Năm 2016, người dân nên nắm giữ VNĐ hay USD?

04/01/2016 17:02 PM |

Một trong những băn khoăn của người dân hiện nay là với cơ chế điều hành tỷ giá mới thì người đang có tiền nhàn rỗi nên giữ VNĐ hay USD? Còn đối với doanh nghiệp, có thuận lợi gì trong hoạt động mua bán?

Chiều nay 4/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo công bố Tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ.

Một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất chính là việc áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm thì doanh nghiệp và người dân được lợi và rủi ro gì?

Đầu tiên, trả lời câu hỏi người dân nên nắm giữ VNĐ hay USD, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định rằng, NHNN khẳng định nhất quán và kiên định mục tiêu của chính sách tiền tệ là ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế VNĐ, hỗ trợ phát triển kinh tế.

Theo đó, dần dần chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua bán, đúng mục tiêu chống đô la hóa của Chính phủ.

Bà Hồng cho hay, người dân khác với doanh nghiệp ở quy mô và khối lượng giao dịch. Nếu như doanh nghiệp có quy mô lớn, khối lượng giao dịch lớn thì người dân chủ yếu thực hiện giao dịch trong lãnh thổ Việt Nam.

Cũng có cá nhân thực hiện giao dịch xuyên biên giới như: chuyển tiền cho con học, đi du lịch, chữa bệnh nước ngoài... Tuy nhiên, khối lượng giao dịch này không quá lớn và đều được các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

"Hiện nay, người dân Việt Nam thu nhập bằng VNĐ, chi tiêu bằng VNĐ. Mà VNĐ hiện đang có vị thế cao hơn, theo báo cáo của NHNN, mức lãi suất gửi vẫn ở 4-5% thì như vậy, với người có tiền tiết kiệm thì gửi VNĐ có lợi thế.

Trong khi đó, cách thức điều hành mới có thể ngoại tệ nay tăng mai giảm, gửi tiền tiết kiệm cũng không phải đầu cơ nên cũng không có ảnh hưởng đến giao dịch của người dân", bà Hồng khẳng định.

Liên quan đến tác động của cách điều hành tỷ giá mới này đến doanh nghiệp, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ khẳng định, so với cơ chế cũ thì cách thức mới sẽ giúp thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp phát triển thị trường ngoại hối qua công cụ phái sinh nhiều hơn.

Nếu như trước đây, giao dịch kỳ hạn trên toàn thị trường giữa tổ chức tín dụng và khách hàng thường xuyên dưới 10 triệu ngày, thì nay có tổng số giao dịch lên tới 100-200 triệu/ngày.

"Cơ chế mới biến động, linh hoạt hơn giúp cho cung cầu ngoại tệ thông suốt hơn, mua bán cũng dễ dàng hơn. Đồng thời, vì tỷ giá tăng giảm hằng ngày, biến động đỡ mạnh hơn so với trước đây nên nếu có thua lỗ thì tác động đến doanh nghiệp cũng nhỏ hơn", ông Dũng nói.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Dũng lý giải nguyên nhân NHNN áp dụng cách điều hành tỷ giá mới là do NHNN dự kiến thị trường năm 2016 tiếp tục biến động lớn, Fed tăng lãi suất...

Trong khi đó, Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, TPP được ký kết, do đó tỷ giá cần điều hành linh hoạt hơn để thích ứng thị trường quốc tế trong những năm tiếp theo.

Mà mục tiêu sâu xa nhất khi thực hiện cơ chế này là phù hợp tình hình thực tế, giúp ổn định kinh tế thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM