Làm du lịch đừng đặt nặng tư tưởng cục bộ địa phương

17/07/2015 13:48 PM |

Có quá nhiều nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam lao đao như cách làm chụp giựt, thiếu bài bản, đặt nặng quyền lợi cá nhân và cả tư tưởng cục bộ địa phương.

Người ta nói nhiều đến chuyện “chặt chém” ở Vũng Tàu, Nha Trang… nhưng nhiều năm qua dường như không có sự thay đổi nào đáng kể. Chính quyền địa phương không đưa ra được phương án khả thi nào, thậm chí có thể nói là thiếu quyết tâm thực hiện. Như chuyện con cua 1,2kg còn 420gr ở Nha Trang, khi khách du lịch “kêu” các cơ quan chức năng thì họ chỉ… làm cho có!

Với Vũng Tàu thì “chặt chém” trở thành chuyện thường ngày ở các quán ăn, bãi biển. 1 cây dù, 1 cái bàn, 2 cái ghế bố trong một không gian chật hẹp du khách phải trả 250 ngàn đồng, hỏi thêm 2 cái ghế thì họ ra giá 100 ngàn! Tắm nước ngọt có giá 20.000 đồng, gởi xe máy cũng 20.000 đồng, một non nước ngọt hay chai nước tinh khiết đều có giá cao gấp 3,4 lần so với giá thực tế.

Ngược lại khi ngâm mình ở các bãi biển Đà Nẵng, tôi nghe thường xuyên tiếng loa văng vẳng thông báo giá một số dịch vụ như: gởi xe, tắm nước ngọt, mướn phao, dù, ghế bố… cũng như không quên cung cấp số điện thoại đường dây nóng và yêu cầu du khách hãy phản ánh khi bị thu quá giá quy định. Vậy sao lại có sự khác nhau giữa 2 bãi biển, hai địa phương, phải chăng là vì quyền lợi địa phương cục bộ?

Một chuyện nhỏ nhưng không nhỏ là lần chúng tôi ghé thăm phố cổ Hội An. Đây đúng là một không gian tuyệt vời, khác biệt thu hút rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách Tây. Điều không hài lòng đầu tiên khi đến đây là “bị mua vé” cho suốt hành trình tham quan phố cổ.

Vé có giá khá cao, được vào tham quan 4 điểm trong khu phố cổ (tất nhiên du khách có quyền không mua). Nhưng lẽ ra chỉ nên bán vé tại nơi vào tham quan để du khách có thể chọn lựa vào hay không, còn bán vé ngay “từ ngoài ngõ” theo tôi là một sự tính toán, vụ lợi, nhất là với du khách lần đầu đến đây.

Nhưng điều mà tôi thấy khó chịu là có khá nhiều tấm bảng mang dòng chữ “cấm chụp hình” bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh của các hộ dân trong phố cổ. Khi tham quan, tôi thấy có những góc phố, ngôi nhà rất đẹp, ấn tượng… nhưng việc lưu lại hình ảnh là không thể. Những tấm bảng mang đến cho tôi cảm giác dị ứng, hụt hẫng, còn với khách Tây - những người rất thích chụp ảnh, quay phim, không biết họ nghĩ gì?

Có lẽ cũng là chuyện quyền lợi nhưng thiết nghĩ người dân phố cổ nên vì cái chung hơn vì quyền lợi cá nhân. Chính quyền địa phương cũng nên có phương án, cách làm hài hòa đảm bảo quyền lợi cho người dân phố cổ, nhằm phát huy tính cộng đồng, nâng cao giá trị, sức hút du lịch của một di sản văn hóa thế giới.

Nói thế không có nghĩa là không có những điểm sáng. Lĩnh vực nào cũng vậy, thất bại hay thành công đều do ở cách làm, trong đó yếu tố con người là hệ trọng. Nhóm bạn chúng tôi vừa có tour du lịch đảo Bình Ba (Khánh Hòa), phải nói là rất hài lòng dù chỉ ngủ ở nhà dân. Giá cả phải chăng, đón tiếp chu đáo, thân tình, mọi hoạt động đều diễn ra đúng với chương trình, chính xác đến cả… trọng lượng con tôm hùm!

Khi đi lặn biển ngắm san hô, chúng tôi đề nghị đi tiếp đến một điểm lặn biển khác, dù không có trong chương trình nhưng người lái ca nô vẫn vui vẻ đưa đi với điều kiện không được lặn vì yếu tố an toàn.

Chưa hết, người tổ chức tour là dân trên đảo rất vui vẻ giao lưu hát karaoke cùng chúng tôi trong buổi liên hoan đêm trên bãi biển. Ngày hôm sau họ đích thân tiễn chúng tôi ra tận bến tàu, không quên nói lời cảm ơn và hẹn ngày gặp lại.

Một người làm du lịch không chuyên nhưng với cách làm tôn trọng chữ tín, đạo đức nghề nghiệp thì không lý do gì không mang lại sự hài lòng cho du khách. Có lẽ du lịch Việt cần lắm những con người như thế, những cách làm du lịch “đậm tình người”. Mong rằng những điều đó sẽ mãi tiếp nối, thăng hoa ở Bình Ba cũng như nhiều vùng miền khác.

Theo Triệu Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM