Liệu có 'bàn tay bí mật' thao túng thị trường dầu mỏ toàn cầu?

14/11/2014 14:16 PM |

Sự sụt giảm liên tiếp của giá dầu mỏ thế giới thời gian qua đã đặt ra nhiều câu hỏi về những "bàn tay bí mật" đang thao túng thị trường bởi giá dầu mỏ có những tác động địa chính trị rất lớn tới cục diện thế giới.

Phải chăng đây chỉ là quy luật kinh tế đơn thuần hay Hoa Kỳ và các đồng minh đang thao túng thị trường nhằm làm suy yếu các đối thủ như Nga, Iran và Venezuela? Tạp chí "Chính trị Thế giới" (Hoa Kỳ) đăng bài viết nhận định về vấn đề này như sau:

Dầu mỏ chiếm một vị trí đặc biệt trong thương mại quốc tế và sự hiểu biết của công chúng. Không có hàng hóa nào có quyền lực chính trị, chiến lược và chiến thuật giống như xăng dầu.

Kể từ khi nó trở thành nhiên liệu chính của thế giới cách đây gần hai thế kỷ, dầu mỏ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình các sự kiện trên thế giới, châm ngòi cho các biện pháp cấm vận thương mại và các cuộc chiến tranh thuộc địa, hình thành cũng như phá vỡ các liên minh chính trị và luôn mang lại một sự biện minh, thực sự hay ảo tưởng, cho các cuộc xung đột quốc tế.

Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi sự sụt giảm mạnh gần đây của giá dầu thế giới đã tạo ra một loạt học thuyết âm mưu. Những đồn đoán về "nguyên nhân thực sự" của sự sụt giảm này đã xuất hiện được một thời gian, nhưng nó bước vào lĩnh vực phân tích nghiêm túc kể từ khi nhà báo nổi tiếng Thomas Friedman của tờ "Thời báo New York" (Hoa Kỳ) đưa ra một giả thuyết về các thủ đoạn bí mật có thể giúp thao túng các thị trường.

Ông Thomas Friedman viết: "Người ta không thể nói chắc chắn rằng liệu liên minh dầu khí Hoa Kỳ-Saudi Arabia có phải là một sự cố ý hay chỉ là trùng hợp lợi ích ngẫu nhiên. Nhưng nếu đó không phải là một sự suy luận thì rõ ràng những gì chúng ta đang cố làm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Lãnh tụ tối cao của Iran, giáo chủ Ali Khomenei, chính là những gì người Hoa Kỳ và người Saudi Arabia đã làm đối với các nhà lãnh đạo trước đây của Liên Xô: Bơm dầu dồn họ đến chỗ chết".

Ý của Friedman là Washington và Riyadh đã hợp tác với nhau tạo ra "cơn lũ dầu trên thị trường" nhằm gây sức ép giảm giá dầu mỏ khiến cho Moskva và Tehran sẽ sớm cạn tiền. 

Đây là một giả thuyết thú vị, và nó không phải là giả thuyết mà chúng ta có thể thẳng thừng bác bỏ. Nhưng cũng có những cách lý giải khác hợp lý hơn về những gì đang diễn ra. Trong số đó, một lý giải ít huyền bí hơn và có vẻ đáng tin hơn là do thừa nguồn cung trong khi nhu cầu lại sụt giảm, và kết quả là giá dầu mỏ thấp hơn.

Ngoài ra, có những lý giải khác, trong đó có lý giải ngược hoàn toàn với quan điểm của Thomas Friedman. Đó là thay vì là quốc gia chủ mưu, Hoa Kỳ có thể là mục tiêu của những biến động trên thị trường dầu mỏ vừa qua, và trở thành một nạn nhân có chủ đích.

Sản xuất dầu mỏ đang phát triển nhanh của Hoa Kỳ, được thúc đẩy bằng việc gia tăng sản xuất dầu đá phiến, đang tạo ra một nguy cơ mà Saudi Arabia có thể cho rằng đó là một mối đe dọa hiện hữu đối với sự sống còn của chế độ này. Thay vì lo lắng về Nga, Saudi Arabia có thể đang tìm cách kéo giá dầu mỏ xuống thấp tới mức mà sản xuất dầu mỏ của Hoa Kỳ không mang lại lợi nhuận và phải từ bỏ, từ đó bảo tồn được sự thống trị của Saudi Arabia trên các thị trường dầu mỏ.

Các nhà quan sát theo thuyết âm mưu ngay lập tức chỉ ra những tác động mạnh mẽ của sự sụt giảm giá dầu theo chiều thẳng đứng trong những tháng vừa qua - giảm 25% kể từ tháng 6/2014 - để minh chứng cho lập luận của mình. Điều đáng lưu ý ở đây là các quốc gia bị tác động mạnh nhất là những quốc gia do các chính quyền chống Hoa Kỳ điều hành, chẳng hạn như Nga, Iran và Venezuela. Tuy nhiên, kinh tế học cơ bản của thị trường dầu mỏ và nền kinh tế toàn cầu có thể dễ dàng lý giải cho sự sụt giảm mạnh này.

Về phía nguồn cung, hai bước phát triển quan trọng đã được hình thành. Trước hết, công nghệ mới đã khiến việc trích xuất dầu từ các vùng nước sâu trước đây chưa từng nghĩ tới trở thành việc hoàn toàn có thể. Bước phát triển thứ hai trước đây không được tính tới là Hoa Kỳ - một con nghiện dầu mỏ - đã trở thành quốc gia có thể tự cung tự cấp về năng lượng.

Bất chấp những lời thề trang trọng, Hoa Kỳ vẫn không thể dứt cơn nghiện dầu mỏ. Nhưng thay vào đó, Hoa Kỳ đã tìm được cách để thỏa mãn ham muốn của mình. Nhập khẩu dầu của Hoa Kỳ giảm từ từ nhưng vững chắc. Tháng 11/2013, lượng dầu mỏ Hoa Kỳ sản xuất đã lớn hơn lượng dầu mỏ nước này nhập khẩu. Dự kiến, Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới vào năm 2016, và hoàn toàn tự chủ về năng lượng vào cuối thập kỷ này.

Có một thời gian mà nhu cầu dầu mỏ giảm tại Hoa Kỳ không đe dọa nhiều tới thị trường bởi Trung Quốc đã thế chỗ trở thành một nhà tiêu thụ mới luôn "thèm ăn". Nhưng có thể điều đó giờ đây đang thay đổi, và nó giúp lý giải tại sao các thị trường dầu mỏ bất ngờ trở nên lạnh lẽo.

Nền kinh tế Trung Quốc, vốn là nền kinh tế mang lại sự thúc đẩy mạnh mẽ giá nguyên liệu thô trên khắp thế giới, đang có mức tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng đã giảm từ mức bình quân hai con số của các thập kỷ gần đây và nhiều nhà phân tích cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ trải qua sự sụt giảm mạnh và kéo dài trong những năm tới.

Theo dự báo của "Conference Board", một cơ quan nghiên cứu uy tín tại Hoa Kỳ, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại và giảm xuống dưới 3,9% vào giữa những năm 2020-2024. Con số này chỉ bằng một nửa mục tiêu mà Chính phủ Trung Quốc đề ra, và bằng một nửa mức tăng trưởng trung bình những năm gần đây.

Ngoài ra, châu Âu cũng có vẻ như sẽ một lần nữa rơi vào suy thoái. Sự kết hợp của nguồn cung tăng mạnh từ Hoa Kỳ và nhu cầu giảm mạnh từ Trung Quốc và châu Âu chắc chắn sẽ khiến giá dầu giảm. Đó là nguyên tắc kinh tế, chứ không phải vấn đề mưu đồ ở đây. Tuy nhiên, các nhà học thuyết âm mưu đưa ra một điểm quan trọng: Các diễn biến trên thị trường dầu mỏ có thể có những tác động địa chính trị rất lớn.

Các diễn biến này sẽ gây tổn hại lớn đối với Nga, Iran và Venezuela, nhưng lại tăng cường sức mạnh cho Hoa Kỳ trong các cuộc cạnh tranh với các nhà xuất khẩu dầu mỏ.

Dầu mỏ và khí đốt chiếm 2/3 tổng xuất khẩu của Nga, đóng góp một nửa ngân sách chính phủ - công cụ quyền lực chủ chốt của Tổng thống Putin. Giá dầu thấp có thể sẽ đẩy Nga rơi vào suy thoái, với những tác động chính trị trong nước và quốc tế bất lợi cho ông Putin. Ngân sách của chính phủ Nga được dựa trên giá dầu 100USD/thùng. Giá dầu giảm xuống dưới 90USD/thùng sẽ tạo ra khó khăn lớn.

Iran cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Giá dầu dưới 100USD/thùng sẽ tạo ra những thách thức tài chính rất lớn, thâm hụt ngân sách lớn, lạm phát nhiều hơn, thêm nhiều áp lực cắt giảm trợ cấp và vị thế đàm phán hạt nhân sẽ bị suy yếu. Cả Iran và Nga, vốn đang tham gia các cuộc cạnh tranh quyền lực với phương Tây, sẽ phải gánh chịu hậu quả của những thay đổi trên các thị trường dầu mỏ.

Trong khi đó, Venezuela, quốc gia sử dụng dầu là một mặt hàng để mua lấy sự trung thành của các quốc gia Mỹ Latin và sự ủng hộ trong nước đối với chính phủ, cũng có một nền kinh tế đang gặp khó khăn và khó có thể chịu đựng được tác động từ nguồn thu ngân sách giảm.

Một điều khá rõ ràng Hoa Kỳ và các đồng minh của mình sẽ gặt hái các lợi ích địa chính trị, ít nhất là trong ngắn hạn, từ sự sụt giảm giá dầu. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là Hoa Kỳ và các đồng minh đã bí mật giật dây để điều đó xảy ra.

>> 10 tỷ phú dầu mỏ giàu nhất thế giới

Theo TTK

Cùng chuyên mục
XEM