“Lương khủng” của lãnh đạo công ty xổ số kiến thiết do đâu?

14/01/2016 08:58 AM |

Dù kinh doanh độc quyền, ít rủi ro, mang mục đich "ích nước lợi nhà" nhưng lợi nhuận của ngành xổ số kiến thiết lại đang dùng để trả "lương khủng" cho lãnh đạo, nhân viên công ty.

Câu chuyện về mức “lương khủng” 730 triệu đồng/năm của lãnh đạo Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang và mức lương khá cao so với mặt bằng chung của lãnh đạo, nhân viên các công ty xổ số kiến thiết nói chung, đặc biệt khi so sánh với số tiền ít ỏi và nỗi cơ cực của những người bán vé số dạo, nhiều người không khỏi bức xúc và cảm thấy bất công.

Nguyên nhân gây nên sự “bất công” này do đâu? Chúng ta phải nhìn nhận đúng bản chất của việc này một cách chính xác chứ không chỉ là cảm quan nhận định sự chênh lệch lương thấp - lương cao.

Lợi thế của ngành kinh doanh độc quyền

Cho dù việc trả lương ở mức rất cao cho lãnh đạo các công ty xổ số kiến thiết là không vi phạm điều cấm của pháp luật hiện hành như phát biểu của lãnh đạo xổ số kiến thiết Tiền Giang, nhưng thực tế mức lương mà lãnh đạo, nhân viên các công ty xổ số đang hưởng quá cao so với khối lượng công việc mà họ thực hiện.

Nếu so mức lương này với thu nhập của những người bán vé số - kênh phân phối giúp tiêu thụ "hàng hóa" cho công ty xổ số - thì sự chênh lệch còn xa hơn.

Có sự chênh lệch quá lớn này chính là do thiếu các quy định điều chỉnh đặc thù đối với hoạt động kinh doanh xổ số.

Kinh doanh xổ số là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được Chính phủ quy định. Tuy nhiên, ngành này lại có những đặc thù riêng rất khác mà các quy định pháp luật chưa xem xét đến để điều chỉnh.

Có thể thấy xổ số kiến thiết vừa là chính sách xã hội vừa là nguồn thu ngân sách, đồng thời hoạt động khá đơn giản, chi phí đầu tư thấp (chủ yếu bao gồm hoạt động in ấn, phân phối, bộ máy quản lý và tổ chức trả thưởng).

Đặc biệt là tỉ lệ lợi nhuận của ngành kinh doanh này rất lớn (do tỉ lệ phần trích ra trao thưởng nhỏ so với tiền thu về) và hầu như không bao giờ lỗ.

Đồng thời, chi phí cho bộ máy quản lý cũng khá đơn giản so với các công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực khác (như năng lượng, cơ khí, khoáng sản…)

Bởi thực tế, vé số chủ yếu được phân phối trực tiếp đến tận tay người mua qua lực lượng người bán vé số dạo.

Người mua mua vé số một phần vì tâm lý may rủi, muốn tìm cơ hội để trúng thưởng, một phần vì đồng cảm, ủng hộ người bán chủ yếu là người già, trẻ nhỏ, khuyết tật.

Bên cạnh đó cũng có nhiều người mua vì suy nghĩ “xổ số kiến thiết” không “lợi nhà” thì “ích nước” - như lời quảng cáo trên tờ vé số về mục đích của việc phát hành vé số này.

Tuy nhiên, mục đích kinh doanh xổ số hiện nay không đúng với cái tên của nó - “xổ số kiến thiết”.

Thiếu quy định phân phối lợi nhuận kinh doanh xổ số

Quy định của pháp luật hiện nay không có bất kỳ quy định nào về tỉ lệ phân phối lợi nhuận của các công ty xổ số cho phát triển hạ tầng xã hội, các dự án vì cộng đồng, giáo dục, từ thiện, môi trường hay xác định về “mức độ đóng góp vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh và kết quả quản lý, điều hành của viên chức quản lý”.

Việc trả lương, thưởng cho lãnh đạo, nhân viên công ty xổ số kiến thiết được thực hiện theo quy định chung tại nghị định 51/2013/NĐ-CP về tiền lương, thù lao, tiền thưởng của viên chức quản lý công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu mà không có quy định riêng trong ngành nghề kinh doanh đặc thù như xổ số.

Kinh doanh xổ số về bản chất là việc người mua bỏ ra một khoản tiền để mua “cơ hội trúng thưởng”, không phải hoạt động trực tiếp tạo ra sản phẩm vật chất hay người mua được hưởng dịch vụ mà nhà sản xuất cung cấp.

Đồng thời, với các đặc thù riêng của ngành kinh doanh xổ số, có thể thấy việc thiếu các quy định pháp luật điều chỉnh cần thiết trong phân phối lợi nhuận kinh doanh của các công ty xổ số cho việc kiến thiết, phúc lợi xã hội chính là nguyên nhân của việc một bộ phận viên chức quản lý được nhận mức lương quá cao không tương xứng với công sức lao động, gây bức xúc trong dư luận.

Theo TRƯƠNG XUÂN TÁM - Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc

Cùng chuyên mục
XEM