'Một số mục tiêu trong kế hoạch 5 năm sẽ không thể thực hiện được'

23/09/2013 15:20 PM |

Chỉ tiêu tăng trưởng GDP trung bình là 7%. Để đạt mức này, hai năm tới chúng ta phải tăng trưởng khoảng 9%. Một con số không tưởng.

Sáng ngày 23/09, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức hội thảo “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015 và những điều chỉnh chiến lược”. Đánh giá tình hình phát triển kinh tế giai đoạn 2011 – 2013, một số ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam không những tăng trưởng chậm mà tốc độ cũng ngày càng giảm.

Suy giảm

Tổng kết 1/2 kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm dài nhất, lạm phát ở mức cao, tổng vốn đầu tư liên tục giảm và những rủi ro lớn từ khối Doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Trong 3 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm dài nhất. Nhìn vào đồ thị tăng trưởng, nền kinh tế Việt Nam vẫn lình xình ở mức dưới 6%/năm. Báo cáo ước tính, tốc độ trung bình 2011 – 2015 sẽ đạt dưới 6%, thấp hơn 1% so với kế hoạch.

Nếu so sánh tốc độ tăng trưởng của nước ta với các quốc gia trong khu vực, chỉ có Việt Nam, Thái Lan, Singapore có tốc độ tăng trưởng chậm hơn sau khủng hoảng. 

“Việc tăng trưởng thấp hơn trong 3 năm qua có thể gây mối lo tụt hậu của nền kinh tế”, ông Trần Thọ Đạt, hiệu phó Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.

Về lạm phát, tương tự tăng trưởng, chỉ tiêu lạm phát cũng được điều chỉnh nhiều lần. Dự kiến, lạm phát trung bình 5 năm sẽ cao hơn so với mục tiêu. So sánh với các nước trong khu vực, lạm phát Việt Nam cũng cao và biến động lớn hơn nhiều.

Tổng vốn đầu tư giảm rất nhanh. Trong giai đoạn 2006 – 2010, vốn đầu tư xã hội/GDP thực tế là 42,7% thì trong những năm tiếp theo, tỷ trọng này đã giảm mạnh xuống còn 30,5% trong năm 2012.
Riêng cán cân thương mại, xuất khẩu là 1 điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế trong 3 năm qua. Trong khi đó, nhập khẩu giảm tốc do nhu cầu giảm. Năm 2012 nền kinh tế đã xuất siêu, giúp cải thiện cán cân thương mại.

Tuy nhiên, yếu tố trên được báo cáo đánh giá là không bền vững, nó chủ yếu xuất phát từ yếu tố giá, còn đóng góp vào chuỗi giá trị không được cải thiện đáng kể.

Về nợ công, trong 2 năm 2011 và 2012, mức thâm hụt ngân sách có giảm, đạt mục tiêu đề ra những vẫn ở mức cao. Tỉ lệ tổng thu/GDP còn cao so với khu vực. Tỉ lệ này đang cao hơn 1,2 lần con số tương đối của Trung Quốc và Thái Lan; 1,5 lần so với Indonesia và Phillipines.

Nguyên nhân chủ yếu là do tổng chi của Việt Nam quá cao. Theo thống kê của IMF, tổng chi của Việt Nam đang chiếm khoảng 31% tổng thu ngân sách. Tuy nhiên, rủi ro tiềm tàng lớn nhất của Việt Nam không phải là những con số được ghi nhận trên sổ sách, mà đó là những khoản nợ xấu của các Doanh nghiệp nhà nước.

“Nếu tính tất cả các khoản nợ xấu của DNNN không được chính phủ bảo lãnh, nợ công Việt Nam có thể lên tới 95%, vượt xa ngưỡng an toàn 60%. Đây mới là mối nguy lớn với chính phủ”, ông Đạt nhận định.

Đánh giá triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, bản báo cáo đánh giá, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 5,1 – 5,5% trong những năm tới. Tăng trưởng duy trì ở mức thấp do Việt Nam sẽ mất thời gian để tái cơ cấu. Trong khi đó, lạm phát có thể duy trì vững ở mức 7% nếu chính phủ duy trì tình trạng ổn định kinh tế vĩ mô. Các yếu tố khác như xuất khẩu, nợ công, sẽ duy trì ở mức như hiện nay chứ không có đột phá.

So sánh chỉ tiêu: Không tưởng

Theo bản báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 của GS. Trần Thọ Đạt từ ĐH Kinh tế Quốc dân, mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 theo Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc khóa XI sẽ không thể thực hiện được. Bởi sau nửa thời gian, kết quả thực hiện vẫn quá thấp. Một số chỉ tiêu quá xa vời thực tế. Chẳng hạn, nghị quyết đề ra tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam trong giai đoạn này là 7%. Để đạt mức này, trong 2 năm còn lại, chúng ta phải tăng trưởng khoảng 9% để bù đắp lại những năm trước. Một con số không tưởng. 

Có nhiều mục tiêu sẽ phải sớm điều chỉnh lùi lại 15 đến 20 năm nữa. Chẳng hạn, với định hướng đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiêp theo hướng hiện đại, ông Đạt nhận định, đây là chỉ tiêu quá xa vời.
 
"Dù không đưa ra chi tiếu cụ thể để lượng hóa, nhưng đơn giản nhất là dựa vào thu nhập bình quân đầu người. Hiện tại GDP Việt Nam là 1.800 USD/người. Đến năm 2020 ước đạt 4.000 USD/người, vẫn còn quá thấp so với mức 10.000 USD"

Yếu tố chính khiến các chỉ tiêu và kết quả khác nhau một trời một vực là do kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 được xây dựng không bắt kịp tình hình thực tế, không đánh giá đúng những khó khăn mà nước ta đang gặp phải.

Vị chuyên gia nhận định, Việt Nam phải chấp nhận mức tăng trưởng vừa phải thậm chí là thấp trong vài năm tới, ít nhất là hết năm 2015. Nền kinh tế cần kiên trì thực hiện các chính sách trọng cung, bao gồm việc cắt giảm chi tiêu công, giảm các loại thuế phí, giảm tỉ trọng của DNNN trong cơ cấu nền kinh tế,...  

"Những chính sách này cần thời gian để phát huy hiệu quả, nhưng nó mang lại cái lợi lớn hơn so với các gói kích cầu (trọng cầu), vì giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại mà không đi kèm với lạm phát."

Trần Dũng

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM