Năng suất lao động của người Việt Nam không thua gì lao động Hàn Quốc

01/10/2014 09:45 AM |

Giống như khi khám sức khỏe không chỉ đo chiều cao, cân nặng, huyết áp, nhịp đập, vòng ngực mà còn có các chỉ số khác nữa. Nếu chỉ nhìn vào mỗi tỷ lệ thất nghiệp 1,84% thì nhiều khi lại lạc quan thái quá.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 30/09, trả lời câu hỏi của phóng viên về tỷ lệ thất nghiệp 1,84% gây xôn xao dư luận, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết:

Thứ nhất, trong Bộ luật Lao động của chúng ta có một điều quy định là bất kỳ công việc nào không bị pháp luật ngăn cấm và được trả công và tạo ra thu nhập thì được coi là công việc làm.

Thứ hai là cuộc điều tra là do Tổng cục Thống kê tiến hành. Tất cả các định nghĩa về việc làm hay thất nghiệp đều tuân thủ theo định nghĩa quốc tế và của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, khuyến cáo của quốc tế có nói: Trong tuần trước khi làm việc hợp pháp nếu có làm một số công việc nào đó thì được xem như thời gian làm việc. Chính vì khái niệm đó mà tỷ lệ thất nghiệp khác nhau. Có nước thì quy định là một giờ theo đúng khuyến cáo quốc tế, có nước nói là hai giờ, ba giờ, tám giờ và có thể khác nhau.

Thứ ba, để đo sức khỏe của thị trường lao động thì không chỉ dựa vào tỷ lệ thất nghiệp. Tổ chức Lao động Quốc tế có kiến nghị 18 chỉ tiêu chính để đo thị trường lao động, tức là ngoài tỷ lệ thất nghiệp còn có thời gian làm việc, khu vực làm việc, việc làm dễ bị tổn thương hay không, đóng bảo hiểm xã hội hay không…

Theo Thứ trưởng, con số tỷ lệ thất nghiệp 1,84% có vẻ là con số đáng mừng nhưng phải nhớ rằng 2/3 lao động Việt Nam đang làm việc ở khu vực dễ tổn thương, làm việc gia đình không đóng bảo hiểm.

Bên cạnh đó, trong những chỉ tiêu của thị trường lao động còn có vấn đề làm việc không đúng ngành nghề đào tạo. Trong báo cáo thị trường lao động Việt Nam có công bố một loạt chỉ tiêu, không riêng chỉ tiêu thất nghiệp.

“Vì thế chúng ta đừng lạc quan hóa câu chuyện 1,84%. Nó cũng giống như khi khám sức khỏe, chúng ta không chỉ đo chiều cao, cân nặng, huyết áp rồi nhịp đập, vòng ngực mà còn có các chỉ số khác nữa. Nếu mà chỉ nhìn vào mỗi chỉ tiêu 1,84% thì nhiều khi lại lạc quan thái quá.”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về việc Việt Nam thuộc nhóm nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực ASEAN, thứ trưởng lý giải: 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar kém phát triển hơn so với các nước kia nên năng suất lao động thấp hơn là điều bình thường.

Con số năng suất lao động thấp không phải do Việt Nam đưa ra mà theo báo cáo kỹ thuật tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp APEC. Năng suất lao động này tính một cách rất đơn giản là lấy GDP/số người đang làm việc. Theo Thứ trưởng, con số này không phản ánh chính xác năng suất lao động của người trong độ tuổi lao động bởi vì GDP ít nhất phải có 3 thành tố: Chỉ số lao động, vốn đầu tư và trình độ công nghệ. Cách tính chính xác hơn là xem đóng góp của người lao động trong việc tạo ra GDP.

“Tôi cũng phải nói rằng người Việt Nam lao động trong các doanh nghiệp Hàn Quốc thì năng suất lao động không thua gì năng suất lao động Hàn Quốc cả.”

Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ LĐTB&XH phối hợp với các bộ, ngành theo dõi chính xác xem năng suất lao động của lao động Việt Nam như thế nào. Nhưng muốn hay không, cũng phải thừa nhận là với trình độ công nghệ, với vốn đầu tư theo chiều rộng như hiện nay, năng suất lao động như vậy là khá chính xác.

"Chính vì thế, chúng ta mới đang tái cơ cấu nền kinh tế từ chiều rộng theo chiều sâu, đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ người lao động. Hy vọng cải thiện chỉ số này" - Thứ trưởng kết luận.

>> Lao động ngành xây dựng: Tiền công tăng, năng suất không cải thiện

Theo Mai Linh

Cùng chuyên mục
XEM