Một năm buồn của cà phê Việt Nam

11/12/2015 08:41 AM |

2015 được nhận định là một năm buồn của ngành cà phê Việt Nam khi xuất khẩu sụt giảm mạnh cả về lượng và giá.

Tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ cà phê 2015-2016 do Vicofa tổ chức chiều nay (10-12), tại Hà Nội, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch thường trực Vicofa cho biết: Niên vụ 2014-2015 là niên vụ đầy biến động khi giá cà phê lên xuống liên tục.

Giá “lao dốc”

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa): Trong niên vụ 2014-2015, xuất khẩu cà phê đạt 1,25 triệu tấn với kim ngạch 2,6 triệu USD, giảm 21,9% về lượng và hơn 20% về giá trị so với niên vụ trước.

thị trường nội địa, đầu vụ giá ở mức cao nhưng sau đó đi xuống nhanh chóng. Từ tháng 3 mức giá cà phê nội địa trung bình khoảng 38 triệu đồng/tấn. Sang tháng 7 giá cà phê nội địa trung bình chỉ còn 36,6 triệu đồng/tấn. Tháng 9 là tháng cuối vụ nhưng giá bán cà phê không tăng mà còn rớt thảm hại, trung bình chỉ còn 35,4 triệu đồng/tấn.

Đối với xuất khẩu, giá cà phê nhân giảm liên tiếp do biến động của thời tiết, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đồng USD mạnh lên, các nước xuất khẩu cà phê phá giá đồng tiền và nhiều thông tin bất lợi làm giá cả thị trường lên xuống thất thường.

Hiện nay, giá xuất khẩu chỉ còn 1.800 USD/tấn so với thời điểm cao điểm là 2.100-2.200 USD/tấn của vụ trước, giảm 300-400 USD/tấn.

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, một trong những nguyên nhân khiến giá cà phê giảm mạnh là bởi trong cà phê xuất khẩu của Việt Nam dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn khá nhiều. Tập quán canh tác hiện nay của bà con nông dân làm giảm chất lượng cà phê.

“Thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm trong cà phê chưa kiểm soát được, có làm nhưng chưa đến nơi đến chốn. Điều này làm tổn hại đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thậm chí làm mất thương hiệu cà phê của một số doanh nghiệp”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tập trung nâng chất lượng

Vicofa dự báo, niên vụ 2015-2016, lượng cà phê xuất khẩu sẽ thấp hơn niên vụ vừa qua, đạt khoảng trên dưới 1,2 triệu tấn. Đó là bởi diện tích cà phê không tăng lên, thậm chí còn có chiều hướng giảm đi.

Hiện nay, diện tích cà phê chỉ còn khoảng 600.000 ha. Ông Nam Hải nhận định, với giá cả như hiện nay người nông dân tại tất cả các tỉnh có đất trồng cây lâu năm ở khu vực Tây Nguyên đều có xu hướng chuyển dần diện tích trồng cà phê sang trồng hồ tiêu vì hồ tiêu được giá.

Để phát triển cà phê bền vững hơn trong tương lai và giải quyết bài toán giá cả trước mắt, ông Trần Việt Hùng cho rằng, cần tập trung giải quyết từ khâu nhận thức đến tổ chức sản xuất để từng bước nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam, đặc biệt là thay đổi tập quán canh tác một cách triệt để.

Xung quanh vấn đề này, đại diện Viện Khoa học kỹ thuật Tây Nguyên cho rằng, trước mắt với những diện tích trồng cà phê kém hiệu quả, cơ quan quản lý Nhà nước nên định hướng để người nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp; đa dạng hóa cây trồng như trồng xen cà phê với hồ tiêu, bơ, sầu riêng tùy thuộc điều kiện chứ không nên chỉ độc canh cây cà phê.

Đặc biệt, các đơn vị quản lý phải định hướng để bà con nông dân chú ý thay đổi cách sử dụng phân bón, chỉ bón vừa đủ để đạt được năng suất cà phê như mong muốn. Trên thực tế, hiện người nông dân đang bón thừa phân khoảng 2,5-3 triệu đồng/ha, gây lãng phí làm tăng chi phí đầu tư, tăng giá thành.

“Ở một góc độ khác, hiện nay ở các địa phương trồng diện tích cà phê lớn, các doanh nghiệp FDI chiếm tới 70-80%. Những doanh nghiệp này khá sát sao trong vấn đề sản xuất, chế biến cà phê, thậm chí còn đi tới từng hộ nông dân để sát sao khâu tổ chức sản xuất. Do đó, trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự tính toán và những hành động thiết thực nhằm tăng tính cạnh tranh, chứ nếu cứ giữ đà phát triển như hiện tại thì tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đi làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài sẽ không còn xa”, ông Hùng nói.

Trong niên vụ 2015-2016, Vicofa sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đàm phán mở cửa thị trường cà phê chế biến, giảm thuế nhập khầu sản phẩm cà phê chế biến tạo điều kiện tăng đầu tư vào chế biến rang xay và cà phê hòa tan trong nước và xuất khẩu; đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Qũy phát triển cà phê Việt Nam.

Theo Thanh Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM