Mua ngân hàng 0 đồng ”không gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước”

02/11/2015 09:59 AM |

Dù không được đề cập nhiều trong báo cáo của Chính phủ, song nỗi lo về việc Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua một số ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng lại là vấn đề rất được quan tâm tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.

Nỗi lo đó bắt nguồn từ phân tích cho rằng, khi mua với giá 0 đồng thì Ngân hàng Nhà nước phải gánh toàn bộ các khoản nợ không hề nhỏ của các ngân hàng này, và nếu không trả được thì ngân sách Nhà nước sẽ phải chịu toàn bộ số tiền đó.

Nhưng, theo khẳng định tại văn bản vừa được Thống đốc Nguyễn Văn Bình gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, quá trình tái cơ cấu 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng sẽ không sử dụng tiền của ngân sách Nhà nước.

Ông Bình giải thích, về chủ trương, Bộ Chính trị và Chính phủ đã thống nhất quan điểm: trong giai đoạn hiện nay, chưa áp dụng phá sản tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Phá sản để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại yếu kém là giải pháp cuối cùng, khi không còn giải pháp xử lý khác khả thi hơn.

Thông tin cụ thể hơn là đối với 3 ngân hàng thương mại vừa được Ngân hàng Nhà nước mua lại, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định Vietcombank quản trị, điều hành Ngân hàng Xây dựng và Viettinbank quản trị, điều hành Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu.

Hiện nay, VietinBank và Vietcombank đều là những ngân hàng có tiềm lực tài chính, quy mô hoạt động lớn, tình hình hoạt động kinh doanh ổn định, năng lực quản trị điều hành khá tốt và khẳng định vị thế quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, Thống đốc trình bày.

Liên quan đến nguồn lực - vấn đề đã được một số vị đại biểu nêu tại nghị trường, Thống đốc giải thích, Ngân hàng Nhà nước mua ngân hàng 0 đồng tức là không phải bỏ tiền ra mua ngân hàng. Theo quy định của pháp luật, các khoản cho vay đặc biệt đối với ngân hàng được mua lại đến nay được ưu tiên hoàn trả so với các khoản nợ khác của ngân hàng. Do đó, về thiệt hại kinh tế đối với Ngân hàng Nhà nước là hầu như không có.

Hiện nay, vốn điều lệ của các ngân hàng được mua lại không còn do thua lỗ, nhưng với các giải pháp mạnh mẽ về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản và mở rộng hoạt động kinh doanh mới nhờ Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng được mua lại, thì vốn điều lệ của ngân hàng sẽ từng bước được khôi phục, Thống đốc nhìn nhận.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng nói thêm, các quan hệ kinh tế, tài chính giữa Vietinbank, Vietcombank với 3 ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu và Đại Dương là quan hệ dân sự bình thường giữa hai pháp nhân độc lập, và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Vietinbank, Vietcombank không phải gánh chịu các chi phí, tổn thất và không phải cấp vốn đối với 3 ngân hàng được mua lại, ngoài việc cử người tham gia quản trị, điều hành tại ngân hàng mua lại. Các khoản hỗ trợ vốn của Ngân hàng Nhà nước cho ngân hàng được mua lại là quan hệ tín dụng và ngân hàng mua lại có nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Kết thúc báo cáo, Thống đốc in nghiêng các dòng sau: "Như vậy, biện pháp mua lại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng được Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan triển khai theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; không sử dụng tiền của ngân sách Nhà nước; không gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại Nhà nước được chỉ định tham gia quản trị, điều hành.

Đặc biệt là, việc mua lại và tiếp quản các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém trong thời gian qua đã góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ và củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng và các chủ trương, biện pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng".

Theo Nguyên Vũ

Cùng chuyên mục
XEM