Lãi 4.800 tỷ đồng/năm, doanh nghiệp xăng dầu vẫn muốn “xin” thêm

12/06/2015 19:00 PM |

Được khoản lãi mặc định là 300 đồng/lít xăng, tương đương 4.800 tỷ đồng/năm, nhưng mới đây, các doanh nghiệp xăng dầu lại xin tăng chi phí định mức. Nếu chi phí định mức “xin được” tăng thêm 100 đồng, người tiêu dùng sẽ gánh thêm 1.600 tỷ đồng/năm để đảm bảo cho các doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn.

Nội dung nổi bật:

- Với việc áp lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, các doanh nghiệp đã lãi 4.800 tỷ đồng/năm, nhưng hiện vẫn đang xin được tăng thêm chi phí định mức.

- Nếu chi phí định mức “xin được”, “gửi được” tăng thêm 100 đồng/lít, người tiêu dùng gánh thêm 1.600 tỷ đồng/năm. Cộng 2 khoản trên là 6.400 tỷ đồng/năm.

- Với việc fix một khoản lãi 300 đồng/lít xăng, Petrolimex – đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn nhất nước với trên 40% thị phần - đã tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế lên đến 2.450 tỷ đồng, gấp 6,6 lần so với mức thực hiện năm 2014.


Vấn đề lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng được ông Nguyễn Văn Hiến – đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chiều qua, 11/6.

Theo ông Hiến, giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Giá cơ sở bao gồm nhiều thành tố, trong đó có chi phí định mức (hiện được quy định là 1.050 đồng/lít xăng và 950 đồng/lít dầu) và lợi nhuận định mức (300 đồng/lít).

Nếu chi phí định mức “xin được”, “gửi được” tăng thêm 100 đồng/lít, người tiêu dùng gánh thêm 1.600 tỷ đồng/năm”, ông Hiến tính toán.

“Lợi nhuận mặc định là 300 đồng/lít, người tiêu dùng mặc nhiên trả lãi 4.800 tỷ đồng/năm. Cộng 2 khoản trên là 6.400 tỷ đồng/năm. Chính điều đó, dư luận ngã ngửa mỗi khi doanh nghiệp xăng dầu công bố lợi nhuận. Bộ trưởng có nghĩ đó là sự bất hợp lý, là cơ sở để minh bạch hơn, hài hòa hơn lợi ích cho doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng?”

1 lít xăng gánh bao nhiêu thuế, phí?

Cùng trả lời với Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Theo Nghị định 83, giá bán xăng dầu được điều tiết theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đồng thời, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối được quy định giá bán xăng dầu trong biên độ giới hạn nhất định theo quy trình và nguyên tắc quy định.

Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm tra và điều tiết giá xăng dầu theo công thức tính giá cơ sở cũng như thời gian giữa 2 lần điều chỉnh, qua đó để doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan Nhà nước.

Giá cơ sở nói trên, ngoài giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày, giá xăng bán ra còn chịu sự tác động của 7 yếu tố đầu vào khác. Cụ thể:

- Chi phí vận chuyển từ cảng nước ngoài về Việt Nam

- Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặcbiệt đối với xăng dầu

- Tỷ giá ngoại tệ

- Chi phí kinh doanh định mức (khoán chi cho doanh nghiệp): Phí này bao gồm phí vận chuyển trong nội địa, chi phí khấu hao của doanh nghiệp, chi phí quản lý, chi phí bảo quản, chi phí công cụ, dụng cụ..., hiện đang quy định ở mức 950 đồng/lít

- Mức trích Quỹ Bình ổn giá: điều hành tùy thời điểm

- Lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp xăng dầu: 300 đồng/lít

- Thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế bảo vệ môi trường (mới tăng 300%, từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít), các loại thuế, phí và các khoản trích lập khác theo quy định của pháp luật

Trong các yếu tố nói trên, Bộ trưởng Dũng cho biết, giá xăng dầu thế giới là thành phần chủ yếu.

“Do nước ta nhập khẩu tới 70% lượng xăng dầu nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới”, Bộ trưởng Dũng nói.

Vừa qua, các doanh nghiệp cũng yêu cầu điều chỉnh tăng chi phí kinh doanh định mức, nhưng hai Bộ đang rà soát. Bản thân doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng bị tác động bởi các yếu tố khác dẫn đến tăng chi phí đầu vào. Cho nên, chúng ta phải thường xuyên rà soát để đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh có lãi, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người dân”.

Với việc fix một khoản lãi 300 đồng/lít xăng, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn nhất nước với trên 40% thị phần - đã có khoản lãi đáng ghi nhận trong Quý I/2015 với mức tăng 80%, lên 461 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức cuối tháng trước, Petrolimex cũng tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế lên đến 2.450 tỷ đồng, gấp 6,6 lần so với mức thực hiện năm 2014.

Sự tự tin này của Petrolimex không chỉ đến từ khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng, mà còn cộng thêm điều chỉnh trong việc tính giá cơ sở. Theo điều chỉnh, chi phí kinh doanh xăng dầu so với năm ngoái đã tăng từ 860 đồng/lít lên 1.050 đồng/lít đối với xăng, và lên 950 đồng/lít với dầu, riêng dầu mazut tăng từ 500 đồng/kg lên mức 600 đồng/kg.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM