Năm 2016, DN Việt sẽ "vất vả" hơn trước?

18/11/2015 19:27 PM |

Tại hội thảo ”Kinh tế Việt Nam - Triển vọng năm 2016” vừa diễn ra tuần qua tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng, sản xuất - kinh doanh trong năm 2016 sẽ không có nhiều điểm mới so với 2015.

Cụ thể, nền kinh tế sẽ vẫn giữ đà ổn định như năm 2015, cùng với một số khó khăn vẫn chưa được cải thiện.

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, năm 2016, do nền kinh tế vẫn phục hồi chậm và chưa bền vững nên dễ bị “lung lay” nếu có những yếu tố bên ngoài tác động.

Một trong những nguyên nhân khiến ông Cung cảnh báo được viện dẫn từ quá khứ, khi Việt Nam đã từng tin rằng nền kinh tế sẽ “cất cánh” khi Việt Nam gia nhập WTO.

Kết quả, chỉ có năm 2007, nền kinh tế đạt sự tăng trưởng theo mục tiêu dự báo, còn sau đó tăng trưởng bị sụt giảm, rõ ràng nhất là năm 2008. Vì vậy, nhìn chung, kinh tế năm 2015 cũng được xem là tương tự như năm 2007.

Cũng theo ông Cung, khối doanh nghiệp (DN) không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào các FTA. Bởi cơ hội cũng có nhưng nếu DN không cải thiện năng lực cạnh tranh thì khó đón bắt những thuận lợi do các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Nếu so sánh với DN các nước, hoàn cảnh của DN Việt Nam “vất vả” và khó khăn hơn. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn không dễ tiếp cận vốn ngân hàng.

Do vậy, ông Cung cho rằng, năm 2016, việc cải cách thể chế kinh tế vẫn tiếp tục, môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện nhưng tốc độ và quy mô vẫn còn xa mới đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tế.

Tư duy và cách thức quản lý nhà nước vẫn thiên về “quản” và “kiểm” hơn là thúc đẩy và hỗ trợ. Cơ chế xin - cho vẫn tiếp tục chi phối.

Do đó, quyền kinh doanh của DN dù được mở rộng hơn, nhưng các rủi ro thể chế, chi phí không thay đổi. Lãi suất cho vay vẫn tiếp tục ổn định ở mức cao, vượt quá sức của DN.

Ngoại trừ nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đưa vào Việt Nam để đón cơ hội đầu tư các FTA mang lại, còn các hoạt động khác của nền kinh tế vẫn rất khó dự báo.

Về vấn đề lãi suất, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng ghi nhận, mặc dù công tác điều hành chính sách tiền tệ đã có những kết quả tích cực trong năm 2015, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn.

Điều đáng nói là DN Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng, càng tạo thêm áp lực cho ngành.

Trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo đó, tín dụng tiếp tục tập trung cho sản xuất.

Để hỗ trợ DN vừa và nhỏ, trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ thấp hơn 2% so với các lĩnh vực khác.

Đánh giá về sự phát triển của DN Việt Nam, ông Hirotaka Yasuzumi - Trưởng Đại diện Văn phòng Jetro tại TP.HCM, đại diện cho khối DN Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào các ngành đang có lợi thế trong TPP, cũng như những ngành có công nghiệp hỗ trợ.

Bởi vì đây là ngành giữ vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành hàng khác. Hay Việt Nam nên đẩy mạnh đầu tư hóa dầu, sản xuất sắt thép để đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho các ngành khác.

Theo ông Hirotaka Yasuzumi, DN Việt Nam đang yếu về mặt chiến lược kinh doanh, do đó, để nâng cao năng lực, rất cần sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách đối với ngành công nghiệp hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa. Cũng như “Chính phủ Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ để môi trường kinh doanh của DN được cải thiện hơn”, ông Hirotaka Yasuzumi nhấn mạnh.

Theo MAI PHƯƠNG

Cùng chuyên mục
XEM