Kinh tế Việt Nam đang đi đến ngưỡng giới hạn thế nào?

05/11/2015 09:45 AM |

Cán cân thương mại + Cán cân vãng lai của Việt Nam đều đang thâm hụt...

“Tháng trước, chúng tôi có viết một bài báo với tiêu đề: Việt Nam không thể có tất cả cùng một lúc”, ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Ngân hàng ANZ chia sẻ.

Mặc dù ca ngợi Việt Nam là 1 trong 3 nền kinh tế VIP, nền kinh tế dẫn đầu của Châu Á, nhưng ông Glenn cũng thẳng thắn: “Đang có một số vấn đề làm cho kinh tế Việt Nam đi đến giới hạn của một số chỉ tiêu đề ra”.

Ông Glenn lấy ví dụ về việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mặt tích cực của FDI là giúp Việt Nam đa dạng hóa về mặt hàng xuất khẩu và đứng vững hơn trước các cú shock về thương mại.

Tuy nhiên, FDI đang có tác động ngược chiều: Đã đến giai đoạn hút nhập khẩu rất nhiều, dẫn đến kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh, cán cân thương mại chuyển sang thâm hụt.

Việt Nam sẽ điều chỉnh lại một số chỉ tiêu và phá giá tiền đồng thêm 7% trong năm tới

Theo ANZ, Việt Nam có 2 vấn đề cần theo dõi.

- Nhập khẩu hàng hóa vốn tăng mạnh dẫn đến nhập siêu trong 6 tháng đầu năm

- Cán cân vãng lai có khả năng thâm hụt đến năm 2016

Nhìn vào toàn bộ bức tranh kinh tế, cán cân thương mại cũng như cán cân vãng lai đều đang thâm hụt.


Bước sang năm 2015, cán cân thương mại đã chuyển sang tình trạng thâm hụt. Nguồn: ANZ.

Bước sang năm 2015, cán cân thương mại đã chuyển sang tình trạng thâm hụt. Nguồn: ANZ.

 

“Với bức tranh trên, nếu chúng ta giữ tỷ giá ổn định sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, Việt Nam có lẽ sẽ phải điều chỉnh lại một số ngưỡng hoặc chỉ tiêu đặt ra”, ông Glenn nói.

Theo đó, thứ 1, chỉ tiêu dự trữ ngoại hối/tuần nhập khẩu phải giảm.

Thứ 2, các cơ quan chức năng nên cho phép phá giá đồng Việt Nam.

Theo dự báo của ANZ, trong vòng 12 tháng tới, sẽ có thêm 2 đợt phá giá đồng Việt Nam tùy theo quyết định vào thời điểm nào của ngân hàng trung ương. Ngoài ra, VNĐ được cho phép giao dịch với biên độ tối đa.

“Như vậy, đồng Việt Nam có thể mất giá 5-7% trong 12 tháng tới. Đây là một động thái giúp Việt Nam có thể ổn định được dự trữ ngoại hối”.

Hiện tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá thấp, không đáp ứng được về chỉ tiêu 12 tuần nhập khẩu.

Trước đó, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - cũng đưa ra nhận định rằng: Bức tranh kinh tế của Việt Nam những tháng đầu năm tuy có cải thiện, nhưng có thể đó chỉ là điểm giới hạn.

Để kinh tế phát triển về dài hạn, 2 yếu tố quan trọng là năng suất lao động và hiệu quả sử dụng nguồn lực. Tuy nhiên, Năng suất lao động của Việt Nam tăng chủ yếu nhờ chuyển đổi cơ cấu chứ không phải tăng năng suất lao động của nội ngành.

Trong khi đó, dòng vốn của Việt Nam thay vì "chảy" sang nơi có hiệu quả sử dụng cao hơn, thì lại đang "chảy" theo xu hướng ngược lại.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM