Mục tiêu thâm hụt ngân sách và nhập siêu nhiều khả năng sẽ bị phá

05/05/2015 15:19 PM |

Chính phủ sẽ chọn phương án giảm chi đầu tư để kìm hãm thâm hụt ngân sách như năm 2014, hay tăng xuất khẩu hàng thô sơ chế nhưng chấp nhận thiệt về giá?

Nội dung nổi bật:

- Mục tiêu lạm phát 5% có thể không đạt được (mức dự báo chỉ 3%), trong khi thâm hụt ngân sách (mục tiêu 5% GDP) và nhập siêu (5% xuất khẩu) nhiều khả năng cao sẽ bị phá.

- Quý 1, trong khi thu ngân sách tăng 10% thì chi tiêu tăng tới 12%, một phần bởi hụt thu từ xăng dầu. Mức hụt thu trong xăng dầu quý 1 khoảng hơn 9.000 tỉ đồng so cùng kỳ 2014 (giảm 36% so với năm 2014)

- 3 giả định lựa chọn cho Chính phủ.

+ Giảm chi đầu tư để kìm hãm thâm hụt ngân sách như năm 2014 nhưng có thể phải hi sinh tăng trưởng trung hạn.

+ Tăng xuất khẩu hàng thô sơ chế nhưng chấp nhận thiệt về giá (như dầu thô hay quặng kim loại).

+ Chấp nhận thâm hụt và tăng vay mượn


Báo cáo về Triển vọng kinh tế vĩ mô Quý 1/2015 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết: Mục tiêu lạm phát 5% có thể không đạt được (mức dự báo chỉ 3%), trong khi thâm hụt ngân sách (mục tiêu 5% GDP) và nhập siêu (5% xuất khẩu) nhiều khả năng cao sẽ bị phá.

Dầu thô khiến ngân sách thâm hụt 45 nghìn tỷ đồng

Theo VEPR, giá hàng hóa cơ bản có khả năng duy trì xu hướng giảm cho đến hết năm 2015, nhưng giá dầu sẽ biến động rộng, gia tăng tính bất ổn của tỷ lệ lạm phát.

VEPR dự báo lạm phát trung bình của cả năm 2015 sẽ xấp xỉ 1% nếu không có các điều chỉnh giá trong dịch vụ công (y tế, giáo dục); thuế (bảo vệ môi trường) và phí (cầu đường). Ngược lại, những điều chỉnh này sẽ khiến lạm phát dao động quanh mức 3% vào cuối năm nay.

Thu ngân sách quý 1 ước đạt 226 nghìn tỉ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái), kìm thâm hụt ngân sách ở mức 37 nghìn tỉ đồng (tương đương 4,6% GDP). Thu nội địa tăng 20% nhờ hoạt động kinh tế gia tăng và tính mùa vụ của quý 1.

Mức tăng trong thu ngân sách (10%) thấp hơn mức tăng trong chi tiêu (12%) một phần bởi hụt thu từ xăng dầu. Theo Bộ Tài chính, mức hụt thu trong xăng dầu quý 1 khoảng hơn 9.000 tỉ đồng so cùng kỳ 2014 (giảm 36% so với năm 2014) do giá bình quân chỉ đạt 58 USD/thùng so với giá 100 USD/thùng trong dự toán ngân sách.

Theo tính toán của VEPR, nếu các yếu tố khác không đổi, giá dầu thô ở mức 60USD/thùng sẽ khiến ngân sách thâm hụt 45 nghìn tỷ đồng; chiếm khoảng 6-6,5% GDP.

Tốc độ cải thiện thu ngân sách trong 3 quý còn lại sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động sản xuất khi sức mua có sự điều chỉnh. Trong ngắn hạn, phần tăng thu ngân sách do hoạt động kinh tế gia tăng sẽ chưa bù đắp được phần giảm thu do giá năng lượng thấp.

3 giả định cho Chính phủ

Trường hợp Chính phủ chọn phương án bù đắp ngân sách bằng tăng thuế và phí trong khi không tăng cường tiết chế chi thường xuyên, báo cáo cho rằng “sẽ gây hiệu quả tiêu cực tới tiêu dùng nếu người dân tiếp tục kỳ vọng thuế và phí tăng và sẽ tăng cường tiết kiệm thay vì chi tiêu”.

Trước tình thế này, VEPR đưa ra 3 giả định lựa chọn cho Chính phủ.

Một là, tình thế này có thể buộc Chính phủ giảm chi đầu tư để kìm hãm thâm hụt ngân sách như năm 2014 nhưng có thể phải hi sinh tăng trưởng trung hạn.

Hai là, tăng xuất khẩu hàng thô sơ chế nhưng chấp nhận thiệt về giá (như dầu thô hay quặng kim loại).

Ba là, chấp nhận thâm hụt và tăng vay mượn. “Điều sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường vốn”, báo cáo nhận định.

Đồng thời, VEPR cũng đưa ra dự báo: Với các giới hạn hiện tại, nền kinh tế khó có thể hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, do đó thay vì theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá, các chính sách cần tạo ra môi trường vĩ mô lành mạnh và thể chế kinh tế hòa hợp cho tầm nhìn dài hạn.

“Các rủi ro và bất cân đối vĩ mô có thể tích luỹ trong giai đoạn tăng trưởng cao và dễ bị bỏ qua, sự lạc quan thái quá sẽ định hướng chính sách thiếu hợp lý. Nhà điều hành cần tiên liệu trước các rủi ro này và duy trì sự thận trọng cần thiết. Với tài khoá, giảm chi thường xuyên qua tinh giản biên chế là nhiệm vụ ưu tiên để hạn chế thâm hụt ngân sách, trong khi hạn chế điều chỉnh các loại thuế và phí để nuôi dưỡng sức tiêu dùng và sản xuất” – báo cáo cho hay.

>> 4 tháng đầu năm: Bội chi ngân sách nhà nước hơn 48.000 tỷ đồng

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM