Mua ngân hàng 0 đồng để rồi làm gì?

27/10/2015 08:32 AM |

“Sở dĩ mua với giá 0 đồng vì những ngân hàng này nợ mất vốn, vượt quá nhiều lần vốn tự có. Có thể nói các ông chủ ngân hàng đang hằng ngày, hằng giờ ăn vào tiền gửi của dân...", TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua lại cổ phần của 3 tổ chức tín dụng là: NHTMCP Xây dựng (VNCB), NHTMCP Đại Dương (Ocenbank), NHTMCP Dầu khí toàn cầu (GP.Bank). Chính vì thế có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ nhưng cũng có ý kiến băn khoăn: Tại sao các ngân hàng yếu kém này được mua với giá 0 đồng? Tại sao lại đưa ra giải pháp này? cơ sở pháp lý ở đâu? NHNN có phải bỏ tiền ra không?

Theo quy định để một NHTM hoạt động buộc phải có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Vậy nguồn tiền này lấy ở đâu? Nếu lấy từ ngân sách Nhà nước thì cơ chế giám sát, hiệu quả sử dụng như thế nào?

Chấm dứt tình trạng chây ì, mặc cả

Tại buổi tọa đàm “Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập (WTO, TPP, AEC)” diễn ra chiều ngày 26/10, do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh đánh giá “Tái cấu trúc ngân hàng là một trong những chương trình tái cấu trúc cam go nhất, có thể nói xương máu, nước mắt và cả tù tội”.

Đánh giá về việc mua 0 đồng ngân hàng thương mại, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, theo Khung pháp lý quan trọng nhất tại Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước có quy định “Ngân hàng Nhà nước có quyền trực tiếp hoặc chỉ định Tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ phần của Tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt trong trường hợp chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện tăng vốn”.

Ngoài ra Điều 149 Luật Tổ chức tín dụng, Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về hướng dẫn mua bán- sáp nhập, Quyết định 225 về Bổ sung các biện pháp tái cơ cấu ngân hàng đều có quy định về vấn đề này.

“Sở dĩ mua với giá 0 đồng vì những ngân hàng này nợ mất vốn, vượt quá nhiều lần vốn tự có. Có thể nói các ông chủ đang hằng ngày, hằng giờ ăn vào tiền gửi của dân. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, thông tin lọt ra bên ngoài thì người ta sẽ rút tiền ồ ạt, không ai tha thứ cho những ngân hàng này”, ông Nghĩa nói.

“Theo đánh giá của tôi, việc mua ngân hàng với giá 0 đồng là một hành động đầy sáng tạo. Khi tôi làm cố vấn cho một số NHTM tôi biết những ngân hàng này rất yếu kém nhưng chây ì trong tái cấu trúc. Họ luôn cho rằng tài sản bất động sản mà họ có là có giá trị lớn, toàn là vàng ròng cho nên họ không muốn bán lại cho ai mà chỉ muốn rút ruột tiền gửi của ngân hàng để bù đắp vào khoản nợ bằng nhiều hình thức khác nhau. Tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng, họ càng lún sâu vào hố nợ nần. Chính vì thế chúng ta phải có quyết định nhanh chóng, chấm dứt mặc cả, chây ì này”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội, TS. Trần Du Lịch
Đại biểu Quốc hội, TS. Trần Du Lịch

Phát biểu tại tọa đàm, Đại biểu Quốc hội TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng cả thế giới và chúng ta đều giống nhau, việc mua 3 ngân hàng thương mại phải đặt trong nguyên tắc NHNN là ngân hàng mẹ, mà “con dại cái mang”- NHNN phải có trách nhiệm, phải lo chuyện này.

Bên cạnh đó, Ngân hàng muốn phá sản không đơn giản bởi nó kinh doanh từ tiền người khác nên Nhà nước phải bảo vệ. Hơn nữa ở các nước cũng chỉ có các ngân hàng nhỏ mới bị phá sản, còn khi các ngân hàng lớn chết, có thể ảnh hưởng đến hệ thống thì không ai để đổ vỡ.

PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp cũng cho biết, qua đánh giá của các chuyên gia độc lập, các ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng giá trị của họ bằng âm, nếu mua cũng chỉ mua với giá thấp nhất là bằng 0.

“Đây cũng là đặc thù của Việt Nam. Nước ngoài cho rằng những trường hợp này cho phá sản chứ Nhà nước không ôm, nhưng chúng ta không thể để phá sản được. Đây không phải là dân sự thông thường nên trong trường hợp này Nhà nước phải đứng ra giải quyết”, ông Thảo cho biết.

Ngân hàng Nhà nước không mất xu nào

Về câu hỏi NHNN có phải bỏ tiền ra không? TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định “NHNN không phải bỏ ra xu nào” vì khi NHNN nhảy vào kiểm soát toàn bộ hoạt động, dân chúng vẫn tin tưởng gửi tiền nên phục hồi được tiền gửi. NHNN có thể đề nghị vay từ các ngân hàng khác để đảm bảo thanh khoản. Bên cạnh đó trong một số thời điểm nhất định có thể vay tái cấp vốn đặc biệt từ NHNN (khoản này được ưu tiên thanh toán).

Theo ông, đây là cách kết thúc nhanh chóng chây ì, mặc cả, tìm cách kéo dài hoặc tiếp tục tìm cách rút vốn ngân hàng dẫn đến người gửi tiền rút vốn ồ ạt- đổ bể. Trên nền tảng đó chấn chỉnh nhanh kỷ luật thị trường và lòng tin người gửi tiền.

Ba ngân hàng Nhà nước mua không đồng đều vi phạm nghiêm trọng luật pháp và xử lý hình sự. Việc kết hợp vừa mua không đồng vừa xử lý sở hữu chéo, lũng đoạn, hiệu quả nhất, nhanh nhất mà không gây xáo trộn, đổ bể hệ thống.

Đồng quan điểm, TS.Trần Du Lịch cũng cho biết: “Ba ngân hàng vừa rồi nếu để ông nào chết thì cả hệ thống cũng phải coi chừng nên chúng ta đừng bàn đến việc phá sản. Hơn nữa chúng ta xử lý bằng cơ chế chứ không xử lý bằng tiền. Nếu mà xử lý bằng tiền thì các đại biểu quốc hội, hay cả bản thân tôi cũng lắc đầu. VAMC cũng là cơ chế, việc mua 3 ngân hàng này cũng là cơ chế chứ không phải là tiền”.

“Trong điều kiện ngân hàng âm vốn không có ai đủ uy tín đứng ra mua ngoại trừ ngân hàng trung ương. Mà tôi tin rằng NHNN mua bằng cơ chế, quyền, uy tín của mình chứ không phải mất tiền để trả nợ thay”, TS. Lịch nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng cho rằng với bất kỳ quốc gia nào, hoạt động của hệ thống ngân hàng luôn là huyết mạch của nền kinh tế. Việc NHNN mua lại ngân hàng yếu kém rơi vào diện kiểm soát đặc biệt là giải pháp phù hợp trong điều kiện hiện nay

“Chúng tôi rất chia sẻ với cổ đông của các tổ chức tín dụng khi bị ảnh hưởng quyền lợi do ngân hàng mà họ có cổ phần rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt và phải bán bắt buộc. Rủi ro trong đầu tư là điều không ai mong muốn nhưng nó cũng thể hiện sự công bằng, thẩm quyền phải đi đôi với trách nhiệm. Họ phải chịu trách nhiệm vì để ngân hàng làm ăn kém hiệu quả”, bà Nga nói.

Bên cạnh đó, bà Nga cho rằng biện pháp mua bắt buộc chỉ là biện pháp tạm thời trước mắt, cần phải tiến tới triển khai thủ tục phá sản tổ chức tín dụng.

“Nếu đã cho ra đời thì cũng có thể cho phá sản một cách công bằng theo quy luật kinh tế thị trường. Phá sản cũng là một bài học tốt cho cả ngân hàng lẫn người gửi tiền. Một biện pháp hữu hiệu chống lại thói ỉ lại, làm liều của cả hai bên”, bà Nga khuyến nghị.

Theo Diệu Thùy

Cùng chuyên mục
XEM