"Kinh tế tư nhân sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế tự chủ”

05/12/2014 13:52 PM |

Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) đã chính thức được khai mạc vào sáng nay (ngày 5/12/2014), tại Hà Nội. Chủ đề năm nay tập trung vào hai vấn đề chính là cải cách thể chế và phát triển kinh tế tư nhân trong nước.

Phát biểu khai mạc Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới bà Victoria Kwa Kwa đánh giá cao những gì mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2014.

Theo bà Victoria Kwa Kwa, ở Việt Nam nhu cầu cấp thiết về cải cách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đã dịch chuyển nhanh chóng tới các đề xuất chính sách của nhà nước cũng như diễn đàn thảo luận về chính sách rộng lớn hơn.

Về việc phát triển kinh tế tư nhân, bà Victoria Kwa Kwa nhấn mạnh: Khu vực kinh tế tư nhân đã phải vật lộn với bao khó khăn thử thách trong vài năm qua. Một số DN phải đóng cửa, số còn lại chủ yếu nằm trong khu vực phi chính thức quy mô rất nhỏ hoặc nhỏ và vừa.

Hơn nữa, các DN này đã không tận dụng được tác động lan tỏa từ các DN nước ngoài. Sự tham gia của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng manh mún và hạn chế.

Do đó, bàVictoria Kwa Kwa đề nghị Chính phủ Việt Nam cũng cho rằng, cải cách thể cũng cần thập trung vào các vấn đề này và các thách thức khác mà kinh tế tư nhân đang phải đối mặt.

Đại diện cho Chính phủ Việt Nam Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định việc cải cách thể chế đang được Chính phủ nhìn nhận là vấn đề rất hệ trọng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

“Cải cách thể chế kinh tế sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế, còn phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế tự chủ”-  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Sau khi được Chính phủ khởi xướng, việc cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam đã bước đầu đạt được những nền tảng quan trọng đầu tiên, mà một trong số đó là đặt nền tảng pháp lý vững chắc cho quyền tự do kinh doanh của người dân qua việc sửa đổi Hiến pháp.

Đồng thời, để phát huy vai trò kiến tạo, Chính phủ tích cực thay đổi về điều kiện gia nhập thị trường và cải thiện môi trường kinh doanhvà đầu tư thông qua sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Việc giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp qua cải cách thủ tục hành chính chuyên sâu theo từng ngành và lĩnh vực cụ thể, như đất đai, thuế, hải quan… cũng đã được thực hiện.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã nỗ lực cải cách chính sách theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao chất lượng quản trị nhà nước, thiết chặt kỷ luật ngân sách và tăng trách nhiệm giải trình đối với quyết định và phân bổ vốn đầu tư; DNNN cũng được quản lý chặt, nâng cao năng lực quản trị và cải cách DNNN…

Tuy vậy, việc cải cách thể chế kinh tế mới đi được những bước đi đầu tiên. Trong thời gian tới, đặc biệt là trong hai năm 2015 - 2016, các hoạt động cải cách thể chế sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện và sẽ trở thành nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm, đột phá của đột phá trong tái cơ cấu kinh tế - Bộ trưởng Vinh kết luận.

>> Xuất khẩu lần đầu tiên cán mốc 150 tỷ USD

Theo Khánh Nhi

Cùng chuyên mục
XEM