Khu vực kinh tế tư nhân: Được yêu mà không thể lớn?

11/05/2015 16:26 PM |

“Tôi vẫn có cảm nhận buồn là sau 20 năm tham gia ASEAN, chúng ta vẫn vui vẻ đứng trong tốp 4 nước kém phát triển về môi trường kinh doanh, như vậy thì làm sao bình đẳng nổi trong sân chơi chung với Mỹ, với Nhật và các nước phát triển khác”?

Nội dung nổi bật:

- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét: vai trò của DNNN vẫn rất lớn và vẫn sẽ tồn tại trong một số lĩnh vực lâu dài nữa; chỉ có điều tiến trình cổ phần hóa rất cần tiếp tục theo nguyên tắc thị trường và phải theo Luật Cổ phần hóa.

- Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chỉ ra một tam giác đều quyết định sự phát triển của doanh nghiệp với 3 đỉnh là cải cách thủ tục hành chính - xây dựng chiến lược cơ cấu – nâng cấp dịch vụ công.

- Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão đề xuất Quốc hội ban hành một đạo luật về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.


Khu vực kinh tế tư nhân phải là động lực phát triển trong tương lai, là động lực chứ không phải “một trong những động lực”. Nhưng động lực ấy bao giờ mới lớn?

Phát biểu của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là một trong số ít những phát biểu được cử tọa nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng tại Diễn đàn kinh tế Mùa Xuân 2015 vừa qua. Như thường lệ, những trăn trở của bà Phạm Chi Lan xoay quanh vai trò, vị trí của khối doanh nghiệp tư nhân.

Vẫn vui vẻ đứng tốp 4 nước kém phát triển!

Nhỏ nhẹ, nhưng kiên quyết, bà Phạm Chi Lan nhận xét:

Không cực đoan “kỳ thị” doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bà Lan thừa nhận rằng, vai trò của DNNN vẫn rất lớn và vẫn sẽ tồn tại trong một số lĩnh vực lâu dài nữa; chỉ có điều tiến trình cổ phần hóa rất cần tiếp tục theo nguyên tắc thị trường (nghĩa là càng bán ra nhiều càng tốt và theo giá thị trường) và phải theo Luật Cổ phần hóa (luật này hiện chưa được xây dựng) do tiến trình cổ phần hóa phải xử lý một khoản tiền cực kỳ lớn của ngân sách.

Tuy nhiên, theo bà, khu vực kinh tế tư nhân mới chính là động lực quyết định tốc độ chuyển động về phía trước của cỗ xe kinh tế Việt Nam, chứ không chỉ là “một trong những động lực”. Và hiện nay, đứng đầu danh sách doanh nghiệp lớn nhất về quy mô chính là một doanh nghiệp tư nhân: Tập đoàn Vingroup. “Nhưng điều đáng nói là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh hiện nay của chúng ta đều đi lên từ bất động sản, nghĩa là họ giàu có nhờ tiếp cận được nguồn lực đất đai chứ không phải là doanh nghiệp sản xuất. Và đại đa số doanh nghiệp vẫn còn vừa và nhỏ, thậm chí bé xíu”, bà Phạm Chi Lan trăn trở.

Kiến nghị giải pháp, vị chuyên gia kỳ cựu này đề nghị các luật mới ban hành đặc biệt lưu ý đến đối tượng doanh nghiệp khởi nghiệp. “Chúng ta vui vì số doanh nghiệp mới ra đời nhiều, nhưng trong đó có rất nhiều doanh nghiệp chỉ là mua đi bán lại, không đóng góp gì nhiều cho phát triển”.

Tam giác đều quyết định sự phát triển

Nhìn vào thống kê thực trạng doanh nghiệp, TS Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho rằng, nhiều vướng mắc giữa chính sách và khâu thực hiện lâu nay đã khiến DNNVV vốn yếu kém nội tại, một mặt không dễ “tiếp cận” và “thụ hưởng” những thay đổi mới, tiến bộ về môi trường đầu tư kinh doanh, mặt khác, phải đối diện với áp lực nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường đầu tư, kinh doanh thay đổi nhanh chóng và phức tạp.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm đáng ghi nhận trong tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh vừa qua là “quá trình cải cách thủ tục hành chính đã có một chương trình hành động “với mục tiêu và lộ trình đúng hướng, nhưng các bộ ngành vẫn còn rất lúng túng về chính sách cơ cấu”.

Làm chính sách cơ cấu (tạm dịch khái niệm thường dùng ở nhiều nước phát triển là industrial policy) , theo ông Lộc, có nghĩa là phải giải đáp được hàng loạt câu hỏi.“Có làm ô tô nữa hay không, hay chỉ làm công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao… đặc biệt là đặt trong bối cảnh của những cuộc hội nhập lớn nhất hiện nay như TPP, Hiệp định Thương mại tự do VN – EU... Cụ thể hơn nữa, xác định được ngành có lợi thế rồi thì lộ trình đầu tư thế nào? Bố trí tín dụng ra sao, đào tạo nguồn nhân lực, mở mang thị trường như thế nào”, Chủ tịch VCCI nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, nâng cấp dịch vụ công cũng là một kiến nghị mạnh mẽ khác của ông Vũ Tiến Lộc. Đặc biệt, theo ông, có hàng loạt dịch vụ công và nhiệm vụ đầu tư công có thể chuyển giao cho xã hội, cho thị trường. Việc này như một mũi tên trúng cả hai đích: vừa tạo ra thị trường rộng lớn cho phát triển khu vực tư nhân vừa giảm gánh nặng (cả sức lực và vốn liếng) cho nhà nước để tập trung vào quản lý.

Ba bộ phận phải cùng chuyển động

“Chúng ta vui vì số doanh nghiệp mới ra đời nhiều, nhưng trong đó có rất nhiều doanh nghiệp chỉ là mua đi bán lại” - bà Phạm Chi Lan

Nếu Chủ tịch Vũ Tiến Lộc đã định dạng một tam giác đều quyết định sự phát triển của doanh nghiệp với 3 đỉnh là cải cách thủ tục hành chính (trong đó đặc biệt là biến quyết tâm cải cách của Chính phủ thành hành động thực tế của đội ngũ cán bộ công chức thừa hành)  -  xây dựng chiến lược cơ cấu – nâng cấp dịch vụ công, thì khi bàn về khuôn khổ thể chế, TS Trần Du Lịch cũng có một “tam giác đều” của riêng mình.

Ông nói: “Ba bộ phận cấu thành thể chế giống như chiếc xe máy có nhông, có xích và líp, mới cả thì chạy nhanh, cũ mà đồng bộ cũng còn chạy chầm chậm được, nhưng không đồng bộ thì chết máy, không thể nhúc nhích”. Vì thế, theo ông, trong năm 2015, việc cải thiện thể chế tài chính công và hành chính công chính là mục tiêu cần hết sức quan tâm; trước mắt là sửa đổi và thông qua Luật Ngân sách nhà nước song song với Luật Tổ chức chính phủ và Tổ chức Chính quyền địa phương trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới đây.

Từ một góc nhìn khác, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất cũng chính là một cách làm thiết thực và đúng luật để hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân. Ông Cung đưa ra một đề nghị khá mạnh bạo: “Quốc hội, với tư cách là cơ quan nhà nước cao nhất trực tiếp đại diện cho lợi ích của nhân dân, phải là cơ quan đầu tiên chịu trách nhiệm trước nhân dân về hiệu quả hoạt động và phát triển của DNNN nói chung”. Trong vai trò này, Quốc hội phải ban hành chính sách sở hữu riêng dưới hình thức nghị quyết.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão thì đề xuất Quốc hội ban hành một đạo luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nguyên tắc chi phối cổ phần hóa, theo ông Vũ Mão và nhiều chuyên gia khác, là bán doanh nghiệp nhà nước theo giá thị trường đúng định hướng thị trường (nhà nước giữ lại càng ít vốn càng tốt, để chuyển nguồn lực quốc gia cho người có thể quản lý hiệu quả hơn).

>>World Bank chỉ ra một loạt yếu điểm về môi trường kinh doanh Việt Nam

Theo Cẩm Hà

Cùng chuyên mục
XEM