Khi người Thái yêu Việt Nam

24/07/2015 15:54 PM |

Phát biểu trong buổi họp báo nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến Thái Lan ngày 23-7 vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố Việt Nam là bạn chứ không phải là đối thủ.

Và trong thực tế, tình bạn này dường như đang chuyển thành tình yêu nếu xét trên mối quan hệ đầu tư, thương mại, tài chính và du lịch ngày càng khăng khít giữa hai bên.

Theo bà Malinee Harnboonsong, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM, tính đến hết tháng 6 năm nay thì Thái Lan nằm trong Top 10 quốc gia đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư  6,8 tỉ USD.

Thị trường trong thời gian qua đã chứng kiến một làn sóng bán lẻ từ Thái Lan đổ đến. Điển hình là thương vụ Metro Cash & Carry Việt Nam về tay BJC của Thái Lan. Chuỗi 19 siêu thị Metro này đang lên kế hoạch sẽ bán trong hệ thống của mình với 60% hàng Thái, và 40% còn lại là hàng Việt và các quốc gia khác. Tập đoàn CP thì đang hoàn tất chuỗi giá trị khép kín từ trang trại đến bàn ăn của mình tại Việt Nam, với sự phát triển chuỗi bán lẻ CP Fresh Mart, Five Star, CP Shop.

Central Group sau thương vụ mua lại chuỗi bán lẻ điện máy Nguyễn Kim lại mua tiếp Pico, doanh nghiệp bán lẻ điện máy có trụ sở tại Hà Nội. Chuỗi siêu thị Robinson Department Store của Central Group cũng đang tìm kiếm các cơ hội mới tại khu vực tỉnh thành và ở Việt Nam sau khi đã khai trương hai trung tâm mua sắm tại Hà Nội và TP.HCM trong năm 2014.

Mới đây nhất, ngày 22-7, UBND tỉnh Đồng Nai đã trao quyết định thành lập Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành cho bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam. Dự án có tổng vốn đăng ký hơn 282 triệu USD (khoảng 6.000 tỷ đồng), với diện tích trên 410 ha.

Bà Somhatai Panichewa cho biết, dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành có vị trí thuận lợi, đắc địa (nằm trên địa bàn các xã Tam An, An Phước và thị trấn Long Thành), kết nối giao thông huyết mạch là ưu thế để đón dòng vốn đầu tư FDI. Dự án thực hiện 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2015 - 2017, giai đoạn 2 đến năm 2020 sẽ hoàn thành.

Bà cũng tin tưởng rằng, sau giai đoạn 1 xây dựng hạ tầng, từ năm 2017, Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư với số vốn khoảng 650 - 750 triệu USD. Các lĩnh vực mà Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành tập trung mời gọi là các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, ít sử dụng lao động, không gây ô nhiễm môi trường… Dự kiến sau khi hoàn thành 2 giai đoạn, dự án sẽ thu hút khoảng 16.000 - 20.000 lao động.

Thông cáo báo chí của tập đoàn Amata Thái Lan dẫn lời triệu phú Vikrom Kromadit – Chủ tịch và là người sáng lập Amata đánh giá: "Trong thời gian tới, Việt Nam là một trong những quốc gia mới nổi thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ mức tăng trưởng khá ấn tượng. Dự án Amata Long Thành là một trong những chìa khóa trong chiến lược của tập đoàn Amata và chúng tôi tin rằng nơi này sẽ là một trong những lựa chọn tốt nhất cho nhà đầu tư khi đến Việt Nam".

Cứ vào khoảng tháng 10 hàng năm, một công ty chuyên về triển lãm công nghiệp đến từ Thái Lan là Reed Tradex lại đều đặn tổ chức Triển lãm quốc tế của Việt Nam về Máy Công cụ và Giải pháp gia công kim loại cho nâng cao sản xuất (Metalex) và năm nay sẽ là năm thứ 9 sự kiện này diễn ra.

Ông Duangdej Yuaikwarmdee - Tổng giám đốc tại Việt Nam công ty Reed Tradex  chia sẻ rằng: “Với dòng vốn đầu tư liên tục từ nước ngoài đổ vào, các ngành công nghiệp chế tạo và hỗ trợ của Việt Nam đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.  Chúng tôi nhân cơ hội này muốn thúc đẩy nền công nghiệp thông qua Metalex Vietnam 2015 bởi đây sẽ là diễn đàn cho tất cả các giải pháp gia công kim loại, khuyến khích hơn 10.000 nhà công nghiệp đầu tư vào các công nghệ gia công kim loại và máy công cụ. Bên cạnh trưng bày máy móc, chương trình sẽ kết hợp các khu gian hàng quốc tế theo quy mô lớn trong số 500 thương hiệu hàng đầu đến từ 25 quốc gia để giới thiệu những sản phẩm tốt nhất tại triển lãm”.

Trong lĩnh vực thương mại, Thái Lan cũng rất sốt sắng tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại trong thời gian gần đây. Hồi đầu tháng 7, tuần lễ Thái Lan – triển lãm giao dịch thương mại Thái Lan, một sự kiện hàng năm nằm trong chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM.

Rải rác khắp các địa phương khác, nhiều hội chợ hàng Thái cũng được tổ chức. Điều đáng nói là người Thái rất giỏi vận động các cơ quan của phía Việt Nam tham gia, và nhận được sự hỗ trợ hết sức tích cực từ các cơ quan này. Người dân thì cũng tỏ vẻ hào hứng khi đi hội chợ, được xem văn nghệ, nhận quà tặng, mua hàng khuyến mãi lớn... và không lo bị mua hàng Trung Quốc hay hàng trôi nổi.

Ngày 21-7 vừa qua, Vietravel và hãng hàng không Thai VietJet Air mở đường bay thẳng Cần Thơ - Bangkok với tần suất 5 ngày/chuyến, sử dụng máy bay Airbus A320 180 chỗ. Theo Vietravel, lượng khách đi Thái Lan chiếm 40% khách du lịch nước ngoài tại công ty này. Còn theo Thai Vietjet Air, sáu tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế từ Thái Lan đến Việt Nam vào khoảng 100.000 người.

Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, vào tháng 3-2015, ngân hàng Kasikorn chuyên phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan đã chính thức khai trương văn phòng ở Hà Nội và TP.HCM. Nhiệm vụ của họ được thông báo rõ: hỗ trợ thương mại và đầu tư của công ty Thái Lan tại Việt Nam. Họ cũng nhận luôn hai nhiệm vụ khác đối với khách hàng của mình: làm nghiên cứu thị trường và kết nối kinh doanh.

Ông Predee Daochai, chủ tịch ngân hàng này cho biết: “Việt Nam là thỏi nam châm thu hút đầu tư của Thái Lan và nước ngoài quan trọng bậc nhất. Không chỉ có nguồn nguyên vật liệu thô dồi dào, đây còn là nhà của hơn 90 triệu người tiêu dùng, một thị trường phát triển cao đầy tiềm năng”.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM