Mỹ xem Việt Nam là thị trường chiến lược

17/05/2015 10:39 AM |

Dù được xếp vị trí thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhưng những năm qua, nguồn vốn FDI từ Mỹ vẫn không ngừng chảy vào Việt Nam.

Thêm thương hiệu mới

Cuối tháng 3, P&G đã khởi công xây dựng nhà máy dao cạo Gillette tại Bình Dương với vốn đầu tư 100 triệu USD. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành trong 12 tháng tới và tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương. Theo Tổng giám đốc P&G Việt Nam Emre Olcer, Tập đoàn đã cân nhắc việc xây nhà máy dao cạo Gillette ở một số nước lân cận nhưng cuối cùng chọn Việt Nam.

Lý do cho sự lựa chọn này vì "Châu Á có vai trò quan trọng đối với tương lai của P&G. Và so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam nổi bật về tiềm năng tiêu dùng và cơ hội mới". Cụ thể hơn là Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, dân số trẻ và thu nhập của người dân được cải thiện.

Lợi thế đó được khẳng định qua sự phát triển của các nhãn hiệu mà P&G đang kinh doanh tại Việt Nam. Liên tục trong những năm qua, các nhãn hàng của P&G như Ariel, Pampers, Downy, Pentene, Tide, Head & Shoulders... đều tăng trưởng hai con số.

Những lợi thế về TPP (đang đàm phán giai đoạn cuối), chi phí nhân công thấp, thuận lợi về kinh tế vĩ mô, về tiêu dùng... đang khiến hàng loạt công ty Mỹ đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư.

Nếu như năm 2013 chỉ có 22 doanh nghiệp (DN) Mỹ tìm hiểu môi trường kinh doanh thì trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có đến 3 đoàn DN với số lượng lớn (gồm nhiều tập đoàn danh tiếng của Mỹ như Boeing, Apple, AIG, Exxon Mobil...) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Mới đây, đoàn hơn 30 DN thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cũng đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xây dựng.

Trong cuộc họp báo hồi tháng 1/2015, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius tỏ ra lạc quan về tác động TPP với kinh tế Việt Nam và đầu tư của Mỹ. "Thỏa thuận TPP sẽ cho phép Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 và đối tác số 1 của Việt Nam", ông khẳng định.

Trong chuyến thăm nhà máy Ford tại Hải Dương ngày 23/4, Đại sứ Mỹ chia sẻ: "Mỹ và Việt Nam đang ngày càng hợp tác chặt chẽ và toàn diện hơn. Đây là động lực để nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cũng như khẳng định những nỗ lực không ngừng của Mỹ cho sự tái cân bằng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Trong lĩnh vực ô tô, Ford là cái tên được nhắc nhiều với sự đầu tư nghiêm túc và những đóng góp tích cực cho cộng đồng. Năm 1997, Ford trở thành nhà sản xuất ô tô ngoại đầu tiên có dây chuyền lắp ráp ô tô tại Việt Nam với vốn đầu tư 123 triệu USD.

Năm 2014, mặc dù thị trường khó khăn, và lộ trình giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đã gần kề (có hiệu lực từ năm 2018) nhưng Ford vẫn tiếp tục đầu tư thêm 6,1 triệu USD để tăng cường các dây chuyền sản xuất xe và chuẩn bị cho kế hoạch lắp ráp dòng xe đa dụng cỡ nhỏ EcoSport.

Nhờ những đầu tư này mà trong hai năm 2012, 2013, dù thị trường ô tô Việt Nam "tuột dốc không phanh" nhưng Ford Việt Nam tăng trưởng ấn tượng với mức tăng lần lượt là 71% và 69%, nằm trong nhóm 3 thương hiệu ô tô hàng đầu Việt Nam.

Đặc biệt, trong năm 2014, Ford tiếp tục tăng trưởng đến 71%, đạt mốc 13.988 xe bán ra. Trong 4 tháng đầu năm nay, Ford Việt Nam lại lập kỷ lục mới với 5.588 xe bán ra, duy trì vị trí là hãng ô tô tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam.

Dịch chuyển từ "công xưởng Trung Quốc"

Các nhà đầu tư Mỹ chuyển hướng đầu tư từ "công xưởng Trung Quốc" sang Việt Nam là do những lợi thế mới. Điển hình là Microsoft. Cuối năm 2014, nhà đầu tư này đã chuyển các nhà máy sản xuất smartphone từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Đến nay, 39 dây chuyền sản xuất từ các nhà máy ở Komatom (Hungary), Bắc Kinh, Quảng Đông (Trung Quốc) và Reynosa (Mexico) đã được đưa về Bắc Ninh, biến Việt Nam thành một trọng điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn. Với sự dịch chuyển này, doanh thu xuất khẩu của Microsoft Việt Nam năm 2014 đã đạt 2 tỷ USD.

Chưa dừng lại ở những kế hoạch trên, Microsoft dù đã có 15.000 lao động vẫn liên tiếp đầu tư nhân sự. Mới đây, Công ty đã công bố đầu tư 3 triệu USD trong vòng 3 năm cho việc phát triển nhân viên và hỗ trợ các nhà lãnh đạo trẻ Việt Nam.

Chia sẻ về chiến lược của Microsoft, ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi xem Việt Nam như một thị trường chiến lược và vì những lợi ích lâu dài. Bên cạnh việc mang đến những phần mềm, thiết bị và giải pháp, chúng tôi chủ động làm việc với Chính phủ và cộng đồng DN để hỗ trợ cho việc phát triển công nghệ, góp phần phát triển các kỹ năng và nguồn lực cho lực lượng IT của Việt Nam".

Intel, thương hiệu sản xuất chip máy tính cho toàn thế giới, cũng đang hiện thực hóa 1 tỷ USD vốn đầu tư tại Việt Nam. Bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam, cho biết, từ tháng 1/2014, các sản phẩm SOC (system on a chip) dùng cho máy tính bảng và điện thoại thông minh của Intel đã được sản xuất tại Nhà máy Intel Việt Nam.

Hiện SOC đã đạt công suất 36 triệu sản phẩm/năm và sẽ nâng lên 40 triệu sản phẩm trong thời gian tới. Dự kiến, đến cuối năm 2015, 80% lượng chip dùng trong máy tính bán ra trên thế giới sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

Theo bà Sherry Boger, hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các DN nước ngoài, trong đó có Intel. Intel đã đóng cửa nhà máy kiểm định và lắp ráp (ATM) ở Costa Rica để chuyển sang các nhà máy tại châu Á, trong đó có Việt Nam.

Cuối năm 2014, CPU lõi kép thế hệ thứ tư dành cho máy tính đã được nhà máy Intel Việt Nam sản xuất và hiện công ty này đang đẩy nhanh tiến độ để đến cuối năm 2015 sẽ có thêm nhiều CPU lõi kép thế hệ thứ tư cung cấp ra thị trường.

Một công ty đến từ Mỹ khác là Jabil Việt Nam (chuyên sản xuất các thiết bị điện tử) có nhà máy đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cũng xây dựng kế hoạch tăng vốn từ 200 triệu USD lên 1 tỷ USD nhằm mở rộng quy mô sản xuất.

Trong lĩnh vực thực phẩm và giải khát, các thương hiệu lớn như KFC, Burger King, Pizza Hut, Starbucks, Coffee Bea & Tea Leaf, McDonalds đã có mặt và không ngừng lớn mạnh tại Việt Nam.

>> Vì sao quả vải Việt Nam mất tới 10 năm để 'bay' sang Mỹ?

Theo Hồng Nga

Cùng chuyên mục
XEM