Năng lượng gió Việt Nam có thể đạt hơn 500.000 MW

11/06/2013 07:50 AM |

Với chiều dài bờ biển hơn 3000 km, chạy dọc từ Bắc vào Nam, Việt Nam được đánh giá là đất nước có tiềm năng điện gió rất lớn. Nếu khai thác hết tiềm năng gió thì tổng công suất điện gió có thể lớn gấp 20 lần tổng công suất điện hiện tại của Việt Nam.

Tại Diễn đàn kinh tế Biển tổ chức ở Hà Tĩnh cuối tuần trước, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Tp.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện- Điện tử -Tin học EEI và KS Phạm Cương - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng GĐ Công ty Năng lượng Tái tạo Điện lực Dầu khí đã có bài tham luận về tiềm năng của năng lượng gió Việt Nam. NDHMoney xin trích đăng một số ý kiến quan trọng.

Công suất gấp 20 lần hiện tại

Với chiều dài bờ biển hơn 3.000 km, chạy dọc từ Bắc vào Nam, Việt Nam được đánh giá là đất nước có tiềm năng điện gió rất lớn. Những năm đầu của thế kỷ 21 Ngân hàng thế giới đã tiến hành xây dựng bản đồ tiềm năng gió cho 4 nước khu vực Đông Nam Á bao gồm: Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia. 

Theo kết quả của bản đồ năng lượng gió này thì tiềm năng năng lượng gió Việt Nam có thể đạt hơn 500.000 MW. Lưu ý rằng toàn bộ công suất đặt của toàn hệ thống điện Việt Nam hiện nay khoảng 25.000 MW, mới chỉ bằng 1/20 tiềm năng điện gió, nói cách khác nếu Việt Nam khai thác hết tiềm năng gió thì tổng công suất điện gió có thể lớn gấp 20 lần tổng công suất điện hiện tại của Việt Nam. Vì vậy Ngân hàng thế giới coi Việt Nam là đất nước có tiềm năng điện gió lớn hơn nhiều so vớc các nước khác trong khu vực.

Theo khảo sát của Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN), những vùng có thể tạo ra nguồn năng lượng điện gió  với hiệu quả cao tập trung vào Trung trung bộ (Quảng Bình đến Khánh Hòa), Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận) và các tỉnh Nam bộ (Bạc Liêu, Sóc Trăng..) trong đó hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đươc coi là hai tỉnh có tiềm năng lớn nhất, là khu vực đầu tư cho Điện gió khả thi nhất.



Theo số liệu bản đồ năng lượng gió được lập, với tốc độ gió từ 6-7m/s ở độ cao từ 60-80 m khu vực hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận có thể xây dựng lắp đặt nhiều trang trại gió (Wind farm) với tổng công suất lên đến 9500 MW (gấp gần 4 lần nhà máy thủy điện Sơn La).

Hiện nay Ninh Thuận và Bình Thuận đang kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án điện gió. Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận đã được thành lập hơn 3 năm, hoạt động rất đều đặn, đã góp phần vào công tác tư vấn, môi giới cho các Nhà đầu tư, đã đề nghị Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bình Thuận kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho những đối tác quan tâm đầu tư xây dựng trang trại Điện gió.

Mới có 3 nhà máy điện gió hoạt động

Tính đến tháng 5/2013, hiện có hơn 50 dự án điện gió đã đăng ký xin đầu tư, phần lớn tập trung ở khu vực từ Trung Trung bộ vào các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ có 3 nhà máy điện gió đã phát điện thương mại.

Ngoài ra có một dự án đang tiến hành thực hiện các bước như thu xếp vốn, xin chủ tương đầu tư, lập dự án đầu tư, xin giấy phép đầu tư (Dự án điện gió Phú Lạc Thuận Bình 30 MW, dự án trang trại gió Hòa Thắng 202MW…) và hơn 40 dự án chỉ mới xin chủ trương, chờ cơ chế phù hợp thì các nhà đầu tư mới thực hiện

3 nhà máy điện gió đang hoạt động

Trang trại điện gió trên bờ biển, nối lưới quốc gia, tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Chủ đầu tư là CTCP Năng lượng tái tạo Việt Nam với tổng mức đầu tư  gần 75 triệu USD (1500 tỷ VND), đã hoàn thiện giai đoạn 1 với Tổng công suất 30MW.

Nhà máy Phong điện đảo Phú Quí, tại đảo Phú Quí, vận hành hỗn hợp với lưới diện độc lập trên đảo, Chủ đầu tư là Công ty TNHH Một Thành Viên “Năng lượng Tái tạo Điện lực Dầu khí” của Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam,  với tổng công suất 6MW và tổng mức đầu tư 335 tỷ VNĐ.

Trang trại Điện gió trên biển tại tỉnh Bạc Liêu nối lưới quốc gia, Chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Công lý với tổng Công suất 16 MW.

Mục tiêu của Chính phủ là ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, phấn đấu tăng tỷ lệ sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 4,5%  (năm 2020) và 6% năm 2030, đồng thời thực hiện lộ trình hình thành thị trường điện cạnh tranh, tháo gỡ một phần khó khăn cho các nhà đầu tư năng lượng sạch.

Thủ Tướng chính phủ đã ban hành quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 quy định cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam, và quyết định số 1208/2011/QĐ-TTg phê duyệt qui hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có tính đến năm 2030. Các quyết định này đã xác định cụ thể hơn về qui hoạch, về chế độ ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi cho các Nhà đầu tư như: Ưu đãi về tín dụng đầu tư, miễn thuế nhập khẩu thiết bị, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất, vv..

Tuy nhiên việc đầu tư xây dựng các nhà máy Phong điện vẫn còn nhiều khó khăn, chính quyền nên tiếp tục tháo gỡ, thì Việt Nam mới có thể phát huy được tiềm năng điện gió thành hiện thực.

3 khó khăn lớn cần tháo gỡ

Theo các chuyên gia, có 3 khó khăn lớn khi đưa tiềm năng điện gió trở thành hiện thực phục vụ đời sống. Thứ nhất là giá bán điện 7.8 USD cent/1KWh theo quy định của Chính phủ, nhưng vẫn còn rất thấp, ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn của chủ đầu tư.

Tham khảo một số dự án điện gió tại các nước phát triển như: Đức, Hà Lan, Đan Mạch Mỹ thì suất đầu tư cho 1MW thiết bị Châu Âu đáp ứng tiêu chuẩn của Hội đồng kỹ thuật Điện quốc tế (IEC) là 2,25 triệu USD. Nếu sử dụng công nghệ và thiết bị Trung Quốc (trong những năm gần đây có tốc độ phát triển nhanh nhất,  tổng công suất nguồn điện gió lớn nhất thế giới hiện nay) thì suất đầu tư là 1,8 triệu USD/1MW.

Trong khi đó, ở Việt Nam, hai dự án đang trong giai đoạn quyết toán vốn đầu tư, đều sử dụng thiết bị công nghệ châu Âu Fulender, (Đức) và Vestas (Đan Mạch), thì theo tính toán sơ bộ, giá thành đã lên tới 2,5 triệu /1MW.

Khó khăn thứ hai là nguồn vốn. Thông thường các dự án điện gió trên thế giới đều được các Quỹ bảo vệ môi trường Thế giới quan tâm, thông qua các cơ quan chức năng đánh giá tính khả thi, đặc biệt đánh giá kỹ về tác động môi trường, xã hội, trên cơ sở đó họ được cho vay vốn với lãi suất ưu đãi (1,5 -2.5%/năm). Trong khi đó, việc tiếp cận này của các nhà đầu tư Việt Nam còn rất hạn chế.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải có những đột phá về giải pháp công nghệ. Hiện tại, các dự án điện gió đã và đang thực hiện đều sử dụng với Máy phát có giải công suất từ 1 đến 2 MW. Trong khi đó tiềm năng gió của Việt Nam tại miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên là rất lớn, tốc độ  từ  4m/s  đến 19m/s là rất phổ biến, thích hợp cho những máy phát điện gió có công suất lớn hơn.

Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ sản xuất và sử dụng máy phát điện gió cỡ nhỏ phục vụ gia đình. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng chế tạo các máy phát điện gió loại nhỏ từ 3 đến 10 KW, sử dụng cho gia đình, những sản phẩm này không yêu cầu công nghệ cao, các chi tiết lắp ráp có thể nâng tỷ lệ nội địa hóa đến 70, 80%, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, và sử dụng nguồn năng lượng thân thiện vơi môi trường.

Theo Thu Trang

duchai

Cùng chuyên mục
XEM