Liệu TPP có khiến châu Á trở nên bất ổn hơn?

27/10/2015 14:15 PM |

Các yếu tố địa chính trị cho thấy thực ra TPP không hứa hẹn sẽ mang đến ổn định khu vực như người ta vẫn kỳ vọng.

Đối với tất cả các thỏa thuận thương mại, bao giờ cũng sẽ có kẻ thắng người thua. Chính vì thế, cũng sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không nhận được sự ủng hộ của chính phủ tất cả 12 nước thành viên.

Thế nhưng nếu thỏa thuận thực sự được đi vào thực tế, theo nhiều ý kiến, nó sẽ giúp củng cố cho vai trò của Mỹ ở châu Á và đồng thời giúp đảm bảo ổn định ở một khu vực vốn đang tồn tại nhiều xung đột.

Hiện nay, giới chính trị gia Mỹ đang tranh cãi nhau gay gắt về lợi ích và tác hại của TPP. Những người ủng hộ TPP hẳn sẽ rất lo lắng khi biết rằng một trong những người phản đối TPP mạnh mẽ nhất là Thượng nghị sỹ Orrin Hatch kiêm chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện đầy quyền lực. Hiện chưa có yếu tố nào đảm bảo chắc chắn cho việc TPP sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua. Khi mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, các cuộc tranh cãi xung quanh TPP sẽ còn căng thẳng hơn nữa.

Thế nhưng trong nội bộ chính trường Mỹ, dù nhiều chính trị gia khác có cãi nhau về các lợi ích kinh tế nhưng chắc chắc họ không thể phản bác được quan điểm của Tổng thống Obama rằng TPP thực sự cần thiết trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang châu Á, đảm bảo cho mối quan hệ lâu dài của Mỹ với nhiều nước châu Á, khu vực có dân số đông và nền kinh tế năng động nhất hành tinh này.

Tuy nhiên, theo tác giả Shihoko Goto của The Diplomat, có nhiều lý do để lo ngại rằng hiệp định TPP sẽ có thể dẫn đến căng thẳng trong khu vực, và đặc biệt sẽ không chỉ giữa Washington và Bắc Kinh.

Vào đầu năm nay, khi Nhà trắng cố gắng thuyết phục Quốc hội Mỹ để thông qua quyền đàm phán nhanh, các chính trị gia đã nhấn mạnh vào việc nếu có TPP, nước Mỹ sẽ đứng đầu một thỏa thuận thương mại bao trùm khu vực đóng góp tới 40% tổng GDP toàn cầu trong khi Trung Quốc không được mời tham gia. Họ cũng đã lôi kéo cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ủng hộ TPP về phương diện quốc phòng.

Trong tất cả các thỏa thuận thương mại của thế giới cho đến nay, tầm quan trọng của an ninh và kinh tế được đánh giá ngang nhau và TPP cũng không phải ngoại lệ. Thế nhưng các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh vào khía cạnh an ninh của TPP từ lý do Trung Quốc bị loại ra ngoài TPP. Rõ ràng với các quan chức chính phủ Mỹ, TPP được coi như một bàn đạp để giúp Mỹ nắm thế tiên phong trước Trung Quốc trong việc viết nên các luật lệ thương mại trong tương lai.

Chính quyền Tổng thống Obama tin rằng TPP sẽ giúp Mỹ củng cố các mối quan hệ chiến lược với các đồng minh châu Á quan trọng bao gồm Nhật, Úc, New Zealand và Singapore, cùng lúc đó sẽ có thể tạo nên một đối trọng để kiềm chế ảnh hưởng và sự bành trướng của Trung Quốc, đó chính là mục tiêu phía sau việc mời gọi Việt Nam và Malaysia vào TPP.

Chính trị gia Mỹ kỳ vọng TPP sẽ không chỉ giúp cho mối quan hệ kinh tế giữa các nước thành viên trở nên chặt chẽ hơn mà còn có thể dẫn đến hợp tác về quân sự. Trước đây, sau khi Nhật và Úc ký thỏa thuận thương mại song phương, hai nước đã tiến đến ký các thỏa thuận về quân sự. Đồng thời, quan hệ của cả hai nước với Mỹ cũng được cải thiện. Giới chính trị gia Mỹ mong muốn điều tương tự sẽ đến sau TPP.

Ban đầu, khi ý tưởng TPP vẫn chỉ còn ở trong “trứng nước”, nhiều người đã tin rằng Hàn Quốc sẽ là một trong những nước đầu tiên gia nhập TPP bởi từ trước đó, Mỹ và Hàn Quốc đã ký thỏa thuận thương mại tự do (KORUS) vào tháng 3/2012. Với mối quan hệ ngoại giao đã có từ trước đó, Hàn Quốc được coi như ứng viên sáng giá của TPP bởi KORUS được đánh giá là tiêu chuẩn vàng cho các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, có một điểm quan trọng, thỏa thuận tự do thương mại Mỹ - Hàn không bao gồm thị trường gạo Hàn Quốc vốn rất nhạy cảm và được bảo hộ chặt chẽ.

Như vậy, chừng nào Hàn Quốc kiên quyết bảo vệ thị trường gạo, chắc chắn nước này không thể vào TPP bởi như vậy sẽ xung đột lợi ích với tất cả các nước thành viên, đặc biệt là Nhật bản. Nhật cũng từng rất cứng rắn bảo vệ thị trường gạo nhưng cuối cùng đã nhượng bộ.

Một yếu tố khác cũng có thể gây căng thẳng trong khu vực, đó là việc Đài Loan cũng đang mong muốn gia nhập TPP. Thế giới đang ứng xử với Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông theo chính sách “một Trung Quốc” tức là tất cả những chính sách đối với các lãnh thổ phải tùy thuộc vào sự chấp thuận từ phía Bắc Kinh.

Hiện tại, xuất khẩu đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế Đài Loan, vì thế Đài Loan rất muốn được vào TPP để tăng trưởng kinh tế hơn nữa. Đáng tiếc, với bối cảnh định hướng chính sách ngoại giao như hiện tại, Đài Loan sẽ phải đợi Trung Quốc nếu muốn vào TPP, cũng giống như vào năm 2001, Đài Loan đã phải đợi đến khi Trung Quốc cảm thấy sẵn sàng để gia nhập WTO thì Đài Loan mới có thể tiếp bước. Chắc chắn việc Đài Loan phải đứng ngoài TPP lần này cũng sẽ gây ra không ít căng thẳng.

Trên thực tế, TPP không phải thỏa thuận thương mại đa phương duy nhất hiện đang được xây dựng tại châu Á. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RECP) dưới sự khởi xướng của Trung Quốc với sự tham của 10 nước ASEAN, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Dù hiệp định này đang hứng chịu nhiều chỉ trích về việc đưa ra các tiêu chuẩn quá thấp, không đảm bảo cho sự phát triển bền vững; đó là chưa kể đến việc hiệp định đề ra quá nhiều mục tiêu không sát thực tế.

Thế nhưng dù khen chê thế nào, ít nhất đó là sáng kiến về một khu vực thương mại mà nước đứng đầu chính là Trung Quốc. Xét trên phương diện khác, RECP được coi như “đi trước” TPP bởi đã lôi kéo được cả những nước như Campuchia hay Myanmar vào tham gia hiệp định. Khi hiệp định RCEP thành hiện thực, nó sẽ ràng buộc trách nhiệm khiến các nước này phải thực hiện tốt hơn các quy định thương mại toàn cầu. Hơn nữa trong RCEP, khi cả Nhật và Hàn Quốc cùng giữ vị trí thành viên sáng lập, về lâu dài, căng thẳng giữa hai nước sẽ giảm bớt.

Tất nhiên, thời điểm này còn quá sớm để biết khi nào và liệu các nước thành viên TPP có phê chuẩn cho hiệp định này hay không. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu các nước lớn của châu Á tự ngồi lại với nhau và lập nên khu vực thương mại tự do của riêng họ mà không cần đến Mỹ.

Tác giả Shihoko Goto là chuyên gia chính trị khu vực Đông Bắc Á thuộc trung tâm học giả châu Á của Trung tâm nghiên cứu quốc tế Woodrow Wilson ở Washington DC, Mỹ.

Thùy Dung

Cùng chuyên mục
XEM