Kinh đô sản xuất đôla giả

26/09/2013 16:22 PM |

Bọn tội phạm không dại gì in tiền ngay trong lãnh thổ Mỹ mà chúng đã tìm nơi an toàn hơn, trong đó Peru là điểm đến an toàn nhất.

Nội dung nổi bật:

Peru hay Colombia lại trở thành "đất thánh" cho nạn tiền giả. Lý do đơn giản là vì nó rất gần với Mỹ. 

Tại Peru tiền giả được "sản xuất hàng loạt" theo quy mô công nghiệp: thiết kế bằng các phần mềm chuyên nghiệp như Corel Draw hay Microsoft Office, đưa hình ảnh lên bản kẽm, lên máy in offset, sau đó được "đôla hóa" bằng cách tẩm hóa chất bảo quản, luồn dây bảo hiểm giả bằng nhựa phát quang qua mặt đồng tiền.

Theo FED, tính đến ngày 29/2/2012 đã có khoảng 109 nghìn tỷ USD giả được tuồn ra thị trường.



Trong khi kinh tế suy giảm, nạn thất nghiệp gia tăng thì tại một số nơi, như Peru hay Colombia lại trở thành "đất thánh" cho nạn tiền giả. Lý do đơn giản là vì nó rất gần với Mỹ. Bọn tội phạm không dại gì in tiền ngay trong lãnh thổ Mỹ mà chúng đã tìm nơi an toàn hơn, trong đó Peru là điểm đến an toàn nhất.

Công nghệ làm đôla giả

Song hành với chiến tranh, biến đổi khí hậu và tham nhũng… nạn tiền giả ngày càng phát triển, phủ sóng toàn cầu. Trong đó, Mỹ Latinh được xem là "cái rốn" nóng bỏng, còn Peru được xem là "kinh đô", đảm nhận tới 17% thị phần đôla giả lưu thông tại Mỹ.

Theo tạp chí Fraudfighter (Chống tiền giả) của Mỹ số tháng 9/2013, thì 17% tiền đôla giả đang lưu hành tại Mỹ hiện nay có xuất xứ từ Peru. Rất đa dạng từ mệnh giá 20, 50 cho đến 100 USD. Đặc biệt, sản phẩm tiền giả có nguồn gốc Peru được khách hàng Mỹ ưa chuộng bởi nó "giả như thật", rất khó phát hiện, thậm chí còn qua mặt được cả cơ quan chức năng hoặc các thiết bị kiểm đếm hiện đại nhất.

Theo Fraudfighter, tiền giả tại Mỹ được làm với quy mô manh mún, nhỏ lẻ, trình độ thấp, thường là bằng công nghệ digital và máy laser, nhưng tại Peru tiền giả được "sản xuất hàng loạt" theo quy mô công nghiệp.

Trước tiên, phải kể đến khâu thiết kế, bằng cách dùng các phần mềm chuyên nghiệp như Corel Draw thậm chí cả Microsoft Office. Tiếp đến là khâu đưa hình ảnh lên bản kẽm, lên máy in offset, sau đó được "tia ra" hàng loạt. Tiền giả tiếp tục được đưa qua khâu "đôla hóa", nghĩa là xử lý đặc biệt bằng cách tẩm hóa chất bảo quản, luồn dây bảo hiểm giả bằng nhựa phát quang qua mặt đồng tiền.

Công đoạn này sẽ do một thợ "làng nghề" kỳ cựu đảm nhận bởi nó đòi hỏi tính chuyên môn cao, tỷ mỉ và không được nhầm lẫn vì dây bảo hiểm mỗi loại mỗi khác. Loại thì đặt ở bên phải, loại thì đặt ở bên trái. Tiền giả sau đó tiếp tục được đưa đi "enmalladora", nghĩa là tạo ráp bằng cách luồn qua lô cán hai trục, cán tiến lùi để có bề mặt thô ráp y như tiền thật, nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Sau đó, thợ "làng nghề" tiếp tục dùng giấy ráp mịn làm mỏng đồng tiền, giống như kích thước thật, công đoạn này phải làm vài ba ngày mới xong…

Đối phó với vấn nạn tiền giả, năm 2012 cảnh sát nước này đã bắt giữ Joel Quispe Rodriguez, đứng đầu đường dây "công ty gia đình" sản xuất trên 7 triệu USD giả và bóc gỡ một đường dây sản xuất đôla giả khác do tên Wilfredo Cobo cầm đầu. Hiện, cả hai “ông trùm” này đang “bóc lịch” trong tù.

Giật mình những con số

Theo Fraudfighter không phải đến bây giờ mà ngay từ khi diễn ra cuộc nội chiến, nạn tiền giả đã lộng hành tại Mỹ. Còn theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), tính đến ngày 29/2/2012 đã có khoảng 109 nghìn tỷ USD giả được tuồn ra thị trường. Trong đó, 105 nghìn tỷ USD thuộc diện "quản lý" của FED. Chỉ riêng năm 2011, tại Mỹ người ta đã thu giữ  261 triệu USD tiền giả. Như vậy có gần 0,086% tiền tệ lưu hành tại Mỹ trong năm 2011 là tiền giả. Trung bình, cứ 1 triệu USD tiền giấy lưu hành ở Mỹ thì có 6,5 USD là tiền giả.

Trong khi kinh tế suy giảm, nạn thất nghiệp gia tăng thì tại một số nơi, như Peru hay Colombia lại trở thành "đất thánh" cho nạn tiền giả. Lý do đơn giản là vì nó rất gần với Mỹ, lại là nơi có lịch sử tội phạm phát triển, nhất là tội phạm ma túy. Bọn tội phạm không dại gì in tiền ngay trong lãnh thổ Mỹ mà chúng đã tìm nơi an toàn hơn, trong đó Peru là điểm đến an toàn nhất.

Ngoài ra, tại Peru lại chưa có hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm làm tiền giả nên phát sinh tình trạng "nhờn thuốc". Theo ông Jorge Gonzalez, người đứng đầu tổ chức chống tiền giả Peru, do lợi nhuận quá lớn nên bọn tội phạm đã quên cả tính mạng bản thân. Cứ 10 đôla giả được tuồn khỏi Peru, bọn tội phạm lại thu về 1 đôla tiền thật…

Để đối phó với nạn tiền giả, FED, Bộ Tài chính, Sở In tiền và Cơ quan mật vụ Mỹ… đang phối hợp chặt chẽ với nhau. Từ năm 1996, Bộ Tài chính Mỹ đã đề xuất thêm một số đặc tính mới để đưa vào dùng cho loại tiền giấy mệnh giá 100 USD mới, dự kiến sẽ được đưa vào lưu thông đầu tháng 10/2013.

Cơ quan Mật vụ Mỹ đào tạo thêm nhiều nhân viên để phát hiện tiền giả và sử dụng các thiết bị phát hiện tiền giả hiện đại. Năm 2000 tại Mỹ người ta đã thành  lập Phân ban chống tiền giả có tên Uveritech. Theo đó, Uveritech sẽ tiên phong trong việc cài đặt các máy quét phát hiện tiền giả tại các điểm bán hàng để giúp mọi người nhận biết nhanh tiền giả.

Theo Khắc Nam

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM