Làm sao để thoát khỏi nền nông nghiệp 'tình thương'? (P.2)

18/06/2015 11:44 AM |

Theo mục tiêu phấn đấu của Bộ Nông Nghiệp và PTNT thì đến năm 2020, 80-95% sản phẩm mía đường, tôm, cá tra, và 15-30% sản lượng chè, lúa hàng hoá, cà phê, trái cây được tiêu thụ thông qua các hợp đồng bao tiêu.

Kỳ 2: Liên kết doanh nghiệp- nông dân: Sự tất yếu của nông nghiệp hiện đại

Mô hình cánh đồng lớn tối ưu hoá hiệu quả sử dụng đất, thông qua liên kết nông dân với nhau để cung cấp sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường mới, chất lượng cao với giá phải chăng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay nút thắt khiến đời sống nông dân khó khăn là tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Một trong những phương pháp để ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đang được nhà nước triển khai, khuyến khích là xây dựng liên kết doanh nghiệp và nông dân. Xây dựng mối liên kết này về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị, loại bỏ bớt trung gian và rút ngắn kênh tiêu thụ, phổ biến nhất là hợp đồng bao tiêu nông sản.

1. Tình hình triển khai hợp đồng bao tiêu nông sản

Theo Bộ Nông Nghiệp và PTNT, sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg, khối lượng nông sản tiêu thụ qua các hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn rất thấp. Năm 2012, chỉ có 2,1% sản lượng lúa hàng hoá, 13% sản lượng thuỷ sản, 0,9% lượng rau quả, 2,5% lượng cà phê, 9% sản lượng chè được bán cho DN thông qua các hợp đồng kí kết. Chỉ có vài lĩnh vực đạt tỷ lệ cao như: bông đạt hơn 90%, sữa bò 80%. Những số liệu trên chỉ ra rằng tình hình triển khai liên kết DN và nông dân vẫn còn rất yếu.

Không chỉ nông dân mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu cũng phải phụ thuộc vào nguồn hàng do thương lái cung cấp. Theo số liệu của Tổng công ty lương thực miền Nam sản lượng gạo thương lái cung ứng cho đơn vị chiếm tới 36%.

Sự thiếu liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp gây ra nhiều lãng phí trong khâu vận chuyển, bảo quản, chi phí thương lái, dẫn đến nông dân và doanh nghiệp đều chịu thiệt thòi.

2. Chữ tín và hợp đồng bao tiêu nông sản

Về bản chất, hợp đồng bao tiêu nông sản luôn có lợi cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hợp đồng không được tuân thủ nghiêm túc, tình trạng đơn phương phá vỡ hợp đồng còn diễn ra khá phổ biến. Nhiều doanh nghiệp đã kí kết hợp đồng với giá thu mua thoả thuận ngay từ trước mùa vụ sản xuất, nhưng do giá thị trường xuống thấp, hay do sản phẩm khó tiêu thụ, họ đơn phương bẻ kèo.

Sai phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng không chỉ xuất phát từ phía doanh nghiệp mà con còn từ phía người nông dân. Rất nhiều hộ nông dân nhận vật tư, con giống của doanh nghiệp nhưng khi thị trường khan hiếm, nhiều thương lái thu mua với giá cao hơn giá của doanh nghiệp nên nhiều người đã thu hoạch sớm và bán hết cho thương lái, làm vỡ kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Hợp đồng tiêu thụ nông sản và vai trò của nhà nước

Do chế tài chưa đủ mạnh nên việc thực hiện để xử phạt bên cố ý vi phạm còn yếu vì vậy không khó hiểu khi cả nông dân và doanh nghiệp đểu không mặn mà tham gia hợp đồng tiêu thụ. Chính vì vậy theo nhiều chuyên gia thì Nhà nước cần rà soát, đưa ra những qui định rõ ràng về cơ chế chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các bên tham gia hợp đồng một cách hài hoà bên cạnh các qui định xử lý vi phạm.

Mặc dù đã có nhiều chính sách nhắm tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ví dụ như: hỗ trợ vốn, giảm thuế thu nhập, hỗ trợ đầu tư, nhưng hầu hết các doanh nghiệp rất khó tiếp cận các ưu đãi này do các thủ tục hành chính, cũng như thiếu nguồn vốn phân bổ.

Theo mục tiêu phấn đấu của Bộ Nông Nghiệp và PTNT thì đến năm 2020, 80-95% sản phẩm mía đường, tôm, cá tra, và 15-30% sản lượng chè, lúa hàng hoá, cà phê, trái cây được tiêu thụ thông qua các hợp đồng bao tiêu. Thiết nghĩ để thực hiện được mục tiêu này, Bộ cần phải quyết liệt hơn trong việc triển khai các kế hoạch, chính sách đã đề ra.

 

Vũ Duy Công

Cùng chuyên mục
XEM