"Loạn" thị trường vàng nhẫn

14/01/2015 08:18 AM |

​Khi mua vàng nhẫn trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, người tiêu dùng đã bị thiệt hại kép. Họ vừa lâm vào cảnh “mua đắt bán rẻ”, lại canh cánh nỗi lo mua phải hàng giả, kém chất lượng.

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nhiều người dân vẫn ưu tiên chọn vàng làm kênh tích trữ tài sản. Mặc dù vậy, từ khi giá vàng miếng trong nước ngày càng đắt hơn so với giá thế giới và chỉ có thương hiệu SJC mới được giao dịch rộng rãi trên thị trường, nhiều người đã chuyển sang mua vàng nhẫn.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Việt Nam cho biết, nhu cầu mua vàng nhẫn tròn trơn trong những năm gần đây đang có xu hướng tăng cao.

Lý giải cho việc ấm lên của phân khúc này, các doanh nghiệp đánh giá sản phẩm này đáp ứng được nhu cầu tích trữ nhỏ lẻ. "Đa phần người dân có thu nhập trung bình, khi giá vàng miếng tăng cao, họ không có điều kiện mua vàng miếng thì nhẫn tròn trơn là một lựa chọn phù hợp", chủ một đơn vị kinh doanh vàng lớn trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) chia sẻ.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Hoàng Lan (Cầu Giấy, Hà Nội), nhân viên kinh doanh tại một công ty sản xuất linh kiện ở cho biết, lương tháng trừ các khoản chi tiêu chị còn dư dôi 3-4 triệu đồng. Số tiền này chị thường mang đi mua vàng nhẫn tròn trơn để tích góp. "Vàng nhẫn giá rẻ hơn vàng miếng và vàng nhẫn có nhiều loại trọng lượng để lựa chọn nên lúc nào cũng có thể mua để tích trữ", chị cho biết.

“Nơm nớp” nỗi lo vàng “rởm”

Dù được ưa chuộng, việc mua bán chiếc nhẫn tròn trơn tại các cửa hàng vàng nhỏ lẻ lâu nay luôn gặp phải một trở ngại cố hữu đó là nguyên tắc mua ở đâu thì phải bán lại ở đó. Nếu mang sang nơi khác bán, khách hàng sẽ bị ép giá và phải chấp nhận bán lỗ cả triệu đồng/lượng.

Cô Hồng Trang, 56 tuổi, chủ một cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội có thói quen mua vàng nhẫn tích trữ từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, khi cửa hàng vàng vẫn hay mua đột nhiên đóng cửa, cô không biết đem bán chỗ nhẫn tích cóp ở đâu.

“Khi tôi mang vàng tới các cửa hàng khác để bán đều bị họ ép giá. Các chủ hiệu vàng này lý giải là nhẫn vàng tròn trơn không ép vỉ của các thương hiệu không uy tín, khi mua về họ phải đem nấu lại mất thêm công mà cân lại thường thiếu tuổi vàng, ...”, cô Trang cho biết.

Không chỉ lo bị ép giá, một vấn đề nữa khiến người tiêu dùng luôn lo “nơm nớp” khi mua vàng nhẫn đó là chẳng có gì bảo đảm họ sẽ không mua phải “vàng rởm”. “Vàng rởm” ở đây là từ được dùng để chỉ vàng không đủ bốn số chín (999.9) hay nói cách khác là tuổi vàng non hơn so với niêm yết trên sản phẩm.

“Vàng từ 999,5 trở lên 999,8 được xem là vàng đủ tuổi bốn số chín. Nhưng vàng từ 999,4 trở xuống là vàng thiếu tuổi”, PGS Phan Trường Thị, giám đốc Viện Đá quý – Trang sức Việt Nam cho biết.

Hiện tại, hầu hết các loại nhẫn vàng trôi nổi trên thị trường do các cơ sở kinh doanh tự sản xuất. Những cơ sở này thường nhỏ lẻ, không có đủ máy móc, công nghệ hiện đại, vì vậy không đo được chuẩn tuổi vàng, vàng thường bị pha tạp chất khác. Đặc biệt, một số cửa hàng còn tinh vi khi pha vào tạp chất mà chỉ có nung chảy ra mới có thể giám định được.

Như vậy, khi mua vàng nhẫn trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, người tiêu dùng đã bị thiệt hại kép. Họ vừa lâm vào cảnh “mua đắt bán rẻ”, lại canh cánh nỗi lo mua phải hàng giả, kém chất lượng.

Không nên quá lo sợ

Tuy còn nhiều bất cập, nhưng các chuyên gia về vàng vẫn khẳng định, vàng nhẫn cũng là một loại tài sản tích trữ an toàn không thua kém gì so với vàng miếng. “Miễn là nhẫn vàng đúng, đủ tuổi bốn số chín thì sẽ đảm bảo, không ảnh hưởng đến kinh tế của người dân”, ông Thị cho biết.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, để đảm bảo chất lượng vàng nhẫn, cách tốt nhất đó là người tiêu dùng nên chọn những thương hiệu bán uy tín.

Hiện tại, các doanh nghiệp lớn trên thị trường đều có sản phẩm vàng nhẫn của riêng mình như Bảo Tín Minh Châu, SJC, PNJ, … Để khách hàng an tâm và tránh cho sản phẩm của mình bị làm nhái, các thương hiệu này đều cho ép vỉ sản phẩm, đi cùng với đó là tem đảm bảo vàng (tem chống hàng giả), định lượng vàng rõ ràng, có logo nhà sản xuất dập trên sản phẩm, hóa đơn ghi rõ nơi bán,…

Sức mua lớn khiến các doanh nghiệp cũng chịu đầu tư hơn cho sản phẩm của mình khi áp dụng công nghệ ép vỉ mới và tung ra thương hiệu nhẫn tròn trơn riêng biệt.

Thời điểm cuối năm gắn liền với mùa cưới và dịp lễ Tết nên doanh số vàng nhẫn sẽ tăng mạnh. Theo thông lệ hàng năm, doanh số vàng nhẫn luôn tăng đột biến trong ngày vía Thần Tài.

Để tiện lợi cho khách hàng, một số doanh nghiệp còn chia sản phẩm ra thành nhiều loại bản vị khác nhau, chẳng hạn nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh châu có tới 6 bản vị từ nửa chỉ cho đến 10 chỉ nên người tiêu dùng rất dễ lựa chọn.

“Mục đích chính là làm sao để bất cứ ai cũng có thể mua vàng tích trữ, cho dù đó là người có thu nhập không cao, thậm chí kể cả học sinh, sinh viên”, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội cho biết.

>> Triệt phá sàn vàng HGI đã lừa nhà đầu tư 270 tỉ

Hoài Thu

Cùng chuyên mục
XEM