“Mở toang” chính sách hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp

14/07/2015 09:32 AM |

Dự thảo Nghị định các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp đưa ra nhiều ưu đãi lớn…

Để tăng thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) đang xây dựng Nghị định với nhiều chính sách ưu đãi, tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tại buổi Họp tham vấn xây dựng Nghị định các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn diễn ra ngày 13/7, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: Bộ NNPTNT muốn lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, để từ đó xây dựng những cơ chế chính sách thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp FDI

Một số liệu mà Bộ NNPTNT đưa ra: hiện chỉ có khoảng hơn 1% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được đầu tư vào lĩnh vực này. Tại sao lại như vậy?

Theo ông Flavio Corsin, Giám đốc của IDH Sustainable Trade Việt Nam, một tổ chức chuyên phát triển các chương trình trồng trọt, cho hay một trong những nguyên nhân mà doanh nghiệp FDI vẫn chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp là họ vẫn chưa được đối xử công bằng như các doanh nghiệp trong nước. Đơn cử như việc doanh nghiệp FDI chưa được tham gia vào các hiệp hội ngành hàng để góp tiếng nói trong các vấn đề chính sách như các doanh nghiệp trong nước.

“Doanh nghiệp FDI không thể mua cà phê trực tiếp từ nông dân mà phải mua qua các đại lý và luôn bị chỉ trích là tận dụng và bóc lột sức lao động của nông dân” – ông Flavio Coursin bức xúc.

Còn đại diện của Công ty Nestle chỉ ra ngần ngại đầu tiên khi đầu tư vào nông nghiệp là đất đai. “Lập dự án rồi nhưng muốn có diện tích đất lớn rất khó vì đền bù, giải tỏa khó khăn, vướng không phải ở Luật Đầu tư mà ở Luật Đất đai”.

Còn phương thức ký hợp đồng với nông dân, đại diện của Công ty Nestle cho hay, nhà đầu tư nước ngoài không yên tâm vì nhiều nông dân vẫn phá vỡ hợp đồng.

Cùng chung vướng mắc về vấn đề đất đai, đại diện Công ty Syngenta Việt Nam cho biết: “Đầu tư nhà máy sản xuất không vấn đề gì, nhưng thuê đất sản xuất giống là một vấn đề. Mong ban soạn thảo có hướng giải pháp cho công ty nước ngoài thuê đất, có nguồn đất sạch cho công ty sản xuất giống tại Việt Nam”.

Những ưu đãi lớn

Theo luật sư Phạm Mạnh Dũng, Hãng luật Rajah&Tann LCT Lawyers, người trực tiếp tham gia quá trình soạn thảo dự thảo nghị định cho hay, nhiều năm qua chúng ta vẫn lấy chính sách ưu đãi trong công nghiệp áp dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Hiện vẫn chưa có chính sách phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nông nghiệp, chính sách tích tụ đất đai cho các doanh nghiệp FDI trong nông nghiệp.

Chính vì vậy, dự thảo Nghị định được soạn thảo với nguyên tắc chung nhất là ưu đãi không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc tiếp cận nguyên liệu, tài nguyên...

Bên cạnh đó, nhà nước có chính sách bảo lãnh thực hiện các dự án lớn; thực hiện chính sách thuê đất, chính sách tích tụ đất, chính sách hỗ trợ liên kết, hợp tác với từng hộ nông dân, cung cấp đất sạch cho dự án liên quan tới nông nghiệp, nông thôn khi có yêu cầu; khuyến khích xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu tập trung để thực hiện các dự án.

Một trong những nội dung mới mà Nghị định lần này đưa ra để đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI vào Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam do Bộ NNPTNT đề xuất là sẽ ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI vào nông nghiệp như chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong nước.

Cụ thể, sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI đầu tư trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản ở vùng đặc biệt khó khăn theo hướng miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo cho các dự án đặc biệt ưu đãi; miễn giảm tiền sử dụng đất (15 năm cho dự án ưu đãi); ưu đãi 20% thuế TNDN trong vòng 10 năm đối với doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Đặc biệt sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI trong đào tạo nghề và đầu tư hỗ trợ về hạ tầng xã hội, cánh đồng mẫu lớn...

Về các chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất và thuê đất, ban soạn thảo nghị định quy định sẽ áp dụng mức giá thấp nhất; miễn tiền thuê cho dự án đặc biệt ưu đãi; miễn tiền thuê 15 năm cho dự án ưu đãi cũng như miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho công nhân, đất trồng cây xanh và đất phục vụ phúc lợi cộng đồng...

Theo L.Thanh

Cùng chuyên mục
XEM