Không phải đông dân, đây mới là nguyên nhân chính khiến VN thiếu hụt nhà

15/12/2015 11:15 AM |

Việc phát sinh thêm các hộ gia đình thành thị mới chỉ khiến Việt Nam thiếu hụt gần 400.000 căn hộ/năm. Nhưng vì chất lượng xây dựng kém, có tới 1 triệu căn hộ/năm cần được cải tạo hoặc thay thế.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) có tựa đề "Nhà ở giá hợp lý ở Việt Nam - con đường phía trước" cho biết: Việt Nam sẽ cần phải bảo trì nâng cấp hoặc xây dựng lại khoảng 4,8 triệu căn nhà để giải quyết sự thiếu hụt về chất lượng.

Theo báo cáo, hiện tượng thiếu hụt nhà ở tại Việt Nam có 2 nguyên nhân:

Thứ nhất là xu hướng dân số tăng và sự hình thành các gia đình mới. Số lượng các hộ gia đình thành thị được dự báo sẽ tăng khoảng 1,9 triệu, từ 8,3 triệu năm 2015 lên đến 10,1 triệu vào năm 2020.

Điều này dẫn đến một sự thiếu hụt nhà ở trung bình hàng năm 374.000 căn nhà trong 5 năm tới.

Sự gia tăng này chủ yếu do tỉ lệ gia tăng dân số thành thị được dự đoán là 3,03% một năm và việc giảm quy mô hộ gia đình thành thị 1,09% một năm.

Các khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long – nơi có 2 thành phố lớn nhất Việt Nam là TP.HCM và Hà Nội - được dự đoán sẽ chiếm 66% tổng số thiếu hụt nhà ở từ năm 2015 đến 2020.

Cụ thể hơn, khu vực Đông Nam có tỉ lệ nhập cư rất cao trong 5 năm trở lại đây do tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và sự tập trung các khu công nghiệp tại 4 trong 6 tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và TP.HCM).

Tình trạng tương tự đối với đồng bằng Sông Hồng, nhu cầu lao động cao khiến cho nơi đây trở thành điểm đến của người nhập cư trong 5 năm trở lại đây.

Nguyên nhân thứ 2, do sự thiếu hụt về chất lượng. Việt Nam sẽ cần phải bảo trì nâng cấp hoặc xây dựng lại khoảng 4,8 triệu căn nhà để giải quyết sự thiếu hụt về chất lượng.

Tính theo năm, Việt Nam cần thêm 320.000 đến 1 triệu căn nhà cần được cải tạo hoặc thay thế 1 năm do kém chất lượng.

Sự thiếu hụt nhà ở có nguyên do từ việc thiếu tiếp cận đến cơ sở hạ tầng cơ bản, nhà cũ, quá đông đúc và xây dựng sử dụng các vật liệu không đạt tiêu chuẩn.

Thâm hụt về chất lượng nhà ở chủ yếu là do 2 loại hình chính của nhà ở: Nhà không vĩnh cửu và Nhà ở thiếu các dịch vụ cơ bản.

Các căn nhà không vĩnh cửu chiếm 46% trong tổng số thiếu hụt và được định nghĩa là căn nhà thiếu một hoặc cả ba thành phần bền vững (kết cấu khung, trần và tường) được làm từ vật liệu vững chắc.

Các căn nhà thiếu các dịch vụ cơ bản như nước sạch, dịch vụ vệ sinh chiếm 35% trong tổng số thiếu hụt. Các căn nhà không vĩnh cửu tập trung tại khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà vật liệu vững chắc không được thường xuyên sử dụng.

Mặt khác, việc thiếu các dịch vụ cơ bản như nước sạch và dịch vụ vệ sinh là phổ biến ở cả khu vực và là mối quan tâm chính.

Trong khi đó, xét về nguồn cung, số căn hộ được xây dựng bình quân hàng năm tăng khoảng 50% từ 320.000 căn một năm vào năm 2009 đến 500.000 căn một năm vào năm 2014.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM