chỉ tiêu.

“Nếu muốn đạt, phải tăng thêm khai thác dầu thô, khai thác than…(như đã từng làm) nhưng đây là cách tăng trưởng không hiệu quả."

Theo ông Tuyển, vấn đề hiện nay không chỉ là tốc độ tăng trưởng mà quan trọng hơn là cách thức tạo ra tăng trưởng. Nếu giải quyết được nợ xấu, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện khuyến khích đầu tư tư nhân, thì có thể tiếp cận đến chỉ tiêu này và tạo đà cho năm 2015.

Đánh giá về lạm phát, ông Tuyển dự báo lạm phát sẽ không vượt quá 4,5% do tổng cầu thấp và giá thị trường thế giới theo dự báo không có biến động lớn.

Khu vực doanh nghiệp được nhận xét chung là vẫn rất khó khăn. Điều đáng lưu ý là khu vực tư nhân Việt Nam ngày càng yếu đi, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này 8 tháng năm 2014 chỉ còn chiếm 32,7% trong tổng kim ngạch của cả nước, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khối FDI đã lên tới 67,3%. Hệ thống phân phối cũng đang bị các nhà đầu tư nước ngoài xâm lấn, FDI cũng đã chiếm tỷ trọng gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước.

“Tình hình này là tốt hay xấu và liệu tăng trưởng kinh tế có đi liền với tích lũy và tăng cường nội lực, gia tăng sức mạnh của DN trong nước? Đây là một câu hỏi cần được đặt ra một cách nghiêm túc."

Tuy nhiên, ông Tuyển đánh giá xuất khẩu có khả năng vượt kế hoạch. Các chỉ khác như thu chi ngân sách, mức bội dự báo đạt kế hoạch.

Theo IMF, kinh tế thế giới năm 2015 phục hồi mạnh hơn, tăng trưởng toàn cầu được dự báo là 4% tăng 0,6 điểm % so với dự báo tăng trưởng năm 2014, cao hơn khá nhiều mức tăng trưởng của năm 2013 so với 2012.

Mặc dù vậy, tình hình vẫn còn nhiều bất định như khủng hoảng tại Ucraina, kèm theo sự cấm vận của phương Tây với Nga, khủng hoảng và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS ở Trung Đông... sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu.

Ông Tuyển cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2015 có mức phục hồi cao hơn và có khả năng đạt mức tăng trưởng từ 6%-6,2%. Cơ sở cho nhận định này là yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và sẽ có chuyển biến trên hầu hết các tiêu chí trong nửa đầu năm 2015. Nhiều khả năng hầu hết các Hiệp định mậu dịch tư do mà Việt Nam đang đàm phán sẽ được hoàn thành không muộn hơn 6 tháng đầu năm 2015. Điều này sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Theo đó, lạm phát được dự báokhông quá 6,5% nếu Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt chính sách trung hòa tiền tệ. Những rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt là nợ công tăng, đe doạ khả năng trả nợ và an toàn tài chính.

“Nếu tăng trưởng thấp và do đó thu ngân sách tăng chậm, nguồn trả nợ sẽ khó khăn. Vì vậy cần kiểm soát chặt chỉ tiêu này“

Một vấn đề tồn đọng của Việt Nam được ông Tuyển nêu lên là thiếu quyết tâm chính trị, vướng bận Đại hội Đảng các cấp, làm trì trệ công việc.

Trước những thực tế nêu trên, ngoài những giải pháp đã được nhắc đến rất nhiều như đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; giải quyết nợ xấu; sửa Luật kinh doanh bất động sản và Luật nhà ở để các quỹ đầu tư, kể cả các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thi trường mua bán nợ... ông Tuyển kiến nghị xem xét khả năng điều chỉnh hạ giá VND khoảng 3% để khuyến khích xuất khẩu và phát triển công nghiệp hỗ trợ trong điều kiện tổng cầu yếu, lạm phát thấp và đang xuất siêu.

Mai Linh

Cùng chuyên mục
XEM