Khu công nghiệp Việt giậm chân đến bao giờ?

29/12/2014 14:00 PM |

Các nhà đầu tư KCN của Việt Nam phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới của nền kinh tế.

Sau Đổi mới, Việt Nam bắt đầu chuyển mình với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Còn đối với một quốc gia, các khu vực sản xuất tập trung như khu công nghiệp, khu chế xuất hay khu kinh tế có thể đóng vai trò rất quan trọng nếu được quy hoạch khoa học.

Giá trị sản xuất và xuất khẩu của các khu công nghiệp, khu chế xuất Việt Nam qua từng thời kỳ

Giá trị sản xuất và xuất khẩu của các khu công nghiệp, khu chế xuất Việt Nam qua từng thời kỳ

Cụ thể, trong Hệ thống Đổi mới Quốc gia (NSI), khu công nghiệp phải hội tụ điều kiện hạ tầng phù hợp cho phát triển công nghiệp, chứ không đơn thuần chỉ là nơi cung cấp địa điểm cho các doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, sau hơn 2 thập niên phát triển, các khu vực sản xuất tập trung dù vẫn là một trong những biểu tượng của tiến trình công nghiệp hóa, nhưng vai trò của mô hình này đã không còn hiệu quả như trước.

Những vấn đề hiện tại

Cả nước hiện có 289 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 184 khu đã đi vào hoạt động (chiếm tỉ lệ 63,5%); còn lại đang triển khai xây dựng. Số lượng hùng hậu là vậy, nhưng sau thời gian phát triển nóng, tỉ lệ lấp đầy trung bình ở các khu công nghiệp đang hoạt động chỉ khoảng 50%.

Có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp còn thấp. Đầu tiên là do những sự thay đổi về ưu đãi thuế. Chẳng hạn, trước năm 2009, các khu công nghiệp ở những địa bàn khó khăn được hưởng ưu đãi thuế suất thấp hơn trung bình. Nhưng ưu đãi này đã không còn khi luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2009 được ban hành. Điều này khiến các khu công nghiệp giảm sức hấp dẫn trong mắt doanh nghiệp.

Thực tế, việc phải giải bài toán thu hút doanh nghiệp ở các khu công nghiệp hiện tại đang là một thách thức lớn đối với nhiều chủ đầu tư. Bên cạnh đó, áp lực về tỉ lệ lấp đầy và hiệu quả kinh doanh cũng khiến hoạt động của các khu công nghiệp trở nên manh mún, thiếu liên kết giữa khu công nghiệp với nhau, giữa các doanh nghiệp với nhau để tăng sức cạnh tranh và tạo cơ chế phát triển ngành.

Ví dụ, số lượng doanh nghiệp nước ngoài hiện diện trong các khu công nghiệp ngày càng nhiều, nhưng mối liên kết giữa nhóm này với các doanh nghiệp trong nước vẫn là rất yếu. Sự thiếu gắn bó này thể hiện ở chỗ các khu công nghiệp luôn có thâm hụt thương mại (chênh lệch nhập khẩu - xuất khẩu) ngày càng tăng cao. Năm 2006, thâm hụt thương mại ở các khu công nghiệp lên tới 4,5 tỉ USD; và con số này đã là hơn 9 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm 2014. Hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài đều nhập khẩu nguyên liệu và máy móc thiết bị từ công ty mẹ hoặc các chi nhánh khác ở nước ngoài; còn cơ sở sản xuất ở các khu công nghiệp tại Việt Nam chỉ là nơi gia công để xuất khẩu nhằm tranh thủ ưu đãi về thuế, chi phí thuê mặt bằng và nhân công.

Nghiên cứu mới đây từ Tập đoàn Forval (Nhật) về vấn đề của các khu công nghiệp tại Việt Nam đã chỉ ra rằng ngoài lý do năng lực công nghệ còn yếu của các doanh nghiệp địa phương và sự rời rạc giữa hai khu vực doanh nghiệp nội-ngoại, một yếu điểm rất lớn khác chính là sự thiếu vắng gần như hoàn toàn cơ sở hạ tầng tri thức xung quanh các khu công nghiệp. Đơn cử, Bình Dương (địa phương phát triển khu công nghiệp mạnh nhất Việt Nam) chỉ có duy nhất một trường đại học với chức năng đào tạo nghề chứ chưa thấy xuất hiện một viện nghiên cứu nào ở đây. Dù có đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nghiên cứu - phát triển (R&D) và chính sách nguồn nhân lực, nhưng vẫn rời rạc nên chưa có nhiều hiệu quả, theo đánh giá của Forval.

Hậu quả là lĩnh vực khu công nghiệp Việt Nam hiện vẫn hoạt động chủ yếu theo kiểu sử dụng lao động có trình độ thấp. Kết quả khảo sát của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM năm 2013 cũng cho thấy, tại các khu công nghiệp và khu chế xuất trên địa bàn, chỉ có 1% doanh nghiệp đạt trình độ tiên tiến, 4% doanh nghiệp ở mức khá, 51% doanh nghiệp ở mức công nghệ thấp.

Bài học từ khối “ngoại”

Trong khi các khu công nghiệp do Việt Nam đầu tư gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, thì những khu công nghiệp tại Việt Nam nhưng do nước ngoài quy hoạch lại khác hẳn. Khu công nghiệp Long Đức (Đồng Nai) là một mô hình đầu tư được đáng giá khá thành công cả về chiến lược phát triển lẫn khả năng kinh doanh. Theo ông Atsushi Uehara, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Long Đức, trên tổng diện tích 280 ha, tỉ lệ lấp đầy đã đạt khoảng 60% với tổng mức vốn đầu tư vào khu công nghiệp này trên 800 triệu USD.

“Chúng tôi thu hút đầu tư theo kiểu đàn gà mẹ con. Một tập đoàn là gà mẹ sẽ đầu tư sản xuất ở khu công nghiệp và dẫn dắt những công ty nhỏ là gà con cung cấp các sản phẩm phụ trợ theo sau. Điều này tạo được sự liên kết ngành khá hiệu quả, tận dụng tối đa mọi lợi ích cũng như chi phí kho vận”, ông Atsushi Uehara cho hay.

Một hướng đi khác là mô hình đầu tư khu công nghiệp chuyên sâu nhằm thu hút các doanh nghiệp quy mô lớn và có trình độ công nghệ cao. Ví dụ như Khu kỹ nghệ Việt - Nhật (Vie-Pan Techno Park) mới đi vào hoạt động tại khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM) vào đầu tháng 12 vừa qua. Đây là dự án do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Khu kỹ nghệ Việt - Nhật, liên doanh giữa Công ty Vie-Pan Industrial Park (thuộc Unika Holdings Company, Nhật) và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Hiệp Phước, đầu tư; có diện tích 13 ha với tổng mức đầu tư dự kiến là 31 triệu USD.

Đây là khu công nghiệp hỗ trợ tập trung đầu tiên tại TP.HCM. Ðối tác nước ngoài là Unika Holdings Company sẽ tiếp thị và kêu gọi các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật đầu tư sản xuất ở đây. Mô hình khu công nghiệp mới và chuyên sâu này được hình thành từ nghiên cứu của Tập đoàn Forval.

Ông Hideo Okubo, Giám đốc Điều hành Forval, cho hay có khoảng 97,3% doanh nghiệp Nhật chưa đầu tư ra nước ngoài và chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư vào Vie-Pan Techno Park chỉ cần nộp hồ sơ cho ban quản lý khu công nghiệp, mọi thủ tục còn lại sẽ được lo liệu”, đại diện Forval nói.

Thực tế, nhu cầu đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật cũng rất đáng chú ý. Theo Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), đã có khoảng 2.400 nhà đầu tư Nhật mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa khảo sát thị trường Việt Nam trong năm 2013. Việt Nam chỉ sau Thái Lan về số lượng doanh nghiệp Nhật khảo sát thị trường, trên tổng số 73 văn phòng JETRO toàn cầu.

Bên cạnh chiến lược thu hút nhà đầu tư Nhật, định hướng phát triển mô hình khu đô thị công nghiệp tổng hợp cũng là một sự lựa chọn mang dấu ấn của tư duy “ngoại”. Đó là câu chuyện của Amata, khu công nghiệp có khoảng 125 doanh nghiệp hoạt động, tỉ lệ lấp đầy 99%.

Theo ông Huỳnh Ngọc Phiên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Amata Việt Nam, Chính phủ đã đồng ý cho triển khai dự án khu đô thị công nghiệp tổng hợp mang tên Amata Express City ở tỉnh Đồng Nai. Amata Express City có tổng diện tích khoảng 1.300 ha, nằm ngay sát dự án đường cao tốc lên sân bay Long Thành. “Khi xây dựng xong cả thành phố thì số vốn ước lên đến chừng 20 tỉ USD”, đại diện Amata Việt Nam chia sẻ.

Dù dự án mới của Amata Việt Nam có lợi thế từ hình mẫu thành công ở khu công nghiệp Amata Nakorn (Thái Lan), nhưng theo ông Hideo Okubo, Forval, đầu tư dự án phức hợp như khu đô thị công nghiệp đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, cơ chế vận hành thông suốt và khả năng đáp ứng nhân lực khi đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, khi đánh giá về sự thành công của các khu công nghiệp có yếu tố quy hoạch mang tư duy “ngoại”, điểm cần chú ý nhất chính là tầm nhìn. “Khu công nghiệp Việt Nam thiếu tầm nhìn như vậy. Chiến lược của các khu công nghiệp ngoại là cung cấp hạ tầng công nghiệp theo nhu cầu của nhà đầu tư, còn đa số khu công nghiệp Việt Nam chủ yếu đi cho thuê đất”, ông Hideo Okubo thẳng thắn cho biết.

Cú hích cho khu công nghiệp Việt

Bên cạnh 105 dự án khu công nghiệp chưa đi vào hoạt động, số lượng lớn khu công nghiệp đang hoạt động với tỉ lệ lấp đầy thấp và một số khu công nghiệp, khu chế xuất có tỉ lệ lấp đầy cao nhờ hình thành sớm ở các trung tâm lớn nhưng hoạt động vẫn không hiệu quả đều là những vấn đề đáng bàn.

Điển hình là Khu Chế xuất Tân Thuận ở TP.HCM. Có diện tích 300 ha, tỉ lệ lấp đầy 81%, nhưng Khu Chế xuất Tân Thuận đang tính giá thuê 260 USD/phần đất sản xuất và 500 USD/phần đất văn phòng. Đây là mức giá chỉ bằng 1/3 so với các khu công nghiệp, khu chế xuất do nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, do được hình thành rất sớm, những dự án đầu tư vào các khu chế xuất như Tân Thuận thường có hàm lượng kỹ thuật không cao và thâm dụng lao động.

Một vấn đề khác mà các KCN tại TP.HCM đang gặp phải chính là việc thiếu nguồn đất sạch để phát triển công nghiệp. Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, cho biết việc sắp xếp và đổi mới các khu công nghiệp, khu chế xuất là rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tín hiệu đáng mừng là theo ông Hòa, trong thời gian vừa qua, một số dự án đầu tư có hàm lượng kỹ thuật thấp và thâm dụng lao động tại Khu Chế xuất Linh Trung (7 nhà đầu tư) và Khu Chế xuất Tân Thuận (8 nhà đầu tư) đã chuyển đổi địa điểm đầu tư về các khu công nghiệp của tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Phần đất trống đang được cải tạo lại cơ sở hạ tầng nhằm kêu gọi đầu tư công nghệ cao.

Ở Bình Dương, trong tháng 12.2014, Tổng Công ty Becamex IDC cũng đã đề xuất đầu tư Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ tại huyện Đức Hòa, Long An. Trước đó, Becamex IDC đã đầu tư Dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex - Nghệ An với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 3.000 tỉ đồng.

Rõ ràng, việc các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ động chuyển đổi và sắp xếp lại để khai thác tối đa tiềm năng hiện có và tạo hiệu ứng tích cực nhằm phát triển NSI của quốc gia là tín hiệu rất lạc quan. Ở một số quốc gia lân cận như Hàn Quốc hay Malaysia, định hướng của chính quyền cũng là xây dựng các chính sách hỗ trợ và coi khu công nghiệp, khu chế xuất là những hạt nhân quan trọng trong NSI.

Ví dụ, đối với Hàn Quốc, các khu chế xuất là một công cụ để thu hút doanh nghiệp có công nghệ hiện đại từ nước ngoài. Năm 1971, thời điểm thành lập khu chế xuất Masan, các doanh nghiệp nội địa Hàn Quốc chỉ cung cấp được 3% nguyên liệu và hàng hóa trung gian cho các doanh nghiệp trong khu. Tỉ lệ này đã nhanh chóng tăng lên 25% sau 4 năm; và hiện nay đã đạt mức 44%. Để phát triển những mối liên kết này, Hàn Quốc đã xây dựng quanh khu chế xuất Masan các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội nhanh chóng đáp ứng yêu cầu gắt gao của doanh nghiệp ngoại.

Malaysia thì chủ trương xây dựng một kế hoạch tổng thể hướng đến việc phát triển mối liên kết giữa các công ty đa quốc gia (MNC) và doanh nghiệp trong nước. Nhiều chính sách đã được xây dựng từ khuyến khích trao đổi nhà thầu phụ để kết nối doanh nghiệp địa phương với MNC; ưu đãi các công ty công nghệ cao khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển thực hiện bởi chính người Malaysia; hay xây dựng Quỹ hỗ trợ kỹ thuật Công nghiệp dành ưu đãi cho các doanh nghiệp có sản phẩm chứa 50% hoặc hơn nguồn lực tại chỗ... Thậm chí, Malaysia còn ban hành Luật Phát triển Nguồn nhân lực 1992, theo đó các doanh nghiệp nhỏ sẽ được giảm thuế đối với chi phí đào tạo; giúp nhà đầu tư nâng cao chất lượng chất xám tại địa phương. 

>> Sẽ có 10 tỷ USD vốn ngoại đổ vào các khu công nghiệp

Theo Đình Bắc

Cùng chuyên mục
XEM