Kịch bản xấu nào cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước sau hội nhập?

12/01/2015 18:07 PM |

Đây sẽ là kịch bản xấu nếu các doanh nghiệp bán lẻ trong nước không trụ vững trên thị trường nội địa sau khi hội nhập, TS. Lê Đăng Doanh cho biết.

Cuộc đổ bộ vào Việt Nam của các doanh nghiệp ngoại đang ngày một cấp tập. Thái Lan với đại diện là Tập đoàn Berli Jucker đã thâu tóm chuỗi siêu thị Metro, đồng thời Tập đoàn Central cũng mở thêm trung tâm mua sắm Robins. Lotte của Hàn Quốc và Aeon của Nhật Bản đang không ngừng “chạy đua” trong việc mở rộng chuỗi siêu thị tại Việt Nam.

Dù thị phần lớn vẫn thuộc về doanh nghiệp nội, TS. Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế - cảnh báo: Một nguy cơ lớn là với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc và các nước khác, hàng hóa của các nước đó vào Việt Nam với thuế nhập khẩu bằng 0%. Các siêu thị của nước ngoài sẽ ưu tiên tiêu thụ hàng hóa của họ và hàng hóa của các doanh nghiệp và hàng nông sản Việt Nam có nguy cơ bị đẩy ra khỏi siêu thị.

“Điều này sẽ gây sức ép rất lớn đối với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp Việt Nam” – ông Doanh cho biết.

Trong nền kinh tế thị trường, phân phối và bán lẻ có ý nghĩa quyết định đối với tiêu thụ sản phẩm và đối với sản xuất, khác hẳn so với kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây chỉ lo sản xuất” – ông phân tích.

Trong cuộc đổ bộ của các doanh nghiệp ngoại đón đầu xu thế hội nhập, các chuỗi siêu thị Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn vì ít được ưu đãi hơn và phải đối mặt với những khó khăn từ nền kinh tế vĩ mô như lãi suất tín dụng cao, chi phí vận tải và bốc xếp cao hơn các nước ASEAN khác.

Một tín hiệu mừng nho nhỏ, theo ông Doanh, là người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn đang mua hàng ở những chợ truyền thống và ở các cửa hàng tiện ích nhỏ và vừa với một tỷ lệ còn lớn.

Tuy nhiên, về lâu dài, khi tầng lớp trung lưu tăng lên, thói quen tiêu dùng sẽ thay đổi, sức ép cạnh tranh của các chuỗi bán lẻ nước ngoài sẽ càng mạnh mẽ hơn và đòi hỏi các tập đoàn bán lẻ trong nước phải vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước và là kênh tiêu thụ để trụ vững trên thị trường trong nước.

Nếu không làm được như vậy, người Việt Nam sẽ tiêu thụ hàng nước ngoài, trả lương cho công nhân nước ngoài và làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài ngay trên quê hương mình. Kịch bản xấu này nhất thiết phải được ngăn cản để không xảy ra” – ông Doanh cảnh báo.

Trước đó, ông Nguyễn Hòa Bình – Tổng Giám đốc (CEO) của PeaceSoft cũng đưa ra một cảnh báo tương tự: “10 năm nữa, các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam có khả năng sẽ toàn là người Hàn Quốc, người Nhật... Sẽ có một làn sóng di cư ngược những người trẻ ở các quốc gia khác. Họ sẽ đến chiếm công việc của chính các bạn. Xu hướng toàn cầu hóa không thể thay đổi được”

TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Vấn đề là các doanh nghiệp nội có biết học hỏi, hợp tác để tăng cường sức cạnh tranh.

“Trên thực tế cũng vẫn có những doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mạnh lên, cũng có những doanh nghiệp củng cố được sức mạnh nhờ hợp tác với nhau, và cũng có thể qua liên doanh”.

“Song đó dù rất quan trọng, cũng chỉ là câu chuyện nội ngành bán lẻ. Cái nhìn cần rộng hơn, đó là tác động lan tỏa của ngành bán lẻ đối với toàn bộ nền kinh tế. Người tiêu dùng được lợi thế nào? Liên kết ngược tác động thế nào với sản xuất, kinh doanh? Chỉ khi đó mới nhìn nhận đầy đủ được câu chuyện mở cửa và cạnh tranh của thị trường bán lẻ” – ông Thành nhận định.

>> Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cuộc đua Nhật – Hàn

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM