Năm 2016, "gót chân Asin" của Trung Quốc ở đâu?

30/12/2015 08:34 AM |

Sức mạnh của đồng USD là điều không chắc chắn lớn nhất trong năm 2016 bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, đồng thời gây nên áp lực giảm phát.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng cắt giảm tỷ lệ đòn bẩy trong nền kinh tế đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư để hướng tới dịch vụ và tiêu dùng.

Nghe có vẻ đơn giản. Tuy nhiên, giới phân tích đã nhiều lần nhắc đến nguy cơ quá trình chuyển đổi này sẽ khiến kinh tế Trung Quốc suy giảm sâu hơn trong năm 2016. Tồi tệ hơn, dòng vốn tháo chạy cùng với làn sóng vỡ nợ sẽ khiến hệ thống tài chính nước này chao đảo khi mà tín dụng đen vẫn là một vấn đề nhức nhối.

Dưới đây là những mối nguy sẽ đe dọa kinh tế Trung Quốc trong năm 2016.

Tỷ giá dậy sóng

Sức mạnh của đồng USD là điều không chắc chắn lớn nhất trong năm 2016 bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, đồng thời gây nên áp lực giảm phát.

Diễn biến của nhân dân tệ so với USD trong 10 năm qua

USD tăng giá đáng kể có nghĩa là các công ty Trung Quốc có nợ bằng USD sẽ đối mặt với áp lực trả nợ lớn hơn, trong khi NHTW Trung Quốc sẽ phải tiêu tốn dự trữ ngoại hối để ngăn đồng nhân dân tệ giảm giá. Điều này dẫn đến cung tiền sụt giảm và làm giảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Đó là nhận định của Victor Shih, giáo sư chuyên nghiên cứu về kinh tế và chính trị Trung Quốc tại ĐH California, nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, chính các chuyên gia kinh tế tại Trung Quốc đang tranh luận về hai giải pháp: giảm giá nhân dân tệ 1 cách êm ái hay theo cách nhanh chóng và gây nên cú sốc.

Dòng vốn bị rút ra ồ ạt

Theo Pauline Loong, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Asia-Analytica Research (Hồng Kông), vấn đề khiến Chính phủ Trung Quốc đau đầu nhất trong năm tới là dòng vốn bị rút ra nhanh hơn và mạnh hơn.

Rất có thể giới chức nước này sẽ lại đối phó theo cách khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn bằng cách phát ra những tín hiệu sai. Nhìn vào nỗ lực giải cứu thị trường chứng khoán trong mùa hè vừa qua, có thể thấy lo ngại này rất có cơ sở.

Dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc giai đoạn 2010 - 2015

Theo thước đo của Bloomberg, hơn 500 tỷ USD đã bị rút ra khỏi Trung Quốc chỉ trong 4 tháng gần đây.

Áp lực rút vốn sẽ khiến việc hoạch định chính sách trở nên phức tạp hơn. Loong nhận định nếu PBOC hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, các tài sản bằng USD sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn, và nếu Trung Quốc can thiệp vào thị trường tiền tệ để cứu nhân dân tệ, xuất khẩu của nước này sẽ bị tổn hại. Còn nếu Trung Quốc thắt chặt kiểm soát vốn, tình hình cũng không khá hơn vì người ta đổ xô rút ra trước khi quá muộn.

Những ngôi nhà trống không

Rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc là nếu như tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường bất động sản trở nên tồi tệ hơn, sản lượng công nghiệp và hoạt động đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng. Wang Tao, chuyên gia kinh tế trưởng tại UBS Group, nhận định tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu thiếu chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Diện tích sàn nhà ở đang xây dựng

Nợ xấu

Andrew Polk – chuyên gia kinh tế tại Bắc Kinh – nhận định ngân hàng sẽ là mầm mống của các rắc rối đối với kinh tế Trung Quốc trong năm 2016.

“Chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều vụ vỡ nợ hoặc bên bờ vỡ nợ trong năm tới. Sức ép mà khu vực doanh nghiệp đang phải chịu đựng chính là điểm yếu của các ngân hàng, và sức ép ấy đang ngày càng lớn hơn. Lợi nhuận công nghiệp tiếp tục sụt giảm và chúng ta sẽ có nhiều hơn những công ty thua lỗ”.

Nợ xấu của Trung Quốc đang tăng rất mạnh

Câu hỏi duy nhất ở đây là Trung Quốc sẽ âm thầm cứu trợ các ngân hàng hay để mặc chúng chính thức phá sản.

Ngân hàng trong bóng tối

Các vấn đề của khu vực “ngân hàng trong bóng tối” gần như chắc chắn sẽ xảy ra trong năm tới vì lãi suất tiền gửi được thả nổi khiến cuộc cạnh tranh huy động ngày càng khốc liệt, theo Alicia Garcia Herrero – chuyên gia kinh tế đến từ Natixis SA (Hồng Kông).

Kịch bản cơ bản

Kể cả khi những điều tồi tệ kể trên không xảy ra, các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg vẫn dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 6,5% trong năm 2016, mức thấp nhất trong 25 năm.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM